Nét đẹp văn hóa của chèo thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.
Tỉnh Bắc Kạn đang cụ thể hóa “Phương án quản lý rừng bền vững Vườn Quốc gia Ba Bể giai đoạn 2021–2030” nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, khoa học của khu vực; tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân và thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, diện tích thực hiện các hoạt động du lịch là 3.593,91ha, trong đó 61,25ha được sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ du lịch theo đúng quy định.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu thu hút 06 dự án đầu tư thuê môi trường rừng, hoàn thành và đưa vào hoạt động 03 điểm du lịch sinh thái, thu hút khoảng 150.000 lượt khách/năm (trong đó khách quốc tế chiếm 10%), tạo việc làm ổn định cho khoảng 800 lao động. Các điểm du lịch sẽ bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Đến năm 2030, mục tiêu là thu hút 08 dự án đầu tư, đón 450.000 lượt khách/năm (khách quốc tế chiếm 20%), tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động, thời gian lưu trú trung bình từ 03 ngày trở lên.
Đồng chí Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết: Đề án tập trung khai thác hiệu quả giá trị thiên nhiên, văn hóa và hệ sinh thái rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, đồng thời vẫn bảo đảm công tác bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Trong thời gian qua, Ban Quản lý Vườn đã tập trung phát triển các loại hình du lịch chủ yếu như: Khám phá hang động, thác nước, suối ngầm; nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên; du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc Tày, Dao, Mông… Đồng thời, chú trọng đầu tư hạ tầng như cải tạo giao thông nội khu, xây dựng bến thuyền, khu dừng chân, điểm cắm trại sinh thái, lều nghỉ cao cấp (glamping) và các khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường.
Ứng dụng công nghệ số cũng được đẩy mạnh với việc số hóa điểm đến, triển khai bản đồ du lịch thông minh, ứng dụng hướng dẫn viên ảo, thanh toán không dùng tiền mặt… Tất cả nhằm mang lại trải nghiệm thuận tiện, hiện đại cho du khách.
Một góc xã Hoàng Trĩ - nét đẹp tự nhiên cần được đầu tư để phát huy giá trị tiềm năng về du lịch.
Một nội dung quan trọng trong đề án là kết hợp du lịch với bảo tồn thiên nhiên. Các tuyến tham quan được thiết lập có giới hạn, giảm thiểu tác động đến môi trường. Ban Quản lý cũng kiểm soát rác thải, điều tiết lượng khách và tổ chức tuyên truyền về du lịch có trách nhiệm. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng kết nối với các địa phương lân cận như hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), hồ Núi Cốc, Cao nguyên đá Đồng Văn…, để tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, mở rộng thị trường khách.
Tổng vốn dự kiến thực hiện đề án khoảng 1.075 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công chiếm 7,4%, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia.
Một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả như: Du lịch cộng đồng tại bản Pác Ngòi, chèo thuyền kayak; tour khám phá động Puông – Hua Mạ…, đã góp phần đưa Vườn Quốc gia Ba Bể trở thành điểm đến hấp dẫn. Hệ thống cơ sở lưu trú cũng được cải thiện cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu của du khách.
Để triển khai hiệu quả Đề án, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể tập trung huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công – tư; đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm địa phương phục vụ du lịch, đầu tư làng nghề thủ công, sản phẩm văn hóa đặc sắc; phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tại địa phương./.
Đình Văn