Chiều 31-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Nhiều đại biểu (ĐB) QH thông tin cử tri đang rất bức xúc vì dù tham gia BHYT mà vẫn phải mua thuốc bên ngoài hoặc bị chậm thanh toán BHYT…
ĐB Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho hay việc bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào đang là vấn đề cử tri rất quan tâm.
ĐB Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo ĐB, trước khi trình QH dự luật này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, để giải quyết vấn đề thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh. “Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay” - ĐB Cường nói.
Ông Cường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc, vật tư y tế (Điều 31 dự thảo luật) để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Cùng nội dung này, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết cử tri rất bức xúc với những bất cập, phức tạp khi đi khám BHYT, như phải chờ đợi mệt mỏi, chất lượng thuốc không đáp ứng, thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế... Nguyên nhân là do các quy định liên quan đến định mức khám bảo hiểm, trong đó có loại thuốc được thanh toán, loại thuốc không.
“Cử tri bức xúc vì đã bỏ tiền tham gia BHYT nhưng dịch vụ bảo hiểm chưa đáp ứng được yêu cầu” - ông Hạ nói và mong muốn trong lần sửa đổi luật lần này phải nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện cho các thành phần tham gia thị trường BHYT để nâng cao tính cạnh tranh, người dân có quyền lựa chọn.
ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). Ảnh: PHẠM THẮNG
Phát biểu tại hội trường, nhiều ĐB nêu nhiều vướng mắc trong công tác giám định BHYT, dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh bị chậm thanh toán BHYT.
ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nói theo khoản 6 Điều 2 Luật BHYT, giám định BHYT là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ BHYT do tổ chức BHYT tiến hành.
“Hiện đang thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định, dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện khiến tình trạng trễ hạn thanh toán chi phí xảy ra khá phổ biến trong thực tế. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2023 có 30% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định y tế” - ĐB Bình nói.
ĐB đề nghị luật cần giao Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan BHXH với ngành y tế.
Bày tỏ đồng tình, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng cần nhìn thẳng vào nguyên nhân tại sao có nhiều bất cập, vướng mắc, tranh cãi trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đó là chưa có văn bản quy phạm pháp luật để quy định khoản 6 Điều 2 về giám định BHYT. Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định Bộ Y tế ban hành quy định tiêu chí, nội dung đánh giá sự hợp lý của dịch vụ y tế cung cấp cho người tham gia BHYT để làm cơ sở giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình tại phiên thảo luận chiều 31-10. Ảnh: NHƯ Ý
Giải trình, làm rõ một số nội dung các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay dự thảo luật lần này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20/2017 của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết này đề ra mục tiêu đến năm 2030, 95% người dân được tham gia BHYT và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của ĐB tại phiên thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật” - bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
NGUYỆT - PHÚ - HIỀN