Nguy cơ tiềm ẩn từ cúm A H5N1 phải được ưu tiên quan tâm, phòng chống. Ảnh minh họa: Báo Lao động
Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát nhờ vaccine hiệu quả cao, 3 bệnh truyền nhiễm khác đã và đang khiến các quan chức y tế công cộng lo ngại nhất là sốt rét, HIV và bệnh lao. Mỗi năm có tổng cộng 2 triệu người trên toàn cầu tử vong vì 3 căn bệnh này. Cùng với đó là những tác nhân cần được theo dõi, đặc biệt là những tác nhân đã kháng các loại thuốc thường dùng để điều trị 3 bệnh này.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng liên tục nghiên cứu để tìm ra vấn đề tiềm ẩn tiếp theo.
Được biết, hiện có một loại virus cúm đang gây ra mối lo ngại lớn và đang trên bờ vực trở thành vấn đề nghiêm trọng vào năm 2025 của toàn thế giới. Đó là chủng cúm A phân tuýp H5N1 (A subtype H5N1), được gọi là cúm gia cầm. Loại virus này lây lan rộng ở cả chim hoang dã và chim nuôi, chẳng hạn như gia cầm. Gần đây, cúm A H5N1 đã lây nhiễm cho bò sữa ở một số tiểu bang của Mỹ và được tìm thấy cả ở trên ngựa ở Mông Cổ.
Cúm gia cầm nguy hiểm như thế nào?
Khi số ca cúm bắt đầu tăng ở động vật như chim, luôn xuất hiện lo ngại rằng chủng cúm này có thể lây sang người. Và điều này đã trở thành sự thật khi cúm gia cầm lây nhiễm cho 61 người bệnh ở Mỹ trong năm 2024, chủ yếu là công nhân trang trại tiếp xúc với gia súc bị nhiễm bệnh và những người uống sữa thô.
So với chỉ hai trường hợp ghi nhận ở Châu Mỹ trong hai năm trước, đây là một sự gia tăng lớn. Kết hợp với tỷ lệ tử vong 30% do nhiễm trùng ở người, cúm gia cầm đang nhanh chóng nằm trong top các vấn đề cần được ưu tiên quan tâm của các quan chức y tế công cộng.
May mắn thay, cúm gia cầm H5N1 dường như không lây truyền từ người sang người, điều này làm giảm đáng kể khả năng gây ra đại dịch ở người.
Được biết, để lây nhiễm, virus cúm phải bám vào các cấu trúc phân tử được gọi là thụ thể sialic ở bên ngoài tế bào để xâm nhập vào bên trong và bắt đầu nhân lên.
Đối với virus cúm gia cầm, virus thích nghi cao với các thụ thể sialic ở chim, nhưng lại có một số liên kết không phù hợp khi bám dính với thụ thể của con người. Vì vậy, ở dạng hiện tại, H5N1 không thể dễ dàng lây lan ở người.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ cần một đột biến trong bộ gen cúm cũng có thể khiến H5N1 dễ lây lan từ người sang người, từ đó có thể gây ra một đại dịch.
Hành động ngay
Các chuyên gia cảnh báo, nếu chủng cúm gia cầm này biến đổi và có thể bắt đầu lây truyền giữa người với người, các chính phủ phải hành động nhanh chóng để kiểm soát sự lây lan.
Hiện nhiều trung tâm kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới đã lập kế hoạch chuẩn bị ứng phó với đại dịch cúm gia cầm và các bệnh khác đang có nguy cơ xảy ra.
Đơn cử, Vương quốc Anh đã mua 5 triệu liều vaccine H5 có thể bảo vệ chống lại cúm gia cầm, để chuẩn bị đối phó khi nguy cơ xuất hiện vào năm 2025.
Nhìn chung, ngay cả khi không có khả năng lây lan từ người sang người, cúm gia cầm vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe động vật nhiều hơn vào năm 2025. Điều này không chỉ gây ra những tác động lớn đến động vật mà còn có khả năng làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và gây ra những tác động kinh tế.
Bằng cách hiểu biết và ngăn ngừa bệnh tật trong môi trường và động vật xung quanh, chúng ta có thể chuẩn bị và đối phó tốt hơn đối với những căn bệnh có thể lây nhiễm cho người.
Tương tự như vậy, bằng cách khảo sát và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm ở người, chúng ta cũng có thể bảo vệ động vật và sức khỏe môi trường.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)