Nghị quyết số 68-NQ/TW khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hình thành các chuỗi giá trị và tăng cường liên kết với nhau. Ảnh minh họa
Thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức
Đánh giá chính sách đột phá tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó một số nhóm chính sách được đánh giá là mang tính đột phá vì giải quyết trực tiếp các vướng mắc lâu nay của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững
"Kế hoạch hành động của Chính phủ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 68-NQ/TW, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia".
Bà Chế Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH TM Dược Phẩm Vera Sunshine
Trong đó, nghị quyết nhấn mạnh việc xóa bỏ định kiến, nghi kỵ về vai trò của kinh tế tư nhân, khẳng định đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều năm, kinh tế tư nhân thường bị xem là "thấp hơn" so với khu vực nhà nước, dẫn đến chính sách ưu tiên không đồng đều. Việc thay đổi tư duy ở cấp cao nhất (Bộ Chính trị) là bước ngoặt, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và xã hội, từ đó thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân mà không lo bị phân biệt đối xử.
Đồng thời, nghị quyết khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và tăng cường liên kết với nhau cũng như với khu vực kinh tế khác. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, thường hoạt động đơn lẻ, thiếu liên kết, dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu. Chính sách này thúc đẩy sự hợp tác, giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế quy mô và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành như công nghệ, nông nghiệp và sản xuất.
“Các nhóm chính sách trong Nghị quyết số 68-NQ/TW, cải cách thể chế và cắt giảm thủ tục hành chính được xem là đột phá nhất vì trực tiếp giải quyết hai rào cản lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân: rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ. Những thay đổi này không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn gửi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân” - TS. Phan Phương Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Chế Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH TM Dược Phẩm Vera Sunshine cũng cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Nghị quyết là sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Điều này tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đồng thời khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế.
Nỗ lực kịp thời đưa nghị quyết vào cuộc sống
Còn theo ông Trần Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta, rất nhiều nhóm chính sách được đưa ra trong Nghị quyết số 68-NQ/TW đã hướng đến việc giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp tư nhân. Đầu tiên có thể kể đến lượng hóa việc cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh, giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và giảm 30% chi phí tuân thủ. Chưa bao giờ các mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp lại được đặt ra rõ ràng và chi tiết đến mức đó.
Khi đề cập đến hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thì chủ trương đưa ra một con số rất cụ thể là chỉ thanh tra, kiểm tra một lần mỗi năm. Bên cạnh đó, điều được doanh nghiệp đánh giá cao đó là quan điểm hạn chế hình sự hóa các quan hệ dân sự, ưu tiên cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án. Đây là những nguyên tắc không mới, nhưng được quy định cụ thể trong nghị quyết thể hiện sự đổi mới trong tinh thần thực thi pháp luật, hướng đến một môi trường kinh doanh thân thiện hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Ngày 17/5/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 và Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động tại Nghị quyết số 139/NQ-CP để cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ chính trị bằng các cơ chế, chính sách. Đây là những nỗ lực kịp thời của Quốc hội và Chính phủ nhằm sớm đưa Nghị quyết số 68-NQ/TW vào cuộc sống. Việc ban hành các nghị quyết có tác động sâu rộng đến môi trường kinh doanh và doanh nghiệp hơn lúc nào hết, được xây dựng nhanh và kịp thời như thế.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Nghĩa, để các nghị quyết sớm đi vào thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp, cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ, ngành, từng địa phương về tỷ lệ dịch vụ công được thực hiện trực tuyến mức độ 4 và trả kết quả giải quyết thủ tục bằng hình thức trực tuyến. Các mức độ thấp hơn mức độ 4 (trực tuyến toàn trình) hiện đang khiến doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hai lần, cả trực tuyến và trực tiếp nên cần hướng tới mục tiêu thực hiện toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Để thực hiện mục tiêu này các bộ, ngành và địa phương cần đưa ra lộ trình cụ thể và tập trung nguồn lực cần thiết. Đây là cách hữu hiệu nhất để giảm thời gian giải quyết thủ tục, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp như Nghị quyết số 68-NQ/TW của Đảng đã đặt ra.
Thể hiện sự nhanh chóng và quyết liệt của Chính phủ
Theo TS. Phan Phương Nam, Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra 117 nhiệm vụ cụ thể với phân công rõ ràng cho thấy sự quyết tâm trong triển khai. Đặc biệt, các mục tiêu định lượng và định hướng nâng hạng môi trường kinh doanh quốc tế là dấu hiệu của sự cam kết mạnh mẽ.
Nghị quyết số 138/NQ-CP về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW cho thấy tính đồng bộ của hệ thống chính trị. Kế hoạch hành động này đã được Chính phủ xây dựng ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, thể hiện sự nhanh chóng và quyết liệt của Chính phủ. Sự phối hợp giữa Nghị quyết số 138/NQ-CP và các cơ chế, chính sách đặc biệt của Quốc hội tạo ra một hệ thống hỗ trợ đồng bộ từ cấp cao nhất.
Nhằm tránh tình trạng chung chung, tăng tính trách nhiệm, Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đặc biệt của Quốc hội (như ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục) là nền tảng pháp lý quan trọng, giúp Chính phủ triển khai kế hoạch hiệu quả hơn.
Kế hoạch hành động cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính- cơ quan "thiết kế" trình các dự thảo có liên quan. Để có dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ trình Quốc hội, sau khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Bộ Tài chính đã hoàn thiện ngay trong đêm.
Với tinh thần khẩn trương đó, giới doanh nhân tin tưởng chính sách lớn này sẽ thành công, bởi đây chính là sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận đất đai và nguồn vốn, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và mở rộng quy mô hoạt động./.
Đức Việt