Trường hợp mắc cúm A nặng nhất đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tự điều trị tại nhà khi bắt đầu các triệu chứng ho sốt, khó thở. Khi tình trạng không thuyên giảm, bệnh nhân được nhập viện với diễn biến rất nhanh. Thời điểm bệnh nhân được chuyển từ Tuyên Quang lên, phổi đã tổn thương gần như toàn bộ, sốc nhiễm khuẩn, suy thận. Dù thở máy, lọc máu nhưng vẫn suy hô hấp nặng nên bệnh nhân được chỉ định đặt ECMO.
Còn trường hợp một bệnh nhân 62 tuổi, đang thở máy, đã có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là một trong những bệnh nền khiến bệnh nhân cúm có nguy cơ biến chứng cao, do phổi đã bị tổn thương từ trước, mà virus cúm lại tác động trực tiếp lên phổi.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Hiện tại, khoa hồi sức tích cực đang có bốn bệnh nhân cúm A, trong đó có hai ca rất nặng đang phải đặt ống thở máy và một ca phải chạy ECMO. Tới thời điểm hiện tại, hai bệnh nhân đã tỉnh táo và có vẻ tiếp xúc được, đang tiến hành hỗ trợ phổi, tuy nhiên, bệnh nhân chạy ECMO vẫn đang phải tiến hành lọc máu".
Cúm là bệnh lành tính có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, nhưng cúm đặc biệt nguy hiểm với những người có bệnh lý nền liên quan đến hô hấp và tim mạch. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đối với những người cao tuổi có bệnh nền hoặc phụ nữ có thai, nguy cơ nhiễm cúm sẽ nhiều hơn so với những đối tượng khác. Cúm là bệnh đã có vaccine, vì vậy việc tiêm vaccine trên các đối tượng có nguy cơ cũng nên được khuyến cáo và nên tiến hành hàng năm.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh như cúm mùa, sởi, sốt phát ban.
Quỳnh Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/cum-mua-dien-bien-phuc-tap-nhieu-ca-nang-301607.htm