Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc Chính phủ điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025 là phù hợp yêu cầu thực tiễn. Bởi đây là thời điểm Việt Nam cần tận dụng tối đa những thành tựu kinh tế trong quá khứ cũng như cơ hội đang có trong tương lai, nỗ lực và quyết tâm cao đạt được tiền đề cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025, Thành phố đã xây dựng kịch bản phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi Thành phố nỗ lực, quyết tâm thật cao, tiếp cận phương thức quản lý sáng tạo dựa trên năng lực cạnh tranh cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các nguồn lực khác phát triển.
Để đạt mục tiêu này, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng nòng cốt là yếu tố quyết định; tiếp đó là đột phá về cơ chế tạo sự thông thoáng vượt qua những ách tắc không cần thiết nhằm thu hút đầu tư, triển khai nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển bất động sản; thứ ba là đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Những năm qua, nhất là sau COVID-19, một số lĩnh vực như, công nghiệp, tài chính đã có những phát triển khởi sắc nhưng để đạt được mục tiêu thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh rất cần có được những sự thông thoáng về cơ chế.
Vừa qua Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội và những chính sách bổ sung cần thiết phần nào tạo ra những bước tạo đà cho quá trình thực hiện mục tiêu phát triển của Thành phố đạt mức tăng trưởng 2 con số, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế trên 8% của cả nước.
Tiến sỹ Trần Quang Thắng cho biết, Thành phố đang tiến hành nhiều dự án về hạ tầng, phát triển trung tâm logistic, các hệ thống đường sắt, trung tâm tài chính quốc tế… để năm 2025 giải ngân 84.000 tỷ đồng và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 600.000 tỷ đồng. Trước mắt, Thành phố sẽ đột phá vào 5 dự án trọng yếu ngay trong năm 2025 là Dự án mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, trục Nam-Bắc và cầu Bình Tiên với tổng vốn đầu tư 64.500 tỷ đồng.
Đây là số tiền rất lớn, đòi hỏi phải có kế hoạch chi tiết với những cách tiếp cận mới ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, hợp lý hóa các công đoạn, quy trình. Tức là cần ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, công nghệ số mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, đồng thời đơn giản hóa, tối đa thủ tục hành chính và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh hơn nữa lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, tăng trưởng lĩnh vực du lịch.
Cử tri Trần Quang Thắng cho rằng, hướng phát triển của Thành phố là phải dựa trên năng lực cạnh tranh và sự sáng tạo, đột phá với cách tiếp cận mới. Thành phố cần đầu tư đào tạo nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, để họ được trang bị tốt kỹ năng và kiến thức, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời tạo điều kiện để có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm chia sẻ kỹ năng, kiến thức, tạo thành một hệ thống, chuỗi cung ứng khép kín thúc đẩy phát triển sản xuất. Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cuối năm 2025 đạt trên 10% cần đảm bảo các yếu tố thực hiện tốt nhất dự án, trong đó thẩm định và duyệt dự án, cơ sở hạ tầng phải tiếp tục có nhiều đột phá và đổi mới, thực hiện hiệu quả, tinh gọn, thực chất.
“Để đạt mục tiêu trên 8% trong năm 2025, rất cần có sự triển khai hiệu quả công tác tinh gọn bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu suất làm việc; nâng cao tỷ trọng chuyển đổi số. Mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8% đòi hỏi có sự quyết tâm mạnh mẽ, sự phấn đấu nỗ lực lớn, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị với những giải pháp đột phá, sáng tạo trên cơ sở những cơ chế thông thoáng thậm chí có thể chưa từng có tiền lệ”, Tiến sỹ Trần Quang Thắng nhấn mạnh.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố cần có các giải pháp mang tính đột phá ở cả nhóm động lực tăng trưởng truyền thống và tăng trưởng mới.
Theo cử tri Hoàng Công Gia Khánh, năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh ước tính cần huy động khoảng 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%; trong đó vốn ngân sách 110.000 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư công thường có vai trò vừa là “vốn mồi”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, dòng vốn này cần phải ưu tiên tập trung giải ngân ngay trong 6 tháng đầu năm mới tạo động lực cho tăng trưởng cho thành phố. Nhìn lại 5 năm trước, năng suất lao động của Thành phố gấp 2 lần trung bình cả nước, còn ở thời điểm hiện tại chỉ hơn 1,5 lần. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đang giảm. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới mang tính đột phá.
Năm 2024, khu vực dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Thành phố, khi chiếm 65,5% GRDP. Trong đó, có các ngành dịch vụ mang tính đổi mới sáng tạo toàn cầu là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tài chính ngân hàng và bảo hiểm, bao gồm Fintech (công nghệ tài chính), đóng góp hơn 20% GRDP. Đáng chú ý, quan sát xu hướng lao động đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo sang các ngành mang tính đổi mới sáng tạo, chủ yếu là lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Từ những dữ liệu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, để tăng trưởng bền vững cả trong ngắn hạn và dài hạn, Thành phố cần tập trung tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, các ngành dịch vụ mang tính sáng tạo toàn cầu. Đây cũng là giải pháp Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới, đó là xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Một điểm chúng ta có thể làm ngay trong năm nay, đó là đề xuất Trung ương cho Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho hoạt động Fintech và thành lập Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho Fintech. Đây là điểm đột phá để các ngành đổi mới sáng tạo đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng GRDP năm 2025”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh đề xuất.
Xuân Khu - Hứa Chung (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-tp-ho-chi-minh-hien-ke-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-20250215085448324.htm