Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Báo chí cần làm gì để sớm đưa nghị quyết 68 vào cuộc sống?

Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Báo chí cần làm gì để sớm đưa nghị quyết 68 vào cuộc sống?
8 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời mang theo làn gió mới cho hoạt động báo chí.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có những chia sẻ sâu sắc về vai trò của báo chí trong việc đồng hành cùng khối doanh nghiệp tư nhân.
Phóng viên Báo Công Thương trao đổi với ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thanh Thảo
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cổ vũ kinh tế tư nhân phát triển
- Thưa Cục trưởng, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cổ vũ kinh tế tư nhân phát triển. Với vai trò quản lý nhà nước về báo chí, ông đánh giá thế nào về yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin và ngăn chặn tình trạng đưa tin sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp?
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc: Có thể nói Nghị quyết 68 là một đột phá lớn về tư tưởng, quan điểm trong phát triển kinh tế ở nước ta. Nghị quyết đã xác định rất rõ thành phần kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng nhất, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới, trong bối cảnh mà chúng ta xác định mục tiêu tăng trưởng 8% hàng năm, Nghị quyết nêu rõ phương hướng, mục tiêu cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có các nhiệm vụ cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế thế giới.
Trong đó, vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng, Nghị quyết đã xác định là nhiệm vụ hàng đầu phải thay đổi tư tưởng, tư duy về phát triển kinh tế tư nhân để tháo gỡ những rào cản, định kiến trước đây về kinh tế tư nhân. Để tạo một hành lang pháp lý, cũng như tư tưởng thông thoáng để tháo gỡ cho thành phần kinh tế tư nhân để họ có một vị thế tương xứng với các thành phần kinh tế khác.
Trong bối cảnh đó, báo chí được xác định là phải khơi dậy khát vọng, niềm tin phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới. Lực lượng báo chí sẽ có vai trò chủ công trong vấn đề này. Phải khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng về làm giàu vươn lên, phát triển những mô hình kinh tế mới, cách làm hay. Các thành phần kinh tế tư nhân sẽ có sự bình đẳng, sẽ có nhiều cơ chế đặc thù ưu đãi, và coi thành phần kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Báo chí truyền thông trong bối cảnh đó phải có nhiệm vụ khơi dậy khát vọng. Nhiệm vụ của báo chí truyền thông là phải đồng hành với các thành phần kinh tế để thúc đẩy, hỗ trợ cho cộng đồng nhận thấy vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Đặc biệt lần này, Nghị quyết 68 có đặc biệt nhấn mạnh đến việc báo chí truyền thông không được đưa tin làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, không được làm nhũng nhiễu, không được đưa tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các doanh nghiệp nói chung và các thành phần doanh nghiệp khác. Đó là điểm rất quan trọng trong Nghị quyết 68 này.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thanh Thảo
Những nội dung trọng tâm
- Thưa Cục trưởng, để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 68 trong hoạt động báo chí, các cơ quan báo chí cần tập trung định hướng và triển khai những nội dung trọng tâm nào trong thời gian tới?
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc: Trước hết, các cơ quan báo chí phải xác định rõ là đưa tin phải trung thực khách quan, phải đưa tin trên tinh thần xây dựng. Xác định được điều đó khi chúng ta quán triệt được Nghị quyết lần này, cụ thể hóa vào hành động của từng cơ quan báo chí.
Chúng ta phải xây dựng và phát triển văn hóa của từng tờ báo, từng cơ quan báo chí. Không chỉ thực hiện đúng pháp luật của nhà nước, mà phải có văn hóa trong các hoạt động báo chí. Văn hóa đó phải xuất phát từ người đứng đầu cơ quan báo chí, tạo kỷ cương, chủ động giám sát chặt chẽ các hoạt động của tòa soạn, của phóng viên để không để xảy ra những hoạt động vi phạm.
Liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, chúng tôi cũng đã xây dựng các cơ chế, chính sách sửa Luật Báo chí để có hành lang pháp lý cho báo chí phát triển trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay. Đồng thời cũng tạo cơ chế, chính sách để báo chí phát triển, nhưng phải quản lý chặt chẽ để tránh xảy ra những hoạt động vi phạm như thời gian qua.
- Thưa Cục trưởng Lưu Đình Phúc, trước tình trạng một số cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật, không khách quan về doanh nghiệp, Cục Báo chí sẽ có cơ chế kiểm soát và xử lý ra sao để đảm bảo khách quan, công bằng và đúng pháp luật?
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc: Câu chuyện đưa tin không khách quan về doanh nghiệp đã xảy ra không ít. Với vai trò về quản lý lĩnh vực này thì chúng tôi có trách nhiệm là phải phát hiện và xử lý những vi phạm đó. Khâu giám sát, phát hiện thì chúng tôi đã mở đường dây nóng, các địa chỉ nóng để người dân, doanh nghiệp khi thấy có vi phạm thì có thể phản ánh.
Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua đơn thư của người dân, của doanh nghiệp cũng được hết sức quan tâm. Qua đó, nắm được đầy đủ các thông tin và tăng cường hoạt động thanh tra, xử lý đối với các cơ quan báo chí mà có vi phạm. Cùng với đó là có chế tài xử lý mạnh hơn đối với người đứng đầu. Không chỉ căn cứ theo các quy định pháp luật, mà căn cứ theo cả những quy định bên Đảng nữa, để chúng ta làm nghiêm vấn đề này.
Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, khi triển khai Nghị quyết 68, Báo Công Thương cũng như nhiều tờ báo khác cần đẩy mạnh, tăng cường các tuyến bài nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về kinh tế tư nhân. Ảnh: Thanh Thảo
- Báo chí kinh tế, trong đó có Báo Công Thương, cần làm gì để đổi mới, nâng cao chất lượng trong tình hình mới, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc: Báo Công Thương cũng như nhiều tờ báo khác trong thời gian qua cũng đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, quản trị tòa soạn. Tôi nghĩ là trong bối cảnh mới, đặc biệt khi chúng ta triển khai Nghị quyết 68 thì Báo Công Thương cũng như nhiều tờ báo khác cần phải đẩy mạnh, tăng cường các tuyến bài truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về kinh tế tư nhân; về các doanh nghiệp đang có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng, kiến tạo phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Thanh Thảo
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/cuc-truong-luu-dinh-phuc-bao-chi-can-lam-gi-de-som-dua-nghi-quyet-68-vao-cuoc-song-386767.html