Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) vừa có văn bản gửi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế phản ánh liên quan đến bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế.
Văn bản của Cục Di sản văn hóa cho biết, ngày 24-5, trên một số trang thông tin mạng xã hội có phản ánh về việc Ngai vua triều Nguyễn tại Di tích Cố đô Huế bị xâm hại.
Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời bảo vệ bảo vật quốc gia và Di tích Cố đô Huế và báo cáo về Bộ VH-TT&DL trước ngày 26-5-2025.
Tổ chức đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia, kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hình ảnh theo hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.
Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia theo hướng dẫn tại công văn số 1669/DSVH-QLBT&DSTL ngày 22-4-2024 của Cục Di sản văn hóa về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia và lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.
Trước đó, một người đàn ông có biểu hiện không bình thường đã lẻn vào khu vực trưng bày Ngai vua triều Nguyễn tại Điện Thái Hòa (Đại nội Huế) và làm gãy phần tựa bên trái của hiện vật.
Lực lượng chức năng đã khống chế người đàn ông có hành vi xâm hại hiện vật đang trưng bày.
Người đàn ông 42 tuổi với biểu hiện bất thường đã ngồi lên ngai vàng triều Nguyễn trong điện Thái Hòa (Đại nội Huế) la hét, làm gãy một phần cổ vật này. Ảnh chụp màn hình.
Người đàn ông bị bắt giữ vì phạm tội quả tang là Hồ Văn Phương Tâm. Tuy nhiên, tại thời điểm lập biên bản, ông Tâm có biểu hiện loạn thần, liên tục la hét và nói nhảm, không thể trả lời các câu hỏi của điều tra viên.
Trong suốt 143 năm tồn tại của mình, triều Nguyễn đã chứng kiến 13 đời vua ngự tại ngai vàng này. Ngai vàng được hoàn thành dưới thời vua Gia Long, người sáng lập triều đại. Ngai vàng triều Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.
Đối với Ngai vua triều Nguyễn bị hư hỏng, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết sẽ mời chuyên gia và nghệ nhân đánh giá mức độ hư hại và lập phương án tu sửa phù hợp. Đồng thời sẽ tăng cường thêm nhân lực và phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.
Luật Di sản văn hóa hiện hành và Khoản 2 Điều 9 Luật Di sản văn hóa năm 2024 quy định về hành vi bị nghiêm cấm “xâm hại, hủy hoại di sản văn hóa”.
Bộ Luật Hình sự cũng quy định đồng bộ với Luật Di sản văn hóa về tội vi phạm các quy định về hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, ở các mức độ gây hậu quả. Về chế tài thì hệ thống pháp luật đều có quy định Xử lý vi phạm tùy theo mức độ, từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ cho đến phạt tù.
VIẾT THỊNH