ĐTO - Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của cử tri và người dân tỉnh Đồng Tháp qua các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tình trạng này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sản xuất, mua bán hàng giả, kém chất lượng
CẦN QUẢN LÝ CHẶT CHẼ HÀNG HÓA
Cử tri Mai Phi (xã Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ sự lo ngại trước hàng loạt vụ sản xuất hàng giả như: sữa, dầu ăn, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng được báo, đài đưa tin gần đây. Ông Phi nhấn mạnh: “Hàng gian, hàng giả là thủ phạm “giết người thầm lặng”, làm chậm sự phát triển của đất nước, cần tiên quyết xử lý nghiêm”. Từ đó, ông Phi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tại các phiên họp Quốc hội, các ĐBQH đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng hàng hóa không đảm bảo chất lượng đang tràn lan trên thị trường, đặc biệt là thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, đây là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không thể tiếp tục tư duy cũ là chỉ tìm kiếm vi phạm, mà cần chuyển sang tư duy phòng ngừa, không thể lơ là trong công tác kiểm tra, giám sát. ĐBQH Phạm Văn Hòa khẳng định: “Tương lai bắt buộc phải đi kèm với chất lượng”.
Cử tri Thái Văn Trung (phường Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) phản ánh việc cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, cho thấy tính chất phức tạp, tinh vi trong việc trà trộn hàng giả với hàng hóa hợp pháp. Ông Trung phân tích, ngay cả các mặt hàng rau củ quả người dân sử dụng hằng ngày cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông cũng đề cập đến tình trạng quảng cáo hàng thật trên các kênh thương mại điện tử nhưng khi mua qua mạng có khi lại nhận hàng kém chất lượng.
Nhiều cử tri khác cũng bày tỏ sự bức xúc trước hàng loạt vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn bị phanh phui như: kẹo rau củ Kera, sữa giả, bột ngọt giả, giá đỗ bằng hóa chất. Cử tri Lý Hoàng Nam (phường Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Khi kiểm tra, giám sát mới phát hiện, như mặt hàng sữa làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ em và sức khỏe của người cao tuổi. Có những vụ việc sản xuất hàng chục năm mới phát hiện thì có bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng đến sức khỏe”. Ông Nam kiến nghị Quốc hội, cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ đầu vào hàng nhập khẩu và các cơ sở sản xuất.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, mặc dù thời gian qua ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực giám sát, kiểm tra, đôn đốc nhưng hiệu quả chưa rõ rệt. Do đó, ông Hòa đề nghị trong năm 2026 cần giám sát chuyên đề về nội dung này, đồng thời khuyến khích các ĐBQH phát huy vai trò giám sát độc lập.
Cử tri xã Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp) phản ánh tình trạng hàng giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường
XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ
Cử tri Nguyễn Ngọc Trinh (phường Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) phản ánh tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, đặc biệt là thực phẩm chức năng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Bà Trinh đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở bán thuốc tây. Bà Trinh khẳng định, hàng giả làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần và sự tồn vong của đất nước, nhất là thế hệ trẻ. Bà đề xuất: “Những người có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa phải làm việc khách quan, công tâm; ngành chức năng phối hợp kiểm tra một cách triệt, từ đó mới mong có thể hạn chế hiện tượng hàng giả để người dân có sức khỏe tốt”.
Tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 10/7, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nêu rõ, cử tri và Nhân dân phản ánh một số tình trạng cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới, trong đó có tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Ủy ban kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, có biện pháp quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Cũng tại Phiên họp thứ 47, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, về vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, Thường trực Ủy ban đã thảo luận với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan đã thống nhất kế hoạch dự kiến tháng 8 sẽ tổ chức phiên giải trình.
Cử tri và người dân tỉnh Đồng Tháp tiếp tục kiến nghị xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả theo đúng quy định pháp luật. Cử tri Nguyễn Văn Bình (xã Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp) kiến nghị: “Quốc hội xem xét gia tăng mức độ xử phạt các đối tượng, chủ cơ sở sản xuất, mua bán hàng giả”. Ông Bình nhấn mạnh đây là những thủ phạm “giết người thầm lặng”, do đó kiến nghị Quốc hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử phạt để bảo vệ sức khỏe người dân và giúp đất nước phát triển. “Tôi kiến nghị Quốc hội cần có chế tài xử phạt nặng các đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất hàng giả để đủ sức răn đe” - ông Bình nhấn mạnh.
Cử tri xã Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) kiến nghị xử lý nghiêm tình trạng các đối tượng sản xuất hàng giả
Phát biểu tại Phiên họp thứ 47, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần tập trung vào việc quản lý chặt chẽ và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 3 tháng qua, các ngành chức năng đã chỉ đạo quyết liệt về hàng kém chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cùng với đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả; cần làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc hậu kiểm chất lượng sản phẩm đã đăng ký.
Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn người dân nâng cao cảnh giác, trở thành “người tiêu dùng thông thái”, tích cực phản ánh hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho cá nhân và cộng đồng. Trong sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nông dân cần thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; đồng thời để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, bà con nên vào hợp tác xã, Hội quán để cùng nhau mua chung, bán chung sản phẩm có chất lượng.
DƯƠNG ÚT