Cục QLTT Quảng Ngãi: Đối tượng sản xuất, buôn bán SGK ngày càng tinh vi

Cục QLTT Quảng Ngãi: Đối tượng sản xuất, buôn bán SGK ngày càng tinh vi
2 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, vấn nạn sách giáo khoa giả trà trộn vào thị trường, len lỏi vào các trường học đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường sách. Trong đó, phải kể đến việc khiến các đơn vị xuất bản - phát hành thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.
Chất lượng không đảm bảo, sai lệch về nội dung
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Xuân Thương - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bên cạnh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng uy tín của các đơn vị xuất bản - phát hành và quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả, vấn nạn sách giáo khoa giả đem đến những hệ lụy không nhỏ đối với người tiêu dùng.
“Nói về hệ lụy, trước hết, chất lượng in ấn của sách giả thường rất kém, từ màu sắc, hình ảnh đến chữ in, giấy sử dụng đều không đạt tiêu chuẩn, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét, dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài.
Đặc biệt, sách giáo khoa giả không được kiểm soát về mặt nội dung và chất lượng, dẫn đến nguy cơ khiến trẻ em tiếp cận với những thông tin không chính xác, sai lệch so với chương trình giảng dạy chính thống, ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh.
Nguy hại hơn là một số tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng sách giả, cố tình lồng ghép những nội dung xấu, độc vào trong đó, để truyền bá đến các em học sinh.
Sách giả còn gây ra thiệt hại kinh tế cho phụ huynh, vì tuy có giá thành thấp hơn sách thật, nhưng độ bền của sách kém, nhanh hư hỏng và không sử dụng được lâu dài”, ông Trần Xuân Thương phân tích.
Ngoài chất lượng giấy, mực in không đảm bảo, sách giáo khoa giả còn có thể sai lệch về nội dung. Ảnh: Thùy Trang.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường định hướng phụ huynh nên mua sách ở các địa chỉ uy tín như Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, để đảm bảo chất lượng, tránh mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu”.
Theo cô Thủy, nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu không chỉ đem đến những ảnh hưởng về kinh tế cho các đơn vị xuất bản - phát hành, mà còn gây ra thiệt thòi cho người tiêu dùng. Bởi những cuốn sách giáo khoa giả, in lậu thường sử dụng chất liệu giấy, mực in không đảm bảo chất lượng, dẫn đến quá trình sử dụng không hiệu quả, không sử dụng được lâu dài, làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Trần Xuân Thương cho biết, với chức năng, nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi nhận thức rõ các tác động tiêu cực của việc sản xuất và buôn bán sách giáo khoa giả, không chỉ đối với các đơn vị xuất bản - phát hành, mà còn đối với người tiêu dùng và nền giáo dục nói chung, nhất là trong những thời điểm nhu cầu tiêu thụ sách tăng cao trước các kỳ học, năm học mới.
Do đó, Cục đã đề ra định hướng tập trung vào việc kiểm tra, kiểm soát, nhằm ngăn chặn sách giáo khoa giả, lậu, đặc biệt siết chặt quản lý và giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh sách trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, ngày 13/8/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Công văn 265/QLTTQNG-NVTH về việc tăng cường kiểm tra các quy định của pháp luật về mặt hàng sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Theo đó, Cục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, nhằm nắm bắt thông tin, tình hình thị trường về các mặt hàng sách giáo khoa, chú trọng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, các hành vi in, bày bán sách giả, sách lậu.
Đồng thời, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan như cơ quan công an, thuế… để đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, sẽ được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để điều tra, xử lý theo quy định, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi cung cấp.
“Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi xác định, việc tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ về tác hại của sách giả, khuyến khích họ mua sách từ các nguồn tin cậy cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục ý thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc tố giác các hành vi vi phạm cũng đóng vai trò quan trọng, để từ đó, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.
Trong thời gian qua, Cục chưa phát hiện hành vi liên quan đến sách giáo khoa giả, sách giáo khoa in lậu trên địa bàn quản lý”, vị Cục trưởng nhấn mạnh.
Nên mua sách từ các địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng
Theo ông Trần Xuân Thương, các đối tượng sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, sách in lậu ngày càng tinh vi hơn trong cách thức hoạt động.
Các đối tượng này thường lợi dụng công nghệ in ấn hiện đại để tạo ra những bản sao gần giống như sách thật, gây khó khăn cho người mua trong việc phân biệt.
Ngoài ra, sách lậu thường được phân phối qua nhiều kênh khác nhau, từ các cửa hàng nhỏ lẻ cho đến các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Dẫn đến việc kiểm soát và phát hiện vi phạm trở nên phức tạp, đặc biệt là khi các đối tượng thường che giấu hoạt động bằng cách liên tục thay đổi địa điểm kinh doanh.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng, nhất là phụ huynh học sinh, khi muốn mua sách với giá rẻ hơn, mà không kiểm tra kỹ nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.
Ông Trần Xuân Thương nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn sách giả, sách lậu xuất phát từ hai yếu tố cơ bản: “Thứ nhất là lợi nhuận cao, do chi phí sản xuất thấp, các đối tượng có thể thu về lợi nhuận lớn từ việc bán sách giả, sách in lậu với giá thấp hơn sách thật.
Thứ hai là sự thiếu nhận thức và ý thức của một bộ phận người tiêu dùng. Nhiều người mua sách không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ quan tâm đến giá cả.
Thêm vào đó, việc kiểm soát thị trường sách hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do các phương thức phân phối sách giả, sách lậu rất linh hoạt, từ bán hàng trực tiếp đến bán online”.
Để tránh mua phải sách giả, người dân nên tìm mua sách ở các địa chỉ uy tín. Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi cung cấp.
Ông Trần Xuân Thương cho biết thêm, hằng năm, các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thường tổ chức những buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phòng, chống in lậu.
Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Phòng, chống in lậu năm 2024. Buổi tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến xuất bản, in ấn, quyền tác giả, quyền liên quan…
Bàn về cách nhận biết sách chính hãng và sách giả, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra hai tiêu chí cơ bản giúp người tiêu dùng có thể nhận biết, tránh mua phải sản phẩm sách giáo khoa giả, không đảm bảo chất lượng:
Về chất lượng in ấn: Sách thật thường có màu sắc rõ nét, đồng đều, giấy in tốt, không bị mờ, nhòe. Bên cạnh đó, sách giáo khoa chính hãng luôn có tem chống giả do nhà xuất bản phát hành, người mua có thể kiểm tra mã vạch để xác định nguồn gốc sách. Ngoài ra, nội dung của sách thật được in đầy đủ, không thiếu trang, không có lỗi chính tả hoặc thông tin sai lệch.
Về giá cả: Do việc in ấn sách giả, sách lậu không phải thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả chi phí bản quyền cho tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ nên chi phí làm sách lậu thấp. Vì vậy, giá sách giáo khoa giả thường thấp hơn so với giá sách giáo khoa chính hãng.
Vị Cục trưởng cũng lưu ý, người tiêu dùng nên mua sách từ các nhà sách, đại lý uy tín, các cửa hàng được ủy quyền phân phối của nhà xuất bản để đảm bảo mua đúng sách chính hãng.
Người tiêu dùng cần chủ động nhận biết, tố giác vi phạm
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa giả, sách in lậu len lỏi vào thị trường, đó là, một bộ phận người tiêu dùng chưa có đầy đủ kiến thức để phân biệt được sách thật - sách giả và mua sách vì giá thành rẻ.
Nhằm đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách in lậu, cô Nguyễn Thị Thu Thủy đề xuất, các nhà trường cần tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh, học sinh về cách nhận biết sách thật - sách giả để đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh, học sinh.
Bên cạnh đó, cần sự chung tay của các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm, áp dụng các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm sản xuất và buôn bán sách giáo khoa giả, sách in lậu.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến sách giáo khoa giả, lậu để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch; góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh.
Bên cạnh đó, để tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời đẩy lùi vấn nạn sách giáo khoa giả, ông Trần Xuân Thương có một số đề xuất:
Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các đơn vị xuất bản, phát hành sách.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền rộng rãi về tác hại của sách giáo khoa giả đối với cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh và học sinh cách nhận diện sách giả, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn nguồn sách chính hãng.
Thứ ba, các nhà xuất bản cần chủ động hơn trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm, đẩy mạnh cơ chế “tự bảo vệ”, bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại như mã QR, tem chống giả để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, tính hợp pháp của sách trước khi mua.
Thứ tư, về phía các trường học, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và cung cấp thông tin cho phụ huynh, học sinh để nhận biết sách giáo khoa giả - thật.
Thứ năm, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức, lựa chọn sách tại các nhà sách uy tín và báo cáo các trường hợp nghi vấn sách giả đến cơ quan chức năng.
Thúy Quỳnh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/cuc-qltt-quang-ngai-doi-tuong-san-xuat-buon-ban-sgk-ngay-cang-tinh-vi-post246217.gd