Chia sẻ tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 3.7, ông Bùi Trung Kiên – Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) – cho biết sau khi tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sáp nhập vào TP.HCM, EVNHCMC tiếp nhận thêm 2 công ty điện lực của Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu từ Tổng công ty điện lực miền Nam.
Ông Bùi Trung Kiên – Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) chia sẻ về những thay đổi trong việc cung cấp điện tại TP.HCM sau sáp nhập - Ảnh: PV
Sau khi tiếp nhận, EVNHCMC đã sắp xếp lại các công ty điện lực của TP.HCM. “Trước khi sáp nhập, TP.HCM có 15 công ty điện lực, đến ngày 1.7, EVNHCMC đã sắp xếp lại còn 10 công ty điện lực. Do địa giới hành chính, EVNHCMC sắp xếp các công ty điện lực cho phù hợp với khách hàng cũng như sản lượng điện của từng công ty theo hướng đều nhau”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, việc sắp xếp này ảnh hướng đến khách hàng. Cụ thể, khách hàng ở huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ được Công ty Điện lực Tân Thuận cung cấp (thay cho Công ty Điện lực Duyên Hải trước đây); khách hàng ở quận 10, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình do Công ty Điện lực Sài Gòn phục vụ (thay cho các công ty điện lực: Tân Bình, Gia Định, Chợ Lớn cung cấp trước đây); khách hàng ở quận 11, quận Tân Phú do Công ty Điện lực Chợ Lớn phục vụ; khách hàng quận Gò Vấp do Công ty Điện lực Chợ Lớn cung cấp.
“Việc thay đổi từ 15 công ty điện lực xuống còn 10 công ty điện lực, chúng tôi đã sắp xếp làm sao để khách hàng được thuận lợi nhất”, ông Kiên nói.
Sau khi EVNHCMC tiếp nhận khách hàng từ 2 công ty điện lực của Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Kiên cho biết khách hàng đã gặp một số khó khăn. Trước đây, khách hàng tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao dịch với điện lực đều thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam, nhưng sau sáp nhập phải chuyển về cài đặt lại ứng dụng của EVNHCMC, tiếp nhận thông tin để phản ánh tình trạng mất điện hoặc các yêu cầu về dịch vụ điện.
“Sau 2 ngày sáp nhập, khách hàng ở tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ đã chuyển đổi qua ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVNHCMC với một số lượng tương đối. Tổng số khách hàng của 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu trước sáp nhập khoảng 1 triệu, với lượng cài đặt qua ứng dụng của Tổng công ty Điện lực miền Nam khoảng 600.000 khách hàng, nhưng trong 2 ngày qua số lượng khách hàng đã chuyển qua cài đặt ứng dụng của EVNHCMC gần 100.000. Như vậy với tốc độ như trên, lượng khách hàng của Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây hoàn toàn có kênh giao tiếp, phản ánh đối với EVNHCMC”, ông Kiên thông tin.
Lãnh đạo EVNHCMC cũng lưu ý khách hàng sử dụng điện về việc các đối tượng xấu lợi dụng chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị điện lực, có thể chúng tiếp tục thực hiện các cuộc gọi mạo danh nhân viên ngành điện để lừa đảo.
“Nếu nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh cán bộ, nhân viên điện lực hoặc xưng danh là công ty điện lực nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch, quý khách hàng cần hết sức cảnh giác; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hoặc thông tin sử dụng điện cho người lạ để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đồng thời liên hệ ngay tổng đài 1900545454 hoặc email cskh@hcmpc.com.vn, hoặc qua ứng dụng EVNHCMC, hoặc fanpage https://www.facebook.com/evnhcmc1900545454 để được xác minh, có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Kiên đề nghị.
Hồ Quang