Cử tri Bắc Ninh mong Luật Nhà giáo sớm ban hành và đi vào cuộc sống

Cử tri Bắc Ninh mong Luật Nhà giáo sớm ban hành và đi vào cuộc sống
3 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề.
Dự án Luật Nhà giáo dự kiến sẽ được đưa ra xem xét, lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Sau nhiều lần chỉnh sửa, góp ý, Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều đã góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà giáo phát triển; đồng thời kế thừa, học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tạo điều kiện để các nhà giáo phát huy tối đa sở trường, năng lực
Gần 30 ý kiến góp ý trực tiếp và gửi văn bản tới hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo. Cử tri Bắc Ninh mong muốn luật sớm được ban hành và đi vào cuộc sống, với những chính sách, chế độ xứng đáng, bảo đảm sự công bằng để các nhà giáo yên tâm cống hiến, sống với nghề và gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Cử tri Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Ninh chia sẻ, Luật Nhà giáo được ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ rất lâu. Khi được thực hiện đây là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Góp ý vào dự thảo, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Ninh đề nghị tại Điều 44 khoản 1 ý b, xin bổ sung cụm từ “bảo lưu thâm niên số năm công tác giảng dạy, quản lý tại cơ sở giáo dục đối với cán bộ quản lý cấp Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo” để bảo đảm sự công bằng, thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống và tạo động lực để đội ngũ cán bộ quản lý tiếp tục cống hiến cho ngành.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Tài đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh cho hưởng chế độ lương giữa giáo viên mầm non với các cấp học khác tương đương nhau (về hạng, ngạch, bậc). Đồng thời đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55; nâng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp từ 35% lên 50% cho các nhà giáo thuộc bậc học mầm non các trường mầm non công lập.
Các cử tri phát biểu ý kiến.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Thiết, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh góp ý, tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non. Nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, nên còn xảy ra nhiều sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, từ phụ huynh, người học đối với nhà giáo.
Điều này dẫn tới tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận nhà giáo bỏ việc, chuyển việc, nhất là nhà giáo trẻ. Mặt khác, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục, đào tạo...
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến sáp nhập cơ sở giáo dục, cơ chế bảo vệ nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, chi trả cho giáo viên hợp đồng, nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục, chế độ chính sách biệt phái đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… cũng được đông đảo cử tri đề cập.
Hành lang pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, so quy định hiện hành tại các luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới đáng chú ý và là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đối tượng, phạm vi áp dụng của dự án Luật Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn hóa và một số quyền, nghĩa vụ, chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Các đại biểu và cử tri tham dự hội nghị.
Dự thảo cũng làm rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo với tính chất là hoạt động đặc thù so các ngành, nghề khác vì đây là hoạt động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo cao; được thực hiện theo năm học hoặc khóa học; được cụ thể hóa theo từng cấp học và trình độ đào tạo...
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông tin nhanh về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 9 tháng đầu năm, chúc mừng những thành tích nổi bật về dạy và học trong thời gian qua của thầy và trò Bắc Ninh.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Trao đổi với cử tri về định hướng phát triển giáo dục của tỉnh, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, tỉnh không khuyến khích việc tự chủ tại các cơ sở giáo dục công lập để các thầy cô có điều kiện tập trung vào công tác chuyên môn. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện dạy và học, phấn đấu không để thiếu trường, thiếu lớp, không để quy mô số học sinh quá đông trong một lớp. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó quan tâm đầu tư thích đáng cho giáo dục đào tạo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng làm rõ các ý kiến, kiến nghị của cử tri về chính sách thâm niên đối với giáo viên biệt phái về làm nhiệm vụ quản lý giáo dục, vấn đề tự chủ, sáp nhập cơ sở giáo dục, biên chế ngành giáo dục, chế độ đối với giáo viên mầm non.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, đề xuất bố trí biên chế phù hợp; nghiên cứu các chính sách của Trung ương để vận dụng, ban hành chính sách của tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới. Các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền.
AN TRÂN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/cu-tri-bac-ninh-mong-luat-nha-giao-som-ban-hanh-va-di-vao-cuoc-song-post835771.html