Cục Y tế Dự phòng nêu thống kê đặc biệt về tỷ lệ mắc tay chân miệng ở trẻ em

Cục Y tế Dự phòng nêu thống kê đặc biệt về tỷ lệ mắc tay chân miệng ở trẻ em
3 giờ trướcBài gốc
Thông tin trên được TS Trần Đại Quang, Phó Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm (Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) nêu tại hội thảo "Chiến lược, giải pháp tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng tại Việt Nam" do Viện Pasteur TP.HCM phối hợp cùng Công ty Medigen Vaccine Biologics Corp (MVC) tổ chức sáng 18/12.
Theo TS Trần Đại Quang, bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lưu hành quanh năm và tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 3 tuổi (chiếm từ 85%-96% số ca mắc). Tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn bé gái, dao động từ 1,4 đến 1,9 lần.
Bệnh do các loại virus đường ruột gây ra, trong đó phổ biến nhất là Coxsackievirus A16 (CV A16) và Enterovirus 71 (EV71). Đặc biệt, EV71 có khả năng gây biến chứng nặng và tử vong.
Năm 2024, cả nước ghi nhận 76.371 ca mắc, giảm 55,8% so với năm 2023. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào các thời điểm cao điểm như tháng 5 - 6 và 9 - 10, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Các nghiên cứu chỉ ra, số ca mắc tăng 7% khi nhiệt độ vượt 26°C và tăng 3,1% khi độ ẩm trên 76%.
TS Trần Đại Quang, Phó Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, họng, nước bọt hoặc các nốt phỏng của bệnh nhân. Ngoài ra, lây gián tiếp qua đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi, thực phẩm cũng là con đường quan trọng. Mặc dù số ca mắc giảm, nguy cơ bệnh tay chân miệng bùng phát vẫn cao do nhiều yếu tố như toàn cầu hóa, gia tăng giao thương và du lịch, cùng tâm lý chủ quan trong phòng bệnh cá nhân.
TS Trần Đại Quang cho rằng, hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, và vaccine phòng bệnh dù đã được nghiên cứu nhưng chưa phổ biến. Trong bối cảnh giao thương, du lịch quốc tế phát triển mạnh, nguy cơ lây lan bệnh càng gia tăng. Đồng thời, tâm lý chủ quan trong phòng bệnh cá nhân và vệ sinh môi trường cũng là một trong những yếu tố khiến bệnh khó kiểm soát triệt để.
PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)
PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, bệnh tay chân miệng (TCM) có khả năng lây lan nhanh, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và là thách thức lớn đối với y tế công cộng tại Việt Nam. Những trường hợp nặng, đặc biệt liên quan đến chủng EV71, thường dẫn đến biến chứng thần kinh nghiêm trọng, cần nhập viện và có nguy cơ tử vong cao.
PGS Trung cho biết, đợt bùng phát lớn nhất gần đây vào năm 2023 đã trở thành gánh nặng dai dẳng. Do đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược rõ ràng và hiệu quả để phòng ngừa, kiểm soát bệnh.
Gánh nặng điều trị và tầm quan trọng của vaccine
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn ca bệnh mỗi năm, đặc biệt rơi vào tình trạng quá tải trong các đợt dịch lớn. Thống kê tại khu vực phía Nam năm 2023, tỷ lệ mắc mới là 229/100.000 dân, trong đó 80% ca nặng do EV71 gây ra. Chi phí điều trị bệnh trung bình khoảng 400 USD/ca, có thể tăng gấp 5 lần ở các trường hợp nặng.
Việc điều trị hiện nay chủ yếu dựa trên triệu chứng, do đó cần các giải pháp căn cơ, đặc biệt là ngăn chặn EV71”, BS Hùng nhận định.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Trọng Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, từ năm 2019, Viện Pasteur đã phối hợp cùng Công ty Medigen Vaccine Biologics Corp (MVC) nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine EV71 tại Việt Nam.
Trước đó, giai đoạn 1 và 2 đã được thực hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2013. Kết quả nghiên cứu công bố tháng 9/2022 trên tạp chí The Lancet cho thấy, với 2 liều vaccine cách nhau 56 ngày, hiệu quả bảo vệ đạt 98,6%. Vaccine an toàn, các phản ứng phụ nhẹ như đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ đến trung bình.
Đáng chú ý, vaccine này cũng cho miễn dịch và bảo vệ chéo với các kiểu gen EV71 khác đang lưu hành tại Việt Nam và duy trì miễn dịch đến 5 năm. Tại Đài Loan (Trung Quốc), vaccine đã được cấp phép từ năm 2023 và tiêm chủng cho hơn 250.000 trẻ em. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí The Lancet, một tạp chí y khoa quốc tế uy tín.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, vaccine EV71 đóng vai trò quan trọng trong giảm gánh nặng bệnh TCM, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Việc triển khai sớm và đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine sẽ góp phần bảo vệ nhóm trẻ em dễ tổn thương nhất.
Hoàng Thọ
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cuc-y-te-du-phong-neu-thong-ke-dac-biet-ve-ty-le-mac-tay-chan-mieng-o-tre-em-ar914496.html