Nhiều người hoang mang khi rơi vào ma trận thông tin tư vấn sức khỏe, khi cùng một loại bệnh nhưng lại nhận được nhiều tư vấn chuyên môn, cách điều trị khác nhau.
Tư vấn khác nhau nhưng mục đích giống nhau
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Phương Đông (Hà Nội), phác đồ chăm sóc, điều trị bệnh của Bộ Y tế đưa ra nhất quán, các phương pháp điều trị mới cũng thường xuyên được cập nhật hàng năm.
Việc bác sĩ, chuyên gia y tế có những tranh luận y khoa trái chiều chỉ là con số nhỏ, có chăng chỉ là lệch nhau giữa các phương pháp điều trị cũ và mới. Ví dụ, cùng một bệnh viêm phổi nhưng bác sĩ này tư vấn theo phương pháp điều trị cũ, bác sĩ kia tư vấn cho người bệnh theo phương pháp điều trị mới được cập nhật.
“Khi chưa hiểu vấn đề, người dân sẽ có chút hoang mang”, bác sĩ Mạnh nói. Tuy tư vấn về cách chăm sóc, điều trị khác nhau, song mục đích cuối cùng của bác sĩ vẫn là điều trị cho người bệnh theo chuẩn y khoa.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Mạnh lấy ví dụ thêm trong lĩnh vực tim mạch, cùng một trường hợp mắc bệnh lý mạch vành, bác sĩ này chỉ định người bệnh đặt stent, số bác sĩ khác bảo phải phẫu thuật nhưng mục đích cuối cùng của 2 phương pháp vẫn là cấp máu cho vùng mạch bị tắc.
Căn cứ vào điều kiện sức khỏe của từng người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Do đó, có thể có 2 người cùng mắc bệnh mạch vành nhưng sẽ có 2 hướng tư vấn và điều trị khác nhau.
“Trong y khoa, thường sẽ có những tranh luận, đối chất về quy trình điều trị, phác đồ điều trị nhưng mục đích cuối cùng là giống nhau”, bác sĩ Mạnh nói.
Theo chuyên gia, bác sĩ không cấm người dân tìm hiểu thông tin trên mạng hay lắng nghe những chia sẻ về chăm sóc sức khỏe nhưng khuyến khích nên tìm hiểu từ những nguồn chính thống. Người dân cần hạn chế tối đa tìm hiểu từ những người không phải là chuyên gia y tế chia sẻ hoặc những người mạo danh bác sĩ để tránh hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý.
Bác sĩ Mạnh đề xuất, để việc cung cấp thông tin y khoa cho người dân đem lại hiệu quả, các bác sĩ cũng cần phải được các đơn vị quản lý chặt chẽ, khi chia sẻ nội dung ra ngoài, đặc biệt là khi chia sẻ, tư vấn sức khỏe trên mạng xã hội đều phải chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.
Tranh luận y khoa là điều dễ hiểu
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, việc cùng một dấu hiệu hay một triệu chứng bệnh, song có nhiều tranh luận y khoa, ý kiến tư vấn khác nhau từ các chuyên gia là điều không hiếm gặp và dễ hiểu. Ngay cả tại các cơ sở y tế, khi tiếp nhận ca bệnh khó, các chuyên gia cũng có những ý kiến khác nhau. Trường hợp khó, phải tổ chức hội chẩn, để có sự thống nhất bằng văn bản trong chẩn đoán và điều trị.
Những ý kiến tranh luận, tư vấn khác nhau về phương pháp chăm sóc sức khỏe của các chuyên gia trên mạng, hay cả những lời truyền miệng, truyền tai nhau ở bên ngoài lại càng khó để nhận định. Chưa kể, hiện nay còn tình trạng một số “bác sĩ online” tự giới thiệu tên tuổi, chuyên môn nhưng chưa chắc đã được đào tạo bài bản, cũng rất “nhiệt tình” tư vấn. Khi người bệnh tin tưởng và làm theo những hướng dẫn không có cơ sở và kiểm chứng này, dễ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm không thể lường trước.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng. (Ảnh: BSCC)
Chuyên gia cũng thông tin thêm, ở các nước phát triển, trên website hay sách, báo, tạp chí, những thông tin về y tế đưa ra đều kèm theo tuyên bố "miễn trừ trách nhiệm". Nghĩa là mọi bài viết trên website hay trang mạng, hội nhóm chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin, mang tính tham khảo, không được coi là thay thế cho lời khuyên, ngăn ngừa, chẩn đoán hoặc điều trị bất kỳ bệnh tật hoặc tình trạng y tế nào.
Tuyên bố thường có dạng như sau: “Nếu bạn có bất kỳ vấn đề hoặc tình trạng sức khỏe bất thường nào, hãy tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ điều kiện. Tác giả và người đóng góp của trang website không chịu trách nhiệm về bất kỳ kết quả nào phát sinh từ việc sử dụng thông tin”.
Bác sĩ Hoàng lưu ý, các thông tin truyền miệng hay tư vấn trên mạng đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc hay bất kỳ biện pháp điều trị nào đều cần sự xác nhận của nhân viên y tế có thẩm quyền.
“Việc tự tìm kiếm thông tin có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng luôn cần có sự xác nhận và tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp không tìm được nguồn thông tin chính xác có thể khiến bạn hoảng loạn, thậm chí ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Việc thăm khám, tư vấn bởi các chuyên gia y tế là rất quan trọng để bệnh nhân được chẩn đoán chính xác, tránh những lo lắng không cần thiết”, bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ Hoàng khuyên người bệnh nên tỉnh táo khi lắng nghe tư vấn sức khỏe. Nhiều người nhẹ dạ cả tin, không kiểm chứng thông tin khi tìm đến các trang tư vấn, khám bệnh không đảm bảo chất lượng, khiến họ nhận được những tư vấn, chẩn đoán sai hoặc kê toa thuốc không đúng tình trạng bệnh, dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm về sức khỏe.
Chuyên gia cũng đề xuất, các nhà quản trị mạng cần có những quy định cụ thể về việc quản lý các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin trên mạng. Chúng ta có thể học tập mô hình quản lý của các nước phát triển bằng việc quy định, mỗi video hay bài viết đều cần gắn với tuyên bố miễn trừ trách nhiệm… để không ai phải chịu cảnh “tiền mất tật mang” từ những thông tin sức khỏe lan tràn trên không gian mạng.
Như Loan