Cơ sở kiểm tra, bảo dưỡng thực hiện kiểm tra khí thải xe gắn máy. (Ảnh: TTXVN)
Liên quan đến việc kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa chính thức thông tin về lộ trình thực hiện, các giải pháp chuẩn bị, tránh ùn tắc tại các cơ sở kiểm định khí thải.
Vì sao xe trên 5 năm phải kiểm tra khí thải?
Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải, về chu kỳ kiểm định, xe máy 5 năm đầu tính từ năm sản xuất xe, Cục Đăng kiểm tự động thực hiện cấp chứng nhận nhận kiểm định khí thải trên cơ sở kết quả chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu lấy từ cơ sở dữ liệu của cục kết hợp với cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý xe cơ giới của Bộ Công an; chủ xe không phải nộp hồ sơ kiểm định khí thải và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải.
Trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải là 24 tháng/lần; trên 12 năm kỳ kiểm định khí thải là 12 tháng/lần.
Khẳng định đã nghiên cứu rà soát kỹ từ kinh nghiệm một số nước trong khu vực, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết qua kết quả khảo sát thực tế kiểm tra khí thải cho khoảng 20.000 xe máy tại 3 thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) cho thấy đối với các xe máy có thời gian sử dụng dưới 5 năm (tính theo năm sản xuất, đến thời điểm thực hiện kiểm tra khí thải) mức phát thải chất gây ô nhiễm (HC, CO) hầu như có sự thay đổi không lớn.
Đối với các xe có thời gian sử dụng trên 5 năm, phát thải chất gây ô nhiễm có sự gia tăng đáng kể, phụ thuộc vào chế độ bảo dưỡng và tần suất sử dụng phương tiện của chủ xe. Theo kết quả khảo sát số km trung bình/ngày, tần suất sử dụng trung bình, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải đề xuất chu kỳ kiểm định khí thải đối với xe máy trên 5 năm là 24 tháng. Đề xuất này cũng phù hợp với kết quả kiểm tra thực tế tại 3 thành phố.
Xe máy chưa thực hiện kiểm tra khí thải từ đầu năm 2025. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đối với xe máy quá cũ (thời gian sử dụng trên 12 năm); kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, tỷ lệ phát thải chất gây ô nhiễm tăng cao. Để phòng ngừa việc phát thải chất gây ô nhiễm, cần thực hiện việc kiểm tra khí thải hàng năm (khu kỳ kiểm định 12 tháng) nhằm nâng cao ý thức bảo dưỡng phương tiện (phù hợp với kinh nghiệm của một số nước trong khu vực đang thực hiện: Indonesia, Đài Loan). Mặt khác, việc quy định chu kỳ kiểm định ngắn hơn đối với xe có thời gian sử dụng cao, tạo động lực chuyển đổi phương tiện, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định, giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe máy là giấy chứng nhận điện tử, được tích hợp dữ liệu với tài khoản định danh điện tử của chủ xe; điều này sẽ giảm được thời gian in, dán tem kiểm định lên xe khi trả kết quả kiểm định góp phần làm tăng năng xuất, giảm chi phí thực hiện kiểm định khí thải.
Khẳng định việc kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới đường bộ nói chung và của xe máy nói riêng, thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết về thời gian thực hiện việc kiểm định và áp dụng mức quy chuẩn khí thải xe máy sẽ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng tương tự như kiểm soát khí thải xe ôtô trước đây; chứ không phải bắt buộc thực hiện ngay theo hiệu lực từ ngày 1/1/2025 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Có 3.000 cơ sở kiểm định khí thải
Đối với việc kiểm định khí thải xe máy (khi thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe gắn máy lưu hành được Thủ tướng Chính phủ ban hành), phía Cục Đăng kiểm nhìn nhận sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn, có thể dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định khí thải do số lượng cơ sở kiểm định khí thải xe máy không đáp ứng được nhu cầu kiểm định khí thải xe máy theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đưa ra giải pháp, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng và hoàn thiện lộ trình áp dụng kiểm tra khí thải xe máy để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với thực tế, giảm thiểu đến mức thấp nhất gây xáo động, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu về môi trường.
Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung giá dịch vụ kiểm định khí thải vào danh mục giá dịch vụ đăng kiểm để bộ có căn cứ ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật và ban hành giá dịch vụ kiểm định khí thải xe máy theo quy định của pháp luật về giá.
Với cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở kiểm định khí thải, ngoài việc phải trang bị thiết bị kiểm tra khí thải và máy tính có kết nối mạng thì diện tích tối thiểu quy định cho khu vự kiểm định khí thải là 15m2/thiết bị và có thể dùng chung với hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa xe.
Hiện, trên cả nước sẽ có khoảng gần 3.000 cơ cở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe máy. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)
Ngoài việc sử dụng các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới đang sẵn có để kết hợp thực hiện kiểm định khí thải xe máy, Vụ Khoa học Công nghệ va Môi trường và Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu rà soát kỹ từ kinh nghiệm một số nước trong khu vực, phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất, nhập khẩu xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất sử dụng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy của các đại lý bán xe thuộc Hiệp hội VAMM và các cơ sở xã hội hóa để tham gia thực hiện kiểm định khí thải xe máy.
Đến thời điểm hiện tại, trên cả nước sẽ có khoảng gần 3.000 cơ cở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe máy và hạn chế đến mức thấp nhất không để xảy ra tình trạng ùn tắc có thể xảy ra tại các cơ sở kiểm định khí thải, cùng với đó là việc tiết kiệm được chi phí đầu tư cơ sở vật chất cho việc kiểm định khí thải của xe máy được thấp nhất từ đó sẽ giúp cho giá dịch vụ kiểm định khí thải sẽ được thấp nhất có thể; giúp cho người dân không phải bị mất nhiều chi phí cho việc thực hiện kiểm định khí thải phương tiện của mình.
Song song với việc tiếp tục hoàn thiệc các quy định của pháp luật về kiểm định khí thải xe máy, Cục Đăng kiểm cho rằng phải đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức, nhận thức và hiểu biết của người dân, hiệu quả, lợi ích mang lại trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, trách nhiệm chăm sóc, bảo dưỡng xe; tổ chức tập huấn cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe máy./.
(Vietnam+)