Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật. Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, “cha đẻ” của hàng loạt bản hit đình đám như Nhật ký của mẹ, Chiếc khăn gió ấm... đã chia sẻ một trải nghiệm dở khóc dở cười khi thử ứng dụng AI vào công việc sáng tạo, thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.
Theo đó, Nguyễn Văn Chung đã nhờ một ứng dụng AI tạo hình ảnh theo mong muốn của mình bằng cách đặt câu lệnh cụ thể. Tuy nhiên, kết quả nhận được lại không như kỳ vọng. Bức hình do AI tạo ra trông “đứng tuổi” hơn hẳn, thiếu sự chân thực và không giống người thật.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhờ trí tuệ nhân tạo tạo hình ảnh và nhận về thành phẩm (bên phải) khiến anh "lắc đầu". (Ảnh FBNV)
Hài hước hơn, khi nam nhạc sĩ thắc mắc về sự chênh lệch này, AI thẳng thắn trả lời rằng hệ thống không được phép tái tạo chính xác gương mặt người thật.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Nguyễn Văn Chung dí dỏm nhận xét: “Lý do mình không dùng AI, đã không làm được còn cãi chày cãi cối, lý do lý trấu”. Câu chuyện của anh ngay lập tức tạo nên làn sóng bình luận sôi nổi. Nhiều khán giả đồng cảm với sự “đỏ mặt” của anh khi sử dụng với AI, trong khi không ít người hài hước trêu chọc rằng: “AI cũng biết cách giữ an toàn pháp lý”.
Chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khiến nhiều người bật cười. (Ảnh FBNV)
Dù chỉ là một sự cố nhỏ, trải nghiệm của Nguyễn Văn Chung phần nào phản ánh tâm thế của không ít nghệ sĩ Việt khi bắt đầu tiếp cận công nghệ AI.
Thời gian qua, AI đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực sáng tạo như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, thiết kế và thậm chí là cả truyền thông, quảng cáo. Một số ca sĩ, nhạc sĩ thử nghiệm AI để lên ý tưởng hình ảnh, sản xuất âm nhạc hoặc tạo MV; các họa sĩ ứng dụng AI trong phác thảo, thiết kế; các nhà sản xuất phim khai thác AI trong dựng kỹ xảo hay viết kịch bản.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chóng mặt, AI cũng đặt ra không ít thách thức cho giới nghệ thuật Việt. Không phải ai cũng dễ dàng làm quen với công cụ này. Nhiều nghệ sĩ vẫn giữ tâm lý e dè, lo ngại về việc AI có thể làm “thui chột” sự sáng tạo của con người hoặc xâm phạm bản quyền, hình ảnh.
Không thể phủ nhận rằng AI đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp sáng tạo nhưng việc nắm bắt, hiểu và ứng dụng hiệu quả công nghệ này là cả một quá trình cần sự kiên nhẫn và thích nghi. Nhiều chuyên gia nhận định rằng thay vì “sợ” AI, nghệ sĩ Việt nên chủ động tìm hiểu và học cách cộng tác cùng AI, tận dụng công cụ này như một “trợ lý ảo” hỗ trợ ý tưởng và sáng tạo.
Nhìn ở góc độ tích cực, những trải nghiệm tuy hài hước như của Nguyễn Văn Chung chính là bước khởi đầu cần thiết. Bởi suy cho cùng, nghệ thuật luôn cần sự đổi mới để bắt kịp thời đại và AI chính là một trong những chất xúc tác thú vị để nghệ sĩ Việt bứt phá trong tương lai.