Cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng bình yên, no ấm

Cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng bình yên, no ấm
4 giờ trướcBài gốc
HND tỉnh thăm mô hình nuôi dê của hội viên nông dân xã Thành Công (Thạch Thành).
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở các địa phương miền núi tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của nông dân vùng đồng bào dân tộc miền núi trong tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ tập trung đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, có hơn 34.000 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 17 hộ sản xuất, kinh doanh đã khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp.
Phong trào đã động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn, tạo việc làm; chia sẻ khó khăn khi đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh... Các cấp hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lượt lao động có việc làm thường xuyên và theo thời vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động, chương trình, dự án, mô hình đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; củng cố niềm tin, gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc sống vươn lên làm giàu, hội viên thêm gắn bó với tổ chức hội, tham gia xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Thông qua các mô hình đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, như: ông Bùi Văn Quang, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) được chứng nhận Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Các hộ gia đình, HTX có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao như: anh Bùi Anh Kiều (Thạch Thành); chị Phạm Thị Thu, Đinh Thị Chi, Hà Thị Oanh, Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Văn Thành (Như Xuân); Nguyễn Văn Đoàn (Thạch Thành). Có 2 cá nhân được Trung ương Hội tặng Bằng khen trong thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022 là: ông Nguyễn Sơn Hải, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), ông Hà Văn Dũng, xã Lương Nội (Bá Thước). Ông Nguyễn Hữu Lựu, xã Hà Long (Hà Trung) đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.
Ông Thào A Thái, hội viên nông dân xã Trung Lý (Mường Lát) cho biết: "Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, gia đình tôi cũng như những hộ khác luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhất là HND trong xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình. Với mô hình phát triển chăn nuôi, hiện nay tôi đã nhân lên 52 con bò và 20 trâu. Để duy trì tốt việc tăng đàn và ổn định nguồn thu, tôi đã lựa chọn nuôi sinh sản kết hợp với nuôi lấy thịt. Ngoài ra, gia đình tôi đã khoanh nuôi, trồng mới và chăm sóc tái sinh trên 15ha đồi rừng. Gia đình còn đào ao thả cá để lấy thực phẩm phục vụ sinh hoạt và cho nguồn thu đáng kể. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt, sau khi trừ chi phí cho thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn giúp đỡ các hộ khác về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Là đảng viên, hội viên nông dân sinh hoạt trong Chi hội nông dân bản Tà Cóm, tôi luôn có ý thức giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu, gắn bó giúp nhau cùng phát triển kinh tế trong cộng đồng, góp phần xây dựng bản làng biên cương bình yên, no ấm".
Bài và ảnh: Hoàng Lan
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/cung-giup-nhau-phat-trien-kinh-te-nbsp-xay-dung-ban-lang-binh-yen-no-am-236480.htm