Cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ tốn bao nhiêu và ai trả tiền?

Cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ tốn bao nhiêu và ai trả tiền?
2 ngày trướcBài gốc
Chi phí bầu cử tại Mỹ đến từ những nguồn nào?
Để có đủ ngân sách cho các chiến dịch tranh cử đắt đỏ, các ứng viên tổng thống tại Mỹ có nhiều lựa chọn tài trợ. Họ có thể tự tài trợ bằng chính tiền cá nhân, hoặc vận động quyên góp từ các nhà tài trợ tư nhân. Một nguồn quỹ khác đến từ các ủy ban hành động chính trị (PACs) và super PACs - các nhóm vận động mạnh về tài chính. Tuy nhiên, nguồn quỹ từ chính phủ cũng là một lựa chọn, nhưng đi kèm với nhiều giới hạn, nên trong những cuộc bầu cử gần đây, các ứng viên lớn không còn chọn phương án này.
Theo dữ liệu từ OpenSecrets, trong đợt bầu cử vừa qua, ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris đã huy động được hơn 906 triệu USD. Con số này bao gồm cả những khoản quyên góp từ chiến dịch của Joe Biden trước khi ông rút lui vào tháng 7. Ngoài ra, các nhóm bên ngoài đã đóng góp thêm 359 triệu USD, nâng tổng số quỹ hỗ trợ cho Harris lên tới 1,27 tỷ USD. Gần 56% số tiền này đến từ các khoản đóng góp lớn, còn 44% từ các khoản nhỏ dưới 200 USD.
Ngược lại, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã huy động được khoảng 367,1 triệu USD, ít hơn Harris khoảng 60%. Các nhóm bên ngoài đã thêm vào 572,8 triệu USD, nâng tổng quỹ của Trump lên gần 940 triệu USD. Phần lớn số tiền này (68%) đến từ các khoản đóng góp lớn từ những người siêu giàu.
Không chỉ tổng thống, các ứng viên cho Thượng viện và Hạ viện Mỹ cũng cần huy động số tiền lớn để phục vụ chiến dịch của họ. Theo tính toán của OpenSecrets, tổng số tiền mà các ứng viên Thượng viện huy động được là 1,38 tỷ USD, trong khi các ứng viên Hạ viện đã kêu gọi được 1,78 tỷ USD.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiêu tốn số tiền khổng lồ
Ai có quyền quyên góp cho các chiến dịch tranh cử tổng thống?
Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) đặt ra quy định chặt chẽ về việc ai có thể đóng góp cho các ứng viên. Chỉ công dân Mỹ hoặc người sở hữu thẻ xanh mới có quyền quyên góp cho ứng viên hoặc đảng phái. Những người nước ngoài và các tổ chức như nhà thầu liên bang, tập đoàn, ngân hàng quốc gia và công đoàn không được phép đóng góp trực tiếp cho các ứng viên.
PACs (các ủy ban hành động chính trị) từ lâu đã là một phần quan trọng trong hệ thống bầu cử Mỹ, thu hút các khoản đóng góp để vận động cho ứng viên hoặc các sáng kiến bỏ phiếu. Tuy nhiên, vào năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ đã thay đổi luật lệ, cho phép các tập đoàn và công đoàn đóng góp không giới hạn cho các chiến dịch, dẫn đến sự xuất hiện của các super PACs. Các nhóm này có thể nhận đóng góp không giới hạn từ cá nhân, công đoàn hoặc tập đoàn, và các khoản đóng góp này có thể được giữ bí mật.
Chiến dịch tranh cử chi tiêu vào những gì?
Với hàng trăm triệu đô la ngân sách, các chiến dịch và các nhóm vận động cần đưa ra nhiều quyết định về cách chi tiêu. Vì cuộc bầu cử rất sít sao và có thể phụ thuộc vào một số phiếu bầu tại các bang chiến trường (swing states), hầu hết ngân sách đều được đổ dồn vào những bang này.
Tại các bang chiến trường, người dân bị bao phủ bởi các quảng cáo chính trị. Họ có thể nhận được các cuộc gọi từ đội ngũ vận động hoặc có người gõ cửa để thuyết phục họ bỏ phiếu cho ứng viên này hay ứng viên kia.
Nhìn lại cuộc bầu cử năm 2020 có thể thấy rõ cách các chiến dịch sử dụng ngân sách khổng lồ của mình, phần lớn tập trung vào quảng cáo. Bốn năm trước, khoảng 56% chi tiêu dành cho truyền thông, 10% dành cho gây quỹ, và gần 17% cho các chi phí và lương của chiến dịch, theo dữ liệu của OpenSecrets. Khoảng 6% chi vào hành chính, 4% dành cho chiến lược và nghiên cứu, và phần còn lại được phân loại là “không xác định.”
Dường như mỗi cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp lại trở thành cuộc bầu cử đắt đỏ nhất trong lịch sử. Open Secrets, một tổ chức theo dõi chi tiêu bầu cử, ước tính chu kỳ bầu cử liên bang năm 2024 tiêu tốn gần 16 tỷ USD, so với khoảng 15 tỷ USD trong năm 2020.
Yến Nhi (Theo DW)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/cuoc-bau-cu-o-hoa-ky-ton-bao-nhieu-va-ai-tra-tien-20424111105410605.htm