Đây là kết quả trong chuỗi thành tích, chiến công xuất sắc của Phòng Trọng án, Cục CSHS trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang được Cục CSHS triển khai.
Nhiều nạn nhân bị sát hại dã man như thời trung cổ
Chiều 17/1, thông tin với PV, Đại tá Lê Khắc Sơn, Phó Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm có tổ chức hoạt động theo phương thức truyền thống ở trong nước đã được kiềm chế, kéo giảm. Tuy nhiên, tội phạm có tổ chức sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, đặc biệt là thủ đoạn lợi dụng các địa bàn nước ngoài sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện các hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt, chiếm đoạt tài sản gây nhức nhối trong dư luận.
Tại một số nước Đông Nam Á, lợi dụng các chính sách của nước sở tại trong các đặc khu kinh tế, khu Casino, nhiều băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu điều hành, chỉ đạo, nhân viên đến từ nhiều quốc gia, phân chia thành địa bàn phạm tội theo từng quốc gia để hoạt động lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản dưới nhiều thủ đoạn tinh vi theo nhiều kịch bản khác nhau.
Cục CSHS phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật của Campuchia phân tách, xử lý hàng trăm công dân Việt Nam đang thực hiện những hoạt động có dấu hiệu lừa đảo tại đây.
Các nhân viên trong đó có nhiều người Việt Nam được những ổ nhóm tội phạm này nuôi ăn, ở tập trung, cung cấp máy tính, điện thoại di động, tài khoản mạng xã hội để lừa đảo những công dân Việt Nam ở trong nước. Các đối tượng đào tạo nhân viên theo những kịch bản đã được viết sẵn, trả lương, thưởng/phạt.
Đối với những nhân viên không thực hiện yêu cầu chúng giao hoặc năng suất "lao động" thấp đều bị chúng cưỡng bức, đánh đập dã man, buộc phải “tăng doanh số” bằng những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao. Một số đối tượng người Việt bị dụ dỗ sang Campuchia thực hiện việc cho thuê tài khoản ngân hàng và “xác thực sinh trắc học” để đối phó với quy định bảo mật của các ngân hàng Việt Nam, phục vụ hành vi rửa tiền, tẩu tán tiền phạm tội.
Cũng theo Đại tá Lê Khắc Sơn, qua nắm tình hình, các trinh sát của Cục CSHS xác định, tại một số địa bàn ở những đặc khu kinh tế đã xảy ra nhiều vụ án giết người hoặc vụ chết người có nạn nhân là người Việt Nam. Nhiều trong số những nạn nhân này bị sát hại với thủ đoạn rất dã man, tàn bạo, thậm chí có một số vụ tử thi bị đốt, phân xác, phi tang hoặc có dấu hiệu do bị các đối tượng trong các tổ chức lừa đảo đánh đập dẫn đến tử vong. Có trường hợp nạn nhân bị sát hại, ném xác từ nhà cao tầng xuống dưới đất; hay nạn nhân bị giết, các đối tượng buộc thi thể nạn nhân vào xe máy kéo lê xác như thời trung cổ đi vứt vào những khu vực vắng người…
Cục CSHS và Công an các đơn vị, địa phương tập trung phân loại, sàng lọc số công dân Việt Nam hoạt động tại một số Casino, sòng bài, đặc khu...
Để cung cấp nguồn nhân viên cho các tổ chức lừa đảo này, nhiều đối tượng đã liên kết, hình thành các băng nhóm mua bán người, lập công ty với danh nghĩa là bộ phận tuyển dụng. Bằng thủ đoạn quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ tìm kiếm việc làm ở Lào, Campuchia, Thái Lan, các đối tượng cầm đầu móc nối với các đối tượng làm dịch vụ đưa người sang Campuchia bất hợp pháp và các nước Đông Nam Á khác qua các đường tiểu ngạch để ký hợp đồng với các công ty lừa đảo này.
Quá trình làm việc tại các công ty lừa đảo trên, nếu không hoàn thành chỉ tiêu lừa đảo, ngoài việc bị đánh đập, tra tấn như thời trung cổ, các nhân viên người Việt này sẽ bị chúng bán lại cho những băng nhóm mua bán người, từ đó họ tiếp tục bị bán lại cho tổ chức tội phạm khác để phục vụ hành vi lừa đảo, phạm tội.
Đối với những nạn nhân không còn giá trị sử dụng, chúng sẽ ép phải gọi điện về nhà để trả tiền chuộc mới được thả. Tuy nhiên, họa hoằn lắm mới có nạn nhân được trả tự do sau khi gia đình đã phải chuyển rất nhiều tiền để chuộc thân nhưng phần lớn trong số các nạn nhân bị mua bán đều có kết cục bi thảm. Họ tiếp tục bị mua bán sang các băng nhóm tội phạm khác để thực hiện hành vi phạm tội theo yêu cầu của các đối tượng, cho đến khi bị bắt ép đòi tiền chuộc, bị tra tấn, bị giết và vứt xác phi tang.
Đáng nói, một số băng nhóm tội phạm khác móc nối với các băng nhóm mua bán người này để hoạt động dịch vụ tìm kiếm người mất tích, bảo lãnh, chuộc người bị mua bán vào các tổ chức lừa đảo. Tuy nhiên, các đối tượng này yêu cầu người được chuộc phải vay lãi nặng để trả công, sau khi về Việt Nam phải trả số nợ trên.
Truy tận gốc, bắt những đối tượng phạm tội tại hang ổ
Đại tá Dương Nguyễn Chính, lãnh đạo Phòng Trọng án, Cục CSHS, Bộ Công an cho biết, từ đầu tháng 1/2025 đến nay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trong cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cục CSHS đã phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công an ở Campuchia, Công an các đơn vị, địa phương có liên quan điều tra các đối tượng là công dân Việt Nam làm việc tại các công ty tại đặc khu kinh tế thuộc TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.
Qua điều tra, Cục CSHS xác định đây thực chất là tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia do một số người Trung Quốc cầm đầu. Chúng điều hành các nhân viên lên đến hàng trăm đối tượng chủ yếu là người Việt Nam, trong đó có công ty K066.com. Tại đây, các đối tượng chia ra thành nhiều nhóm, nhiều tổ với hàng trăm đối tượng để quản lý và điều hành hoạt động phạm tội lừa đảo đối với người dân Việt Nam ở trong nước.
Số công dân Việt Nam được Cục CSHS đưa về nước và thực hiện những biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bằng sự chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật của nước Campuchia cũng như tinh thần quyết liệt trong đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đánh tội phạm từ sớm, từ xa, từ nơi chúng hoạt động, ẩn náu, Cục CSHS, Bộ Công an đã chia tách, tiếp nhận hơn 400 công dân Việt Nam có hoạt động tại Campuchia.
Thông qua công tác sàng lọc, kiểm tra, Cục CSHS đã xác định nhiều trong số đó là những đối tượng phạm pháp tại trong nước trốn truy nã sang Campuchia; hàng chục đối tượng có tiền án, tiền sự… cũng như nhiều đối tượng có biểu hiện hoạt động bất minh, dấu hiệu vi phạm pháp luật ẩn nấp tại Campuchia. Cục CSHS đã chỉ đạo phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương phân loại, xác minh, tiếp tục điều tra làm rõ số đối tượng này đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo Đại tá Dương Nguyễn Chính, đối với những công ty lừa đảo, hàng tháng, các đối tượng cầm đầu, chủ quản, quản lý, tổ trưởng ở từng tầng nấc sẽ giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo trong tháng (doanh thu) cho từng nhóm, từng tổ và từng nhân viên và sẽ được hưởng tiền lương, thưởng, phạt theo chỉ tiêu. Thông thường mỗi tổ được giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo trong tháng phải đạt từ 1,5 tỷ đồng – 3 tỷ đồng/tháng. Mỗi nhân viên được giao chỉ tiêu số tiền lừa đảo 100 triệu đồng/tháng.
Đối tượng quản lý (người Việt hoặc người Trung Quốc) có nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, thúc ép, tra tấn, thưởng phạt với các nhân viên đảm bảo thực hiện đủ chỉ tiêu đặt ra và được hưởng lương cứng và tỷ lệ phần trăm số tiền lừa đảo nếu đạt chỉ tiêu giao cho. Nếu như nhân viên nào không hoàn thành sẽ bị các đối tượng như tổ trưởng, chủ quản lý trừ lương.
Trong trường hợp không làm được việc thì sẽ bị chúng đánh đập, tra tấn, chích điện, phạt thể lực (chạy bộ, đứng nghiêm, nhảy cóc…) đến khi lừa đảo được mới thôi. Sau khi đã chiếm đoạt tiền của bị hại, các đối tượng chuyển ảnh chụp màn hình chuyển khoản chuyển khoản và tiếp tục chuyển thông tin bị hại, tài khoản mạng xã hội dùng để lừa đảo cho tổ sale khác tiếp tục câu nhử, dụ dỗ hoặc đặt ra các điều kiện, lý do để bị hại tiếp tục chuyển tiền.
Các đối tượng cầm đầu giao cho những đối tượng có kinh nghiệm, “thành tích” lừa đảo tốt quản lý nhân viên. Chúng nghiên cứu, xây dựng kịch bản, hướng dẫn lại các nhân viên cách kết bạn, yêu đương, dụ dỗ, lôi kéo người bị hại theo các bẫy đã được đặt ra để từng bước chuyển tiền cho các đối tượng đến khi không còn khả năng trả nợ thì “giết khách” – tức là ngắt liên lạc, đánh sập các website, tài khoản của người bị hại.
Cục CSHS khuyến cáo người dân cần tuyệt đối tránh những cạm bẫy "việc nhẹ lương cao" nơi xứ người cũng như các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao.
Qua điều tra, các đối tượng khai nhận đã giả mạo các dự án đầu tư của tập đoàn VinGroup nhưng tạo các website, tài khoản ngân hàng có tên gần giống với tên các doanh nghiệp của Vingroup như: Vnfast, Vinclubid.com, Vinclubgrup.com; sau đó tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo là các cán bộ, lãnh đạo các công ty trong Vingroup, giả mạo các giấy chứng nhận của VinGroup để tạo lòng tin khi kết bạn, trò chuyện, dụ dỗ đầu tư vào các quỹ đầu tư, dự án của tập đoàn VinGroup.
Ngoài ra, các đối tượng còn lập một bộ phận dụ dỗ người bị hại nạp tiền đánh bạc vào các website đánh bạc do các đối tượng tạo ra, giả mạo các nhân viên IT biết các lỗ hổng bảo mật để tạo lòng tin và dụ dỗ người chơi nạp tiền vào các website trên.
“Hầu hết các website đều do các đối tượng tạo đều giả mạo, các đối tượng có thể can thiệp, điều chỉnh các số dư trong tài khoản, số tiền tiền lãi, tiền trúng thưởng và chỉ cho bị hại rút số tiền rất nhỏ trong số tiền đã nạp vào. Sau khi bị hại đã tin tưởng, các đối tượng sẽ thay nhau “chăm sóc” và dụ dỗ bị hại nạp tiền, chuyển tiền sau đó bày ra các lý do để người bị hại tiếp tục nạp tiền, chuyển tiền đến khi không còn khả năng tài chính thì sẽ chặn liên lạc, khóa tài khoản”- Đại tá Dương Nguyễn Chính cho biết.
Cơ quan điều tra đã xác định có 6 tài khoản ngân hàng gồm 5 tài khoản thuộc các ngân hàng Việt Nam và 1 ngân hàng nước ngoài là: Công ty TNHH TM PTTM VNFAT, số tài khoản: 158999968 mở tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank); Công ty TNHH TMDV tổng hợp VNFAT, số tài khoản: 098765363636 mở tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank); ̣ Công ty TNHH DVDT PTTM VNFAT, số tài khoản: 81100235 mở tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank); Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vines, số tài khoản: 367493636 mở tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank); Công ty TNHH Thương mại điện tử VNFAST, số tài khoản: 131880613353 mở tại Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LP Bank); Công ty CP DT TM&DV VNFAST, số tài khoản: 010704070076791.
Đại tá Lê Khắc Sơn cho biết, trong thời gian tới, lực lượng CSHS sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật các nước để bắt giữ, xử lý triệt để những đối tượng là công dân Việt Nam hay các nước khác tham gia vào những tổ chức tội phạm có tổ chức hoặc thực hiện các hành vi phạm tội bất kể phạm tội ở trong nước hay nước ngoài đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cục CSHS khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước những lời quảng cáo, dụ dỗ, lôi kéo sang nước ngoài làm việc theo kiểu “việc nhẹ lương cao”, tránh bị lừa gạt, đưa vào các tổ chức tội phạm hoặc bị mua đi, bán lại cho các tổ chức tội phạm mua bán người. Công dân khi xuất cảnh sang các nước phải thực hiện đúng quy định về xuất, nhập cảnh, mọi hành vi xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nếu người dân phát hiện người thân, con em mình đang tham gia các tổ chức lừa đảo cần khẩn trương đến đến Cơ quan Công an cơ sở trình báo, đồng thời phối hợp với Cơ quan Công an vận động, kêu gọi về nước để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Cục CSHS cũng đề nghị người dân tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo, đe dọa trên không gian mạng của các đối tượng nhất là các thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng, giả vờ yêu đương sau đó dụ dỗ tham gia các dự án đầu tư, tham gia đánh bạc… tránh bị lừa đảo.
Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt và khởi tố 9 đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục điều tra mở rộng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị những người dân đã chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng trên hoặc bị lừa đảo với thủ đoạn liên quan đến các website như trên khẩn trương liên hệ với Cơ quan CSĐT Bộ Công an (qua Điều tra viên Nguyễn Văn Long – SĐT 0935.546.688) để trình báo để điều tra, mở rộng, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
Hoàng Phong - Minh Hiền