Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Phố Hiến

Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Phố Hiến
14 giờ trướcBài gốc
Nằm trong Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Phố Hiến: chùa Phố, chùa Hiến, chùa Nễ Châu là những ngôi chùa tiêu biểu được coi là sự kết tinh đặc sắc, tiêu biểu của sự giao thoa văn hóa, kiến trúc Việt với Trung Hoa và phương Tây.
1. Chùa Phố
Chùa Phố tọa lạc tại đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Chùa Phố có tên chữ là Bắc Hoa Nhân Dân tự được xây dựng ở khu vực xưa kia người Hoa tập trung sinh sống và lập lên phố Bắc Hòa. Chùa được người Việt và những người Hoa đến đây lập nghiệp, buôn bán cùng chung tay xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII. Tương truyền ban đầu chùa chỉ là một lầu nhỏ thờ Quán Âm Bồ tát nên được gọi là "Quán Âm các", sau đó nhân dân ở phố Bắc Hòa và một số khu vực lân cận chung tiền của để tu sửa, mở rộng và đặt tên là chùa Minh Hương; một thời gian sau thì đổi lại lấy tên chùa theo tên phố gọi là Bắc Hòa tự.
Chùa Phố được tôn tạo, trùng tu nhiều lần, trong đó có những lần trùng tu lớn vào các năm 1857, 1904. Ban đầu chùa quay về hướng Nam, năm 1926, được tu sửa với quy mô lớn với bố cục quay về hướng Bắc, mở rộng Phật điện, làm Tam Quan, gác chuông. Lần trùng tu lớn cuối cùng này được thực hiện dưới sự chủ trì của Tổng đốc Thái Bình là Nguyễn Năng Quốc mới mục đích đưa ngôi chùa trở thành trung tâm Phật giáo của tỉnh Hưng Yên.
Nhớ công đức của vị quan này, người dân đã đổi tên chùa thành Bắc Hòa Quốc công tự và sau này đổi tiếp thành Bắc Hoa Nhân Dân tự. Đặc điểm nổi bật của chùa Phố là có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây với các hạng mục công trình như: Tam Quan, Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện, nhà Tổ, nhà Mẫu,...
Chùa Phố - Hưng yên. Ảnh sưu tầm
Tòa Tiền Đường gồm ba gian, kiến trúc vì kèo khá đơn giản, phía trước làm kiểu cuốn vòm, gian giữa xây cách điệu hai tầng 4 mái, tầng trên là gác chuông. Tòa Thiêu Hương ba gian nhưng được thiết kế kiểu vòm cuốn, có sự ảnh hưởng phong cách mỹ thuật Trung Cổ phương Tây, mang hơi hướng nhà thờ Kitô giáo. Hai bên tường tòa Thiêu Hương là nơi đặt ban thờ Thập điện Diêm vương với hệ thống tượng đắp nổi trông rất sống động.
Ba gian Thượng Điện kiến trúc theo kiểu giá chiêng chồng rường hai hàng chân cột. Phần trung tâm của Thượng Điện được xây kiểu chồng diêm. Mang đậm sắc thái dân tộc nhất là ở tất cả các mái đầu đao cả phần dưới và phần trên đều được tạo dáng cong, hình rồng mớm phượng cách điệu.
Chùa Phố - Hưng Yên. Ảnh sưu tầm
Về tổng thể các hạng mục kiến trúc chùa Phố là sự kết hợp hài hòa giữa nét kiến trúc Trung Hoa với kiến trúc truyền thống của người Việt và phương Tây. Các lớp nhà trong chùa không được kết cấu theo khung gỗ vì kèo quen thuộc mà có những khu vực xây xi măng vòm cuốn mang hơi hướng phong cách Roman và Gothic như mái vòm cuốn trong nhà thờ Thiên chúa giáo. Đây là loại hình kiến trúc chùa duy nhất ở tỉnh Hưng Yên, và ít gặp ở vùng Đồng bằng sông Hồng mang những nết của nhà thờ Thiên chúa. Với sự độc đáo, vẻ đẹp uy nghiêm đó, chùa Phố ngày nay là chốn cửa Phật linh thiêng, không chỉ thu hút rất nhiều tín đồ phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan du lịch khi về thăm quần thể di tích Phố Hiến.
Sự hiện diện của chùa Phố trong quần thể di tích Phố Hiến có giá trị lịch sử, văn hóa hóa lớn, phản ánh quá trình phát triển của vùng đất này trong một giai đoạn lịch sử dài, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính đa dạng văn hóa của cộng đồng dân cư, giữa văn hóa bản địa và sản phẩm của quá trình giao lưu cộng cư. Việc cùng tồn tại những công trình thuộc nhiều truyền thống văn hóa khác nhau, như chùa Phố đã chứng minh sự giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ ở Phố Hiến xưa.
2. Chùa Hiến
Phố Hiến nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng xưa kia được mệnh danh là "tiểu Tràng An", đây là khu vực thương cảng tấp nạp của khu vực phía Bắc, phồn hoa đô hội, đặc biệt hưng thịnh trong thời Lê-Trịnh với các thương điếm của người phương Tây và người Hoa.... Trong bài thơ "Hiến Nam hoài cổ" (Nhớ Hiến Nam xưa) của Chu Mạnh Trinh cũng có câu được dịch nghĩa như sau:
"Năm châu người tụ như nay đó,
Đệ nhị phồn hoa khác chẳng tày."
Dù trải qua thời kỳ suy thịnh, trong quần thể di tích Phố Hiến ngày nay vẫn còn gìn giữ được hơn 100 di tích lịch sử- văn hóa có giá trị, nhiều di tích được xếp hạng, trong đó phải kể đến quần thể di tích đình - chùa Hiến tọa lạc ở đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Chùa Hiến. Ảnh sưu tầm
Chùa Hiến có tên chữ là Thiên Ứng tự, hiện chưa xác định được thời điểm xây dựng chùa. Có thuyết nói chùa do đại thần nhà Lý là Tô Hiến Thành (1102 - 1179) hưng công xây dựng; thuyết khác cho là chùa được xây dựng vào đầu thời Trần, đời vua Trần Thái Tông (1225- 1258). Trong thời gian ở ngôi, Trần Thái Tông sử dụng lần lượt 3 niên hiệu là Kiến Trung (1225 - 1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232- 1251) và Nguyên Phong (1251 - 1258) và do chùa Hiến được khởi dựng vào thời kỳ niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình nên mới có tên chữ là Thiên Ứng tự.
Chùa còn có các tên gọi dân gian khác là chùa Hoa Dương hay Hoa Giang theo tên gọi của thôn Hoa Dương. Tuy nhiên tên gọi phổ biến nhất vẫn là chùa Hiến, được định danh từ thể kỷ XV, khi Hiến Doanh hay Hiến Nam, cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam xưa được vua Lê Thánh Tông (1460-1497) thành lập.
Trải qua thời gian, chùa Hiền nhiều lần được trùng u, sửa chữa mà một số tư liệu có nhắc đến những lần trùng tu lớn vào các năm 1625, 1709, 1892...
Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu "Nội Công ngoại Quốc" gồm tam quan với cổng làm theo lối "thượng song hạ bản", Tiền Đường. Thiêu Hương, Thượng Điện, hai dãy hành lang, hậu điện, nhà Tổ, nhà Mẫu... Giữa thượng điện là tượng Quán Âm Nam Hải, phía trước là tượng tứ vị Bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm; các pho tượng trong chùa hầu như đều có niên đại thể kỷ XIX. Đặc sắc nhất là tượng Quán Âm Nam Hải ở thế ngồi, cao gần 190 cm, có tám đôi tay bố trí đăng đối, mỗi tay cầm những vật báu khác nhau. Đầu tượng đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Mặt tượng bầu, mắt, mũi, miệng đẹp, dáng vẻ đăm chiêu suy tưởng. Tòa Hậu cung nằm vuông góc với tòa Bái đường, 3 gian, 2 mái. Đây là nơi đặt ban thờ Phật.
Xưa kia, do thương nghiệp Phố Hiến phát triển, việc chuyên chở hàng hóa chủ yếu theo đường thủy, tuy nhanh và thuận lợi nhưng cũng gặp những rủi ro trên sông, biển. Chính vì vậy hình tượng Quán Âm Nam Hải được tôn vinh và giữ vị trí trung tâm ở nhiêu chùa tại Phố Hiến với ý nghĩa đức Quán Âm có tấm lòng bao la, luôn theo dõi, cứu độ muôn loài, nhất là những chúng sinh gặp nạn trên sông, biển; cầu mong Ngài phù giúp cho thuyền buôn đến nơi đây được thuận buồm xuôi gió. Đây là đặc điểm khác biệt trong bố cục thờ tự của chùa Hiến so với các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ.
Ở chùa Hiến còn có cây nhãn tổ với tuổi gần 400 năm. Đây là cây nhãn đường phèn, mã lụa, quả to, cùi dày, có hương vị thơm ngon xưa kia dùng để tiền vua, dâng cúng Phật, Thánh vì thế gọi là cây nhãn Tiến. Vì quá già cỗi nên vào năm 1980, một trận bão lớn khiến cây bị đổ gãy, chỉ còn một vài nhánh, nhờ sự vun gốc, chăm sóc mà nay lại phát triển thành cây hậu duệ, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn lồng đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên và tô điểm thêm cho cảnh quan của ngôi cổ tự - chùa Hiến.
3. Chùa Nễ Châu
Chùa Nễ Châu có tên chữ là Thụy Ứng tự tọa lạc tại làng Nễ Châu (nay thuộc khu vực đường Phố Hiến), xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Chùa gắn liền với sự tích vua Lê Đại Hành và bà Chính thất phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Chuyện kể rằng ở Nễ Châu bấy giờ có gia đình họ Nguyễn sinh được một người con gái, khi sinh ra đã đẹp để khác thường, cha mẹ đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Năm Ngọc Thanh 19 tuổi đã trở thành một bậc tuyệt sắc giai nhân, tiếng lành đồn xa, trai tráng khắp nơi ai cũng muồn ngỏ ý "kết tóc se duyên" cùng nàng.
Chùa Nễ Châu. Ảnh sưu tầm
Bấy giờ nội bộ triều đình có biến động, vua Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, vua nối nghiệp là Đinh Toàn còn thơ bé trong khi giặc Tống đang chuẩn bị tràn sang xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, Thái hậu Dương Vân Nga và nhiều triều thần đã đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua (sử chép là Lê Đại Hành). Để chuẩn bị chống giặc, Lê Đại Hành tích cực chuẩn bị lực lượng, ông có về đóng quân ở Nễ Châu. Tại đây, nhà vua gặp Nguyễn Thị Ngọc Thanh, thấy bà xinh đẹp đã lấy làm vợ, phong làm Chính thất phu nhân và xây dựng một "Ngọc Dinh thự" gần khu vực chợ Nễ Châu để nàng và cha mẹ nàng sinh sống.
Chuông đồng cổ tại chùa Nễ Châu. Ảnh sưu tầm
Thời gian đó, việc nước chưa ổn định, Lê Đại Hành phải xông pha ngoài mặt trận, nàng Ngọc Thanh ở lại vùng đất Nễ Châu lo việc chiêu mộ binh sĩ, tập kết lương thảo giúp triều đình chống giặc Tống. Đến khi giặc tan, Lê Đại Hành quay trở lại Nễ Châu đón bà về kinh nhưng Ngọc Thanh xin ở lại quê hương để phụng dưỡng cha mẹ và tu học Phật pháp.
Cảm động về sự sùng đạo và hiếu nghĩa của nàng, Lê Đại Hành đồng ý và cho xây dựng chùa Nễ Châu để Ngọc Thanh làm nơi tu hành. Nhà vua còn cử người con thứ 9 là Trung Quốc đại vương Lê Long Kính thay mình trấn giữ vùng này và cũng là để chăm nom bà. Sau khi Ngọc Thanh mất, vua đã cho lập đền thờ bà gần chùa và sắc phong làm "Ngọc Thanh Hoàng hậu".
Có một truyền thuyết khác về lịch sử của chùa, tương truyền làng Phương Cái (tên cũ của Nễ Châu) có một ngôi chùa bị đổ nát, khi Lê Đại Hành đến đóng quân ở đây đã cho xây dựng một ngôi chùa mới thay thế. Chùa đã xây xong nhưng dân làng Phương Cái không đủ tiền trả công thợ, nhà vua biết vậy mới truyền rằng: "Nếu làng nào đủ tiền trả công thợ thì chùa thuộc về làng đó". Bấy giờ, nhờ sự giúp đỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nên dân làng đã trả được công thợ, chùa thuộc về làng Nễ Châu từ đó. Dân gian có câu ca:
"Bao giờ Phương Cái có chùa,
Hương Giang có giếng thì Vua lại về."
Ảnh sưu tầm
Chùa có kết cấu kiểu "Nội Công ngoại Quốc" như: Nghi môn, Chính điện, Nhà tổ, Tả vu, Hữu vu và các công trình phụ trợ khác... với kiến trúc Lê - Nguyễn đan xen. Trong chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng và hiện vật có giá trị mỹ thuật cao. Hàng năm, ngoài những ngày lễ lớn của nhà Phật, chùa Nễ Châu còn tổ chức tế lễ vào các ngày 15 tháng Giêng và ngày 15 tháng 8 Âm lịch để tưởng nhớ ngày sinh và ngày mất của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh; 10 tháng 9 Âm lịch ngày mất của Trung Quốc Đại vương Lê Long Kính.
Chùa Nễ Châu nằm trên đường Phố Hiến, xưa kia, nơi đây là khu vực chợ Nễ Châu, địa danh cuối cùng của Phố Hiến hạ - trung tâm thương cảng Phố Hiến thời kỳ phồn thịnh thế kỷ XVI - XVI nên nơi đây còn là địa danh khảo cổ. Tại khu vực chùa có khai quật và phát hiện tiền đồng và đinh sắt liên quan đến tàu thuyền; nhiều nhất là các mảnh vỡ của bát đĩa gồm sứ Trung Hoa thể kỷ XVII - XVIII; gốm, sành thời Lê - Nguyễn và những mảnh gạch ngói thuộc vật liệu kiến trúc thời Nguyễn...
Tổng hợp: Ngọc Thắng
Nguồn: Sách Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Việt - NXB Thôn gtin và Truyền thông (trang 254-259)
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cum-di-tich-lich-su-va-kien-truc-nghe-thuat-pho-hien.html