TP Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu thuế từ thương mại điện tử.
Cụ thể, Cục Thuế TP. Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị phối hợp xác minh điều tra đối với gần 1.900 người nộp thuế; nhận được gần 800 đề nghị của cơ quan Công an về việc cung cấp hồ sơ liên quan đến hơn 2.000 lượt người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm.
Cục Thuế TP Hà Nôi cho biết đã và đang thực hiện các biện pháp đấu tranh và xử lý đối với đối tượng vi phạm về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thứ nhất, thu thập, kết nối bổ sung làm giàu kho cơ sở dữ liệu lớn về người nộp thuế về thông tin cá nhân, chủ doanh nghiệp, tài khoản, dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin giao dịch, doanh thu, dòng tiền… để theo dõi, kiểm soát, cảnh báo tới người nộp thuế, tăng cường phân tích dữ liệu từ các giao dịch thương mại điện tử để phát hiện dấu hiệu gian lận, dấu hiệu rủi ro trước khi tiến hành thanh tra kiểm tra đồng thời tự động hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai,đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, công khai các vụ việc gian lận, trốn thuế lớn để răn đe và giáo dục cộng đồng.
Thứ ba,tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong đó, xây dựng các quy định rõ ràng và chi tiết về quản lý thuế trong thương mại điện tử, bao gồm yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời quy định về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử.
Thứ tư,kết hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan công an, ngân hàng và các cơ quan liên quan để thu thập thông tin, lập kế hoạch, kiểm tra các tài khoản có doanh thu lớn kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Thứ năm, tăng cường, hợp tác, trao đổi thông tin quốc tế trong lĩnh thuế để kiểm soát, quản lý các tổ chức, cá nhân có giao dịch xuyên biên giới.
Theo Cục Thuế TP Hà Nội, thực tế, hoạt động thương mại điện tử khó xác định đối tượng nộp thuế. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến không công khai thông tin hoặc sử dụng thông tin giả mạo, khó xác định danh tính.
Bên cạnh đó, đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là không có địa điểm vật lý dẫn đến khó xác định được địa chỉ kinh doanh, kho hàng, khó khăn để phân công cơ quan quản lý thuế.
Chưa kể các giao dịch thương mại điện tử xuyên quốc gia diễn ra phổ biến trong khi việc chia sẻ thông tin và phối hợp thu thuế giữa các quốc gia còn nhiều hạn chế. Các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài không đăng ký thuế tại Việt Nam nhưng vẫn cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng trong nước, làm thất thoát nguồn thu thuế.
Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử khó xác định doanh thu và giao dịch thực tế do các giao dịch trên nền tảng trực tuyến có thể không được ghi nhận hoặc ghi nhận không đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp cố tình kê khai sai doanh thu, chi phí hoặc áp dụng sai mức thuế suất để giảm số thuế phải nộp; phương thức thanh toán đa dạng như ví điện tử, tiền điện tử hoặc tiền mặt khiến cơ quan thuế khó theo dõi dòng tiền.
Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, pháp luật về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam còn chưa bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thị trường, do đó, tồn tại một số bất cập cần điều chỉnh.
Tùng Thư