Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại cuộc gặp gỡ báo chí hai nước sau hội đàm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chuyến công tác của Thủ tướng đã chuyển tải thông điệp về quyết tâm, khát vọng và thu hút các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chuyến công tác kéo dài 8 ngày kể cả thời gian di chuyển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có một lịch trình hoạt động dày đặc, phong phú và đa dạng. Cả 3 nước đã dành cho Thủ tướng Chính phủ, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp và chân tình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ và trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Ba Lan, Cộng hòa Séc và hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ. Kết quả nổi bật là cả 3 nước đều mong muốn và nhất trí nâng cấp và hướng tới nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Trong đó, Việt Nam - Ba Lan thúc đẩy nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược; Việt Nam - Cộng hòa Séc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược; Việt Nam - Thụy Sĩ nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng việc nhất trí nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước mang ý nghĩa lịch sử, tạo đột phá để Việt Nam và các nước bước sang giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước thống nhất các biện pháp tạo động lực mới cho hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, văn hóa, du lịch, lao động...; đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng, dược phẩm, công nghiệp ô tô, kết nối hàng không và đường sắt... Trong đó, với Ba Lan và Cộng hòa Séc, hai bên quyết tâm nâng kim ngạch thương mại sớm đạt 5 tỷ USD/năm thay vì khoảng 2 tỷ USD như hiện nay...
Tại cuộc gặp gỡ báo chí sau khi kết thúc hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Petr Fiala nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Séc lên Đối tác Chiến lược. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các thỏa thuận và mong muốn tăng cường hợp tác, trong chuyến thăm các nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số tổ chức, đảng chính trị, hội hữu nghị; thăm một số cơ sở văn hóa, khoa học - kỹ thuật tại các nước.
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì các diễn đàn, đối thoại và làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu các nước nhằm kêu gọi đầu tư, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các nước. Trong chuyến thăm của Thủ tướng, Việt Nam và 3 nước đã ký 8 thỏa thuận hợp tác về ngoại giao, lao động, hàng không, giáo dục, thể thao và văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu khu vực và trên thế giới; mong muốn đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực. Việt Nam và các nước đối tác đã thảo luận thống nhất rất nhiều các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hai bên nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi trong vòng 3 - 5 năm tới; tăng cường hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, chống đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy hợp tác để giải quyết căn bản và toàn diện mối quan tâm của cả hai bên.
Đặc biệt tại Cộng hòa Ba Lan và Cộng hòa Séc, Thủ tướng Chính phủ dành thời gian thăm các cơ sở kinh tế do người Việt Nam làm chủ; có các cuộc gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại đây. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đã chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và Cộng hòa Séc trong chương trình Xuân Quê hương, đem tình cảm ấm áp từ quê hương đến với đồng bào ta tại các nước khi Tết đến, Xuân về.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Cộng hòa Séc và Ba Lan diễn ra trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian và có rất nhiều hoạt động với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và Cộng hòa Séc. Qua các hoạt động này, mọi người đều vui mừng, cảm nhận niềm tự hào, sự lớn mạnh và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và Cộng hòa Séc. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và Cộng hòa Séc có sự đoàn kết, tự hào dân tộc, thực sự hướng về quê hương, đất nước, mong muốn được đóng góp cho phát triển triển của đất nước trong thời gian tới.
Các chương trình “Xuân quê hương” mà Thủ tướng Chính phủ tham dự đều rất ấn cúng, tình cảm và thể hiện được tinh thần tự hào dân tộc. Qua đó, thúc đẩy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và thu hút nguồn lực của kiều bào cùng chung tay đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ với hơn 30 tiếng tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một lịch trình dày đặc. Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại 4 phiên thảo luận của Hội nghị, trong đó có 3 phiên được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam, đặc biệt là các phiên đối thoại.
Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho biết, qua cuộc đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể khẳng định Việt Nam là một trong những ví dụ tốt nhất về một quốc gia đang phát triển có tốc độ tăng trưởng rất lạc quan với những con số đáng kinh ngạc. Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm trong vòng 30 năm qua.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới trải qua suy thoái, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển cao và là hình mẫu tiêu biểu của đất nước phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức. UNCTAD rất vui khi Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc. Hội nghị được tổ chức 4 năm một lần và mọi người đều rất phấn khích khi Việt Nam sẽ là nước chủ nhà.
Cũng dịp này, Thủ tướng đã có các cuộc gặp với gần 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế; cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trao đổi, đối thoại với gần 250 tập đoàn hàng đầu tại 5 cuộc tọa đàm nhân dịp hội nghị.
Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, một số nhà đầu tư mà ông tiếp xúc nhân dịp này mong muốn và hy vọng Việt Nam sẽ mở cửa để doanh nghiệp nước ngoài đem công nghệ về Việt Nam đầu tư, bởi hiện nay, Việt Nam rất ổn định về chính trị và có nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Còn ông Naga Chandrasekara, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Hoạt động toàn cầu của Tâp đoàn Intel cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Intel đã đầu tư và vận hành nhà máy ở Việt Nam trên 15 năm, tập trung vào phát triển công nghệ cao. Việt Nam có rất nhều cơ hội vì sở hữu nguồn lao động trẻ, dồi dào và tài năng. Tầm nhìn, mục tiêu và cam kết của Chính phủ Việt Nam rất tham vọng, vì thế tạo động lực thúc đẩy và thể hiện quyết tâm cao.
Có thể khẳng định, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 của WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đã truyền thông điệp mạnh mẽ về sự chân thành, hợp tác, đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; đồng thời với sự tin cậy, năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng, Việt Nam sẵn sàng và mong nuốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các đối tác.
Ông Hayashi Nobumitsu, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết, tại hội nghị, ông được nghe từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Việt Nam đã nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra. Với những nỗ lực và thành quả đã được chứng minh, Việt Nam là điểm đến về đầu tư quan trọng của các công ty Nhật Bản. Nhiều công ty Nhật cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng thứ 2 trên thế giới, nhất là đối với các công ty sản xuất đang tìm kiếm nguồn lao động chất lượng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong sản xuất.
Đánh giá toàn diện về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định kết quả chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục triển khai quan trọng và hiệu quả đường lối đối ngoại đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế, đồng thời thu hút nguồn lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Phạm Tiếp (TTXVN)