Cuộc cách mạng mới của 'Kỷ nguyên vươn mình'

Cuộc cách mạng mới của 'Kỷ nguyên vươn mình'
6 giờ trướcBài gốc
Gần một tháng trước, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị TP. Hải Phòng, ngày 31/10, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển.
Vì thế việc xây dựng thể chế, cơ cấu lại bộ máy quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả là vấn đề rất lớn. Không xây dựng bộ máy hình thức mà cần đi vào thực chất! Tổng Bí thư cho rằng: “Ngay từ Đại hội 12, nghị quyết của trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, cần sắp xếp tinh gọn.
Tuy nhiên, việc sắp xếp hiện nay mới làm từ dưới lên, sáp nhập huyện xã chứ chưa làm tới tỉnh; sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành chứ chưa làm ở trung ương. Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở? Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng?
Đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn”. Con số tỉ lệ ngân sách chi trả lương cho bộ máy chính là minh chứng rõ ràng nhất về sự “cồng kềnh” này. “Ngân sách chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Đất nước muốn phát triển, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Chỉ còn 30% ngân sách thì tiền đâu để phục vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội”. “Các nước khác chi thường xuyên khoảng 40%, trên 50% ngân sách phục vụ cho phát triển, quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội?”...
“Chúng ta so sánh thôi cũng vô cùng sốt ruột. Cứ phình ra như thế, cứ như thế... Vì sao không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ thì chi cho bộ máy sẽ lên đến 80% - 90% chi ngân sách. Làm gì còn tiền ngân sách để làm các hoạt động khác”, Tổng Bí thư phân tích.
Nhìn lại quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong nhiều năm qua cho thấy chúng ta đã từng thực hiện điều này rất thành công như việc trước đây, trong cơ cấu của Chính phủ có các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Điện và Than, Bộ Thương mại. Sau nhiều lần sáp nhập, giờ chỉ còn Bộ Công Thương, rất tinh gọn. Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng được hình thành thông qua sự sáp nhập của 5 bộ: Thủy lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thủy sản...
Trong việc sắp xếp lại một số bộ, ngành tới đây, các chuyên gia có kinh nghiệm về công tác tinh gọn bộ máy cũng đã phân tích về tính hợp lý trong việc sắp xếp, sáp nhập, ví như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có khá nhiều điểm tương đồng với nhau về đầu tư, quản lý ngân sách. Hiện Bộ Tài chính có trách nhiệm về quản lý ngân sách, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đầu tư công.
Nếu sáp nhập lại sẽ đảm bảo việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách. Tương tự, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng cũng có nhiều điểm tương đồng. Nếu cứ tách bạch, bộ máy sẽ tiếp tục nhiều đầu mối, cồng kềnh, làm mất thời gian và nguồn lực.
Với những gì đang diễn ra quyết liệt cùng quyết tâm cao trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, đây thực sự là “một cuộc cách mạng” với tiên liệu đến việc “hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung”. Để giành được tự do độc lập, dân tộc chúng ta đã trải qua muôn vàn gian khổ, hy sinh và đau thương mất mát. Giờ đây, hơn bao giờ hết, tự thân mỗi người với ý thức công dân sâu sắc, vì sự phát triển của đất nước, vì sự cường thịnh của quốc gia, cũng sẽ sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam tự tin bước vào “kỷ nguyên vươn mình”.
An Du
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/cuoc-cach-mang-moi-cua-ky-nguyen-vuon-minh-190067.htm