Dáng hoa quyến rũ cao sang, lại khó chăm nên người chơi nâng niu, cưng chiều cúc cổ vô cùng. Ảnh: Đào Mạnh Hùng
Vương giả chi hoa
22 giờ đêm, anh Minh Tùng ở Giáp Bát, Hà Nội vẫn có thói quen chăm mấy chậu cúc cổ. Khi cao hứng, anh cùng cậu con trai ăn bánh, thưởng trà ngắm hoa trong khu vườn trên tầng thượng vỏn vẹn 10m2. Cộng đồng người yêu cúc cổ liên tục được chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm từ vườn nhà anh với bao lời xuýt xoa, tấm tắc.
Ở tuổi 50, niềm đam mê hoa cúc vẫn vẹn nguyên như cái thời anh mới tập tễnh theo cha mẹ chơi hoa. Người đàn ông này từng có nhiều buổi tranh luận sôi nổi về nguồn gốc, thú chơi cúc cổ. Anh bảo rằng, các cụ ở làng hoa truyền thống Nghi Tàm (Hà Nội) thuật lại, trước đây, chỉ nhà quan lại giàu có mới chơi cúc cổ.
Trong văn hóa Á Đông, cúc là biểu tượng của sự trường tồn, phúc khí, quyền quý, cao sang; xếp vào hàng tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”. Người ta ví cúc là “vương giả chi hoa”, đặc tính “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”, nghĩa là “Lá không rời cành, hoa không xuống đất”. Kết thúc quá trình dâng hiến hương sắc cho đời, cúc không hòa mình vào lòng đất mà khô dần trên cây.
Giới chơi cúc miền Bắc đang phổ biến, trao đổi nhiều loại cúc cổ, nhưng hoàng long trảo (cảo), hồng tú kiều, bạch khổng tước có giá trị và được săn đón nhất. Ba loại này khi nở, cánh uốn cong mềm mại, dáng hoa quyến rũ, lại khó chăm nên người chơi nâng niu, cưng chiều vô cùng. Mỗi giai đoạn phát triển của hoa có một thú vị riêng như sự hồi hộp của đơm nụ, vẻ e ấp của hàm tiếu hay cảm xúc vỡ òa khi bung nở rực rỡ. Bộ ba cúc cổ sang trọng, diễm lệ được nhiều gia đình ở Hà Nội săn lùng, chưng Tết thịnh hành những năm đầu thế kỷ XX, sau đó thì khan hiếm, thời gian gần đây rộn ràng trở lại.
Trong khi một số người chơi cúc cổ riêng lẻ thì tại Công viên Thực vật cảnh Việt Nam, Giám đốc Đào Mạnh Hùng cùng đội ngũ cán bộ sưu tầm và thiết trí một khu vực dành riêng cho cúc, trong đó có giống cúc cổ quý hiếm. Ông Hùng từng tổ chức một cuộc triển lãm quy mô về cúc cổ và gốm Việt, thu hút sự quan tâm của công chúng, gợi lại ký ức một thời về thú chơi của người Hà Thành xưa.
Để có được khu vườn quy mô, điểm đến thăm thú trải nghiệm của hàng ngàn du khách, ông Hùng mất nhiều năm tìm kiếm, ươm trồng, tạo dáng thế cúc cổ trong từng chậu gốm. Nhiều chậu cúc cổ được trả giá vài triệu đồng nhưng ông không bán.
Nghĩ về một bảo tàng thực vật hoàng gia
Qua kết nối, tìm kiếm các phủ đệ, nhà vườn, nhà nghiên cứu, thông tin về cúc cổ ở Huế khá hiếm hoi. Tuy nhiên, nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà, 90 tuổi, cháu gái của vợ vua Duy Tân tiết lộ một chi tiết khá thú vị. Lục lại ký ức, bà kể từng thấy hai loại hồng tú kiều và bạch khổng tước (như hình ảnh và tên gọi hiện nay) - ngày xưa gọi chung bằng cúc đại đóa. “Các cung phủ và nhà quan lại mới trồng hoa này. Khi cây phát triển thành cành cao, người trồng sẽ cắm những que tre xung quanh làm giá đỡ và chăm sóc rất công kỹ”, bà nhớ lại.
Một hậu duệ phủ Mỹ Hóa Công - Nguyễn Phúc Lỗi, cháu nội Thụy Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, con của Nguyễn Phúc Ưng Ái - Ưng Chân (vua Dục Đức) thuật lại rằng, anh từng nhìn thấy loài cúc trắng cánh dài nhỏ mang vẻ yêu kiều quyến rũ - bạch khổng tước trong vườn nhà từ lâu. Qua thời gian, mưa bão, hoa đã tàn lụi.
Theo nhiều người chơi hoa, cúc cổ ban đầu xuất hiện ở Huế, từ triều đình rồi lan tỏa ra các cung phủ. Có lẽ triết lý “cúc ngạo hàn sương” thể hiện tiết tháo của kẻ sĩ, như thay lời muốn nói của người làm quan giữa vòng thế tục xoay vần. Biểu tượng cúc cổ xuất hiện khá nhiều trên các công trình di sản Triều Nguyễn. Trong tác phẩm “Mặt trời và hoa cúc, biểu tượng vương quyền Việt Nam”, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc chỉ ra hình ảnh cúc trong phục trang, nữ trang, đồ ngự dụng… của các vương triều. Hiện, trên công trình Ngọ Môn, điện Thái Hòa, lăng vua Thiệu Trị… các đắp nổi hay tranh vẽ thể hiện hoa nhiều lớp cánh, rất giống với cúc cổ hiện nay.
Mải miết theo thông tin cúc cổ có còn trên đất Huế, tôi vô tình gặp PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đang thu thập bộ ba cúc cổ thuần Việt từ miền Bắc về trồng thử nghiệm. PGS. Đức bảo rằng, anh đã nhờ học trò, bạn bè tìm cúc cổ ở khu vực miền Trung, rất tiếc đều không còn. Năm ngoái, một sinh viên ở Triệu Phong, Quảng Trị thông báo mẹ cô hay trồng các loại cúc này nhưng trong đợt mưa bão vừa qua, cây đã chết. Với khí hậu miền Trung, kẻ thù của cúc cổ chính là mưa lũ.
Trò chuyện cùng PGS.TS. Nguyễn Văn Đức - người đam mê phục tráng các giống cây hoa quý hiếm, anh đề xuất xây dựng một bảo tàng thực vật hoàng gia, bởi Kinh đô xưa là nơi hội tụ nhiều giống cây, quả quý hiếm như nhãn, vải, lúa de, kim giao… Đây là một lợi thế, bản sắc không nơi nào có được khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
“Những giống cây quý này đang lưu lạc đâu đó trong dân gian mà thôi. Cứ đi khắc đến, cứ ươm trồng tất có quả ngọt. Cũng giống như cúc cổ, mùa xuân này mong hoa sẽ bung nở trên đất Huế như chúng đã từng khoe hương sắc ở chốn kinh kỳ xưa kia”, PGS. Đức chia sẻ.
Tuệ Ninh