Không thể tiếp tục học tập trong nguy hiểm, thầy cô và học sinh buộc phải di chuyển ngay. Ngày tựu trường đáng lẽ là thời gian hân hoan nhất, vậy mà chất chứa đầy lo âu và hoang mang. Giữa lúc gian khó ấy, đã có cánh cổng trường khác mở ra chào đón học sinh Nậm Lúc đến cùng học tập, đó là Trường THCS Bảo Nhai.
Ngày 23/9, các đoàn xe thiện nguyện giúp thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc vượt quãng đường hơn 15 km để đến trường mới. Những đứa trẻ lần đầu xa bản làng, xa vòng tay yêu thương gia đình, tay ôm chăn màn, quần áo, cặp sách và đồ đạc lỉnh kỉnh. Ánh mắt lạ lẫm, bước chân rụt rè giữa sân trường xa lạ.
Ngày đầu tiên đón gần 300 giáo viên và học sinh từ vùng lũ Nậm Lúc, trong lòng thầy giáo Nguyễn Xuân Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Nhai muôn vàn trăn trở. Ngôi trường chỉ đủ phục vụ hơn 500 học sinh địa phương, nay gồng gánh thêm trường khác, sẽ thêm phần áp lực.
Khó khăn nhất mà thầy giáo Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ đó là việc bố trí khu nhà ở bán trú cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc. Cơ sở vật chất được thiết kế đáp ứng cho chưa đầy 100 học sinh bán trú xã Bảo Nhai, giờ phải sắp xếp cho gần 400 em. Không ai kêu than, chỉ có sự gấp rút và đồng lòng trước khi đón học sinh ở Nậm Lúc đến, Ban Giám hiệu hai trường cùng nhau họp bàn, sắp xếp lại hệ thống cơ sở vật chất, tận dụng nhà thi đấu đa năng và những công trình cũ được cải tạo để làm khu bán trú. Những buổi chiều muộn, các thầy giáo, cô giáo gác phấn trắng bảng đen, sắp xếp việc nhà, cùng ở lại trường, xắn tay áo làm thợ xây để cải tạo khu bán trú. Chỉ trong một tuần, hệ thống nhà ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh và nhà bán trú được gấp rút hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện tối thiểu.
Không chỉ sớm lo chỗ ăn, chốn ở, cả hai trường cùng “dốc sức” đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Toàn bộ cơ sở vật chất đều được khai thác tối đa dành cho việc học tập. Mỗi mét vuông đất, mỗi phòng học, nhà công vụ… đều phải tính toán, tận dụng hết công năng để làm phòng học, khu thực hành. Với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, thầy giáo Mai Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc cùng Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên nhà trường chỉ sử dụng 2 phòng công vụ làm việc chung nhằm tiết kiệm tối đa không gian, còn lại dành bố trí lớp học. Thầy Hải tâm sự: “Ở trường có nhà công vụ cho giáo viên, nhưng nhiều thầy cô đã tự nguyện ra ngoài thuê nhà ở, nhường nhà công vụ để bố trí thêm phòng học, phòng thực hành cho các em học tập”.
Dù là “khách”, nhưng học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc chưa bao giờ cảm thấy mình là người ngoài. Ngay từ ngày đầu tiên, các em đã được thầy cô, học sinh Trường THCS Bảo Nhai đón chào bằng tình cảm nồng ấm, thân thương. Đặng Hương Linh, lớp 8A vẫn nhớ ngày đầu đến trường mới. Linh chia sẻ: “Em sợ lắm, trường mới, bạn mới, dù được các thầy cô rất quan tâm”.
Nắm được tâm tư, thầy cô giáo của cả hai trường không quản ngại ngày đêm chăm sóc các em như chăm con, giúp các em ổn định tâm lý, vượt qua khó khăn, thiếu thốn và đồng hành với các em trong những buổi học đêm, ôn luyện.
Vượt qua bỡ ngỡ, Đặng Hương Linh giúp các bạn xã Bảo Nhai hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc Dao qua điệu hát, điệu múa. Linh và những người bạn ở Nậm Lúc dần dần không còn thấy xa lạ, bởi ở đây chỉ có tình yêu thương đong đầy.
Bước vào năm học mới muộn hơn so với thường lệ vừa gặp không ít khó khăn, thách thức, hai trường đã cùng họp bàn, xây dựng kế hoạch năm học, giúp hai hệ thống quản lý vận hành song song, xây dựng khung giờ hợp lý để sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực. Trường THCS Bảo Nhai thiếu giáo viên bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc đứng lớp hỗ trợ. Ngược lại, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc thiếu giáo viên Âm nhạc, Trường THCS Bảo Nhai sẵn sàng chia sẻ. Giữa sân trường vào giờ nghỉ, tiếng trống vang lên, học sinh hai trường cùng nhau tập thể dục, hát múa những bài dân ca, dân vũ trong tiếng cười rộn ràng.
Giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cả hai trường dần đi đến đích cuối cùng của năm học. Dù chưa tổng kết nhưng rất nhiều thành tích xuất sắc đã được tạo ra. Thầy giáo Nguyễn Xuân Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Nhai tự hào khi giáo dục mũi nhọn đã có bước đột phá, học sinh nhà trường đoạt hơn 30 giải từ các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt năm nay, Trường THCS Bảo Nhai có 1 học sinh đoạt giải Nhất môn Toán tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Còn đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc, thầy giáo Mai Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: Nhà trường có 2 học sinh đoạt giải Nhì và giải Khuyến khích Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và giải Ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lào Cai.
Mùa hè gõ cửa, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc cũng dần hoàn thiện công tác khắc phục sau thiên tai, học sinh sẽ được trở lại mái trường thân quen. Nhưng với thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc, những ngày tháng đặc biệt tại Trường THCS Bảo Nhai, về mái trường chung, về tình thầy trò, bạn bè trong gian khó sẽ còn đọng mãi.
Hữu Huỳnh