Cục CSGT: '10.000 người chết do tai nạn là con số biết nói, đến lúc phải lập lại kỷ cương'

Cục CSGT: '10.000 người chết do tai nạn là con số biết nói, đến lúc phải lập lại kỷ cương'
5 giờ trướcBài gốc
Video: Năm 2024, số người chết do tai nạn giao thông tương đương dân số của một xã.
Thông tin trên được Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) đưa ra tại tọa đàm "Nghị định 168 có giải quyết được tắc đường đỉnh điểm ở Hà Nội, TP.HCM?" do Báo điện tử VTC News tổ chức.
Tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, năm 2024, tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người.
"Nếu chúng ta nói con số thì chưa hình dung được nhưng tôi tạm tính nếu lấy mốc của năm 2022 thì 10.000 người bằng dân số một xã của huyện miền núi tỉnh Nghệ An", Đại tá Nguyễn Quang Nhật dẫn chứng.
Phân tích từ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Đại tá Nhật cho biết có tới hơn 3.000 vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân đi không đúng phần đường, làn đường. Tức là làn đường của mình không đi lại đi sang làn đường chiều ngược lại, đâm thẳng vào phương tiện chiều ngược lại gây tai nạn giao thông và cũng gần 1.500 người tử vong bởi hành vi này.
Có tới 360 vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, làm 144 người tử vong. 143 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân chính do người điều khiển phương tiện đi vào làn đường ngược chiều. Phân tích các vụ tai nạn giao thông, có hơn 90% là lỗi trực tiếp do người điều khiển phương tiện gây ra.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật trả lời tại tọa đàm của Báo điện tử VTC News.
"Chúng ta không thể đổ lỗi cho hạ tầng, cho phương tiện hay cho bất cứ điều gì khác. Chúng ta phải nhìn thấy rằng đấy là những con số biết nói, phải cải thiện ý thức của người tham gia giao thông. Hơn lúc nào hết ta phải lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động giao thông để mọi người tham gia giao thông có nề nếp", Đại tá Nhật nhấn mạnh.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, qua những tuần đầu thực hiện Nghị định 168 có thể nhìn thấy sự chuyển biến tích cực khi tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương. Vào dịp cuối năm thường tai nạn giao thông sẽ tăng bởi lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng. Nhưng hiện tại, tai nạn giao thông giảm so với liền kề.
Về vi phạm trật tự an toàn giao thông, trung bình mỗi ngày vẫn còn khoảng 2.500 - 2.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý. Vẫn còn nhiều vi phạm về không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, đi vào làn đường ngược chiều, dừng đỗ sai quy định, đặc biệt những hành vi nguy hiểm trên đường cao tốc vẫn còn diễn ra.
Tuy nhiên, tổng thể vi phạm về trật tự an toàn giao thông có chiều hướng giảm. Như vậy có thể đánh giá một bộ phận ý thức của người tham gia giao thông đã thay đổi.
"Đặc biệt những hình ảnh có thể nói là rất lịch sử, chưa lúc nào thấy được ở nhiều ở Hà Nội, TP.HCM, đó là tại các nút giao có lắp đặt đèn tín hiệu hoặc có người chỉ huy giao thông thì các phương tiện dừng xe rất nghiêm túc trước các vạch dừng và gần như rất ít phương tiện đi lên vỉa hè", Đại tá Nhật cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nhận định, Nghị định 168 có ý nghĩa giúp tình hình giao thông hiện nay tốt hơn, trật tự hơn, an toàn hơn, có nề nếp hơn so với trước, nhất là tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều rất ít xảy ra.
"Trước Tết, phương tiện tăng khoảng 30-40% gây ùn tắc. Một số ý kiến cho rằng ùn tắc là do Nghị định 168, tôi không đồng tình. Tôi cho rằng việc ùn tắc là chuyện bình thường trước Tết, lưu lượng tăng lên, trong khi đó hạ tầng vẫn như vậy", TS Thủy phân tích.
Đường phố Hà Nội ùn tắc từ sáng đến đêm dịp cận Tết Nguyên đán.
Nghị định 168 thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật
Đại tá Nguyễn Quang Nhật không đồng tình với quan điểm cho rằng, Nghị định 168 áp dụng tăng mức phạt vi phạm giao thông gấp hàng chục lần so với quy định cũ.
Ông phân tích, nếu nghiên cứu kĩ Nghị định 168 chúng ta thấy quan điểm là tính nghiêm khắc của pháp luật, nghiêm khắc trong công tác quản lý Nhà nước với một số hành vi... Những hành vi nâng mức phạt nằm dưới 20 hành vi.
Đó là vi phạm về quy tắc giao thông, một số nhóm hành vi vi phạm về quản lý hoạt động vận tải có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Hoặc những vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông thì sẽ bị xử lý nghiêm, cả về mặt chế tài xử phạt cũng như trừ điểm, thậm chí tước giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện giao thông.
"Tôi nghĩ rằng cần phải hiểu một cách chính xác, không phải hiểu đơn thuần là Nghị định 168 tăng hết các mức xử phạt. Nghị định 168 vẫn kế thừa trên cơ sở những quy định cũ của Nghị định 100 còn phù hợp với đời sống xã hội và chỉ nâng mức xử phạt ở nhóm hành vi về quy tắc giao thông và quản lý hoạt động vận tải có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Hoặc những hành vi đó đã dẫn đến hậu quả là gây ra tai nạn giao thông thì sẽ bị xử lý", Đại tá Nhật nhấn mạnh.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải.
Nêu quan điểm về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, mục tiêu của Nghị định 168 là để tăng tính răn đe, tăng sự thức tỉnh ý thức của người dân thông qua mức phạt cao hơn, từ đó đảm bảo an toàn trật tự giao thông tốt hơn.
TS Thủy cũng cho rằng, mặc dù việc vi phạm giao thông chủ yếu là từ người tham gia giao thông, tuy vậy còn nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như hạ tầng còn nhiều thiết sót, yếu kém về vấn đề tổ chức đường sá, hè phố, cầu cống... vấn đề giao thông công cộng.
Ông Thủy lấy ví dụ tuyến Metro làm quá chậm, chưa kết nối được, người dân không mặn mà với xe buýt, mật độ phương tiện cá nhân tăng rất nhanh, 10-12%/năm mà hạ tầng chỉ tăng từ 1-2% mỗi năm.
"Với những bất cập đó, chúng ta đổ tất cả lỗi cho người tham gia giao thông thì có phần chưa được công bằng. Cho nên, theo tôi có nhiều cách để điều hành hành vi của người tham gia giao thông.
Thứ nhất, như cách chúng ta đang làm là tăng mức phạt lên, mang tính răn đe mạnh, và răn đe đó buộc người ta phải suy nghĩ rằng nếu vi phạm hậu quả sẽ thế nào. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng nên có phương pháp giáo dục khuyên răn, thuyết phục người dân điều chỉnh hành vi vi phạm giao thông", TS Thủy cho hay.
Minh Tuệ
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cuc-csgt-10-000-nguoi-chet-do-tai-nan-la-con-so-biet-noi-den-luc-phai-lap-lai-ky-cuong-ar921690.html