Cung ứng dịch vụ môi trường rừng góp phần quản lý, phát triển rừng bền vững

Cung ứng dịch vụ môi trường rừng góp phần quản lý, phát triển rừng bền vững
2 giờ trướcBài gốc
Một cánh rừng tự nhiên tại Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)
Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Đắk Nông đang ngày càng khó khăn do kinh phí eo hẹp, phần lớn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đều dựa chủ yếu vào nguồn thu từ cung dịch vụ môi trường rừng cho các hoạt động sản xuất thủy điện, nước sạch.
Một nhân sự quản lý hàng trăm hecta rừng
Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) đang quản lý, bảo vệ tổng diện tích tự nhiên gần 6.500ha rừng. Trong đó, diện tích quản lý bảo vệ tập trung hơn 5.500ha; diện tích giao khoán cho cộng đồng các dân tộc thiểu số sống gần rừng quản lý, bảo vệ gần 1.000ha.
Lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ nằm trên địa giới hành chính xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Xung quanh rừng chủ yếu người M’nông (dân tộc thiểu số tại chỗ) và một số dân tộc thiểu số khác.
Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt thú rừng… luôn có nguy cơ xảy ra. Vì vậy đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
Bên cạnh đó, là một trong các đơn vị có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất tỉnh Đắk Nông, hệ thống các tuyến đường tuần tra, kiểm tra rừng trên lâm phần được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cũng thuộc diện khó khăn, hiểm trở nhất tỉnh.
Thực trạng này gây không ít khó khăn cho công tác kiểm soát rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, cũng như công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Tuy vậy, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể đơn vị, sự ủng hộ, chia sẻ các khó khăn của các ngành chức năng, đơn vị biên phòng, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dân cư sống gần rừng, thời gian qua, trên lâm phần được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ quản lý hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tình trạng mua bán vận chuyển lâm sản cũng như săn bắn, bắt bẫy động vật rừng hoang dã, cháy rừng… hầu như không xảy ra.
Nguồn thu từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức do hạn hán, biến đổi khí hậu. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)
Cũng theo Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, Ban là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo về chi thường xuyên, sử dụng nguồn kinh phí từ nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng.
Hiện, toàn đơn vị có 17 nhân sự (bao gồm cả Giám đốc, Phó Giám đốc). Tính bình quân, mỗi nhân sự của đơn vị đang quản lý, bảo vệ gần 400ha rừng.
Thu nhập bình quân của lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ hiện khoảng 8 triệu đồng/tháng. Hiện, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị còn thiếu so với quy mô diện tích đơn vị quản lý.
Tuy nhiên, việc thu hút, tuyển dụng nhân sự rất khó khăn do nguồn thu nhập của lực lượng quản lý bảo vệ rừng thấp so với mặt bằng chung.
Thời gian qua, đã có nhiều cán bộ quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc, một phần do thu nhập thấp, phần nữa do điều kiện công tác, đi lại rất khó khăn. Hiện nay, phần lớn lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ không có “sóng” điện thoại, đường truyền Internet rất yếu, kém ổn định…
Trong báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ tiếp tục đề nghị các cơ quan ban ngành kiến nghị với cơ quan cấp trên để tăng thêm các chế độ, phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, nhằm đảm bảo thu nhập ổn định để cải thiện đời sống và giúp người lao động yên tâm, gắn bó với công việc.
Tương tự, xã Quảng Sơn nằm cách trung tâm huyện Đắk Glong 56km và là xã có diện tích tự nhiên, diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn nhất nhì tỉnh Đắk Nông.
Hiện, Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn cũng là một đơn vị chủ rừng với tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ hơn 4.300ha, trong đó có 650ha là đất có rừng.
Do điều kiện rừng phân tán, nằm xen kẽ với các diện tích đất đai đã bị lấn, chiếm nhiều năm nay để trồng cây công nghiệp và sử dụng vào mục đích khác nên Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn chỉ được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho hơn 400ha rừng (tức chỉ chiếm gần 65% diện tích rừng xã được giao quản lý).
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn, đây là một nguồn thu quan trọng để xã thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn hiện nay.
Thời gian qua, xã đã sử dụng nguồn kinh phí này để hợp đồng thêm người lao động phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao quản lý.
Nguồn tiền từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng được chi trả đều đặn hàng năm đã góp phần giúp Ủy ban Nhân dân xã có thêm nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến lâm nghiệp, trong bối cảnh diện tích rừng, đất rừng được giao quản lý, bảo vệ khá lớn.
Cấp nước cho thủy điện đang mang lại nguồn thu chính cho việc cung ứng môi trường rừng tại Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)
“Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng rất khó khăn do diện tích lớn, nằm xen kẽ với đất đai, nương rẫy của người dân, điều kiện đi lại khó khăn. Thêm nữa là dân di cư không theo quy hoạch vẫn đều đặn đến địa phương và tình trạng nhiều loại mặt hàng nông sản chủ lực tăng giá mạnh khiến địa phương chịu rất nhiều áp lực”, một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn chia sẻ.
Toàn xã Quảng Sơn có hơn 35.000ha rừng, đất rừng, trong đó có gần 28.000ha rừng tự nhiên, rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng của xã Quảng Sơn hiện ở mức hơn 61%, cao gấp hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung toàn tỉnh.
Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng
Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đang tiến hành chi trả theo 5 đơn giá cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, đơn giá chi trả thấp nhất gần 648.000 đồng/1ha và đơn giá chi trả cao nhất 950.000 đồng/ha.
Thời gian qua, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nên mối liên kết vững chắc giữa người cung ứng và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đã thu tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 73,7 tỷ đồng. Đơn vị đã chi hơn 57 tỷ đồng để tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng hai năm 2023, 2024 và thanh quyết toán tiền tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023.
Trong năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc kê khai và nộp tiền dịch vụ môi trường rừng tại 14 đơn vị; tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đối với 22 đơn vị chủ rừng, đảm bảo việc chi đúng quy định, đối tượng.
Cũng theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông, thông qua kiểm tra, giám sát để đánh giá, nâng cao việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị chủ rừng đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích và có hiệu quả.
Trên cơ sở kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; kịp thời đề xuất chấn chỉnh, bổ sung hoàn thiện trong việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Nông gặp khó do giá cả nông sản tăng cao. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)
Bên cạnh đó, tháng 7/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đã được Cục tác chiến (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cấp phép phương tiện bay không người lái.
Việc kết hợp các giải pháp về theo dõi diễn biến diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám với phương tiện bay không người lái được kỳ vọng sẽ phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Từ tháng 8/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đã tổ chức sử dụng phương tiện bay không người lái để phục vụ công tác kiểm tra diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng đối với cộng đồng bon Bu Nơr A&B (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông); cộng đồng bon Điêng Đu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông); và Doanh nghiệp tư nhân cây cảnh Đức Minh (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).
Theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, nhiều đơn vị chủ rừng đang hoạt động chủ yếu vào nguồn thu từ tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng, nhất là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng.
Đây là một nguồn lực quan trọng, góp phần quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, thậm chí là “sống còn” đối với nhiều đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay./.
Gần 150 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2022, toàn tỉnh có 143 công chức kiểm lâm, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác (chiếm hơn 20% tổng số biên chế kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của toàn tỉnh).
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do áp lực và trách nhiệm công việc lớn; điều kiện công tác và đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe…
Thêm nữa, mức lương, trợ cấp còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu của bản thân, gia đình nên nhiều cán bộ, công chức, người lao động ngành nghề này xin nghỉ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm có các chính sách phù hợp, nhất là về chế độ tiền lương, phụ cấp để hạn chế tình trạng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc.
Theo hiện trạng rừng tỉnh Đắk Nông năm 2023 vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào cuối tháng 2/2024, toàn tỉnh hiện có hơn 254.000 ha rừng. Toàn tỉnh có 7 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 7 doanh nghiệp nhà nước chuyên về lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cung-ung-dich-vu-moi-truong-rung-gop-phan-quan-ly-phat-trien-rung-ben-vung-post987479.vnp