Thông tin tại buổi họp báo, ông Đỗ Minh Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội địa phương tăng trưởng khá, với GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước (Kế hoạch GRDP năm 2024 của tỉnh là từ 7,5 - 8,0%).
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng có xu hướng tích cực với việc tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,04%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,46%, dịch vụ tăng 8,71% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,95%.
Quang cảnh buổi họp báo
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 34,8% so cùng kỳ (đạt 14.384,7 tỷ đồng), trong khi tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm 2,2% so cùng kỳ (đạt 26.083,7 tỷ đồng).
Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Riêng đối với lĩnh vực đầu tư và xây dựng: Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024 ước đạt 56.061,6 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ. Vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 17.875,1 tỷ đồng, chiếm 31,9%, tăng 8,6%; vốn ngoài Nhà nước ước đạt 35.825,6 tỷ đồng, chiếm 63,9%, tăng 8,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.360,9 tỷ đồng, chiếm 4,2%, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Bình Định thu hút 04 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2.812,58 tỷ đồng (tương đương 113,17 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 93 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,36 tỷ USD.
Cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo
Được biết, trong năm 2024, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Định đạt 130.799,7 tỷ đồng; xếp thứ 25/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thứ hạng tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh bình Định là 26/63 địa phương trong cả nước, 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, 2/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo ông Đỗ Minh Dưỡng cho biết thêm, năm 2025 được xác định là năm "tăng tốc", "bứt phá", tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020–2025.
Theo đó, tỉnh Bình Định xác định trọng tâm là phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế so sánh, đồng thời huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy đầu tư phát triển. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) được đặt ra từ 7,6% đến 8,5%, phấn đấu đạt trên 8,5%.
Ông Đỗ Minh Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định
Thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhân rộng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án dự kiến đi vào hoạt động năm 2025 nhất là các dự án công trình trọng điểm của tỉnh.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh có thị trường tiêu thụ ổn định; phát triển thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và dịch vụ logistics; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải... trên địa bàn.
Đặc biệt, tiếp tục triển khai quyết liệt kế hoạch chuyển đổi số, đặc biệt là trong các trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển kinh tế số gắn với kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, tạo động lực mạnh mẽ cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, theo định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Ngọc Châu