Cục Quản lý Dược lên tiếng về vụ thuốc giả tại Thanh Hóa

Cục Quản lý Dược lên tiếng về vụ thuốc giả tại Thanh Hóa
2 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, vào ngày 16/4, cơ quan này đã phát hiện và triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô rộng lớn trên toàn quốc. Cụ thể, 14 đối tượng đã bị bắt giữ và khởi tố về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Các loại thuốc giả bị bắt giữ bao gồm các sản phẩm giả mạo các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, như Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion.
Những thuốc giả này được các đối tượng sản xuất tại các cơ sở kín đáo, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, đóng gói thành phẩm và đưa ra thị trường qua các kênh phân phối bất hợp pháp.
Đặc biệt, những thuốc giả này không tham gia vào hệ thống bệnh viện vì không có giấy tờ hợp pháp và không thể tham gia đấu thầu. Thay vào đó, chúng chủ yếu được phân phối qua các nhà thuốc, do một số chủ nhà thuốc hám lợi đã vi phạm các quy định về dược phẩm và mua thuốc trôi nổi từ các đối tượng này.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ báo chí, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã chỉ đạo ban hành văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phối hợp chặt chẽ với công an để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và tiến hành thu hồi toàn bộ số thuốc giả đã được đưa ra thị trường.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra và giám sát chặt chẽ các nhà thuốc, ngừng tiêu thụ thuốc giả, đồng thời xác minh nguồn gốc của các sản phẩm thuốc không rõ xuất xứ.
Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc luôn đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt theo quy định tại Luật Dược và các văn bản pháp luật liên quan. Trong đó, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, gây hậu quả nghiêm trọng và bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 6 của Luật Dược và Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là tử hình. Điều này thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý các hành vi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên về nguy cơ khi dùng thuốc giả, theo bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga), thuốc giả là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống y tế toàn cầu. Các loại thuốc giả không chỉ làm gián đoạn quá trình điều trị mà còn gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Tình trạng này đang đẩy doanh nghiệp dược phẩm chính thống vào thế khó, đồng thời tạo ra một "vòng xoáy" nguy hiểm: thuốc giả - thất bại điều trị - chi phí điều trị tăng cao - gánh nặng cho hệ thống y tế.
Ngoài tác hại trực tiếp đối với sức khỏe, thuốc giả còn mang đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế và xã hội. Doanh nghiệp dược phẩm hợp pháp phải đối mặt với tình trạng mất thị phần, giảm doanh thu khi thuốc giả chiếm lĩnh thị trường. Họ phải gia tăng chi phí để bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng bao bì, kiểm tra và điều tra pháp lý, gây thêm gánh nặng cho việc sản xuất và kinh doanh.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/cuc-quan-ly-duoc-len-tieng-ve-vu-thuoc-gia-tai-thanh-hoa-d268982.html