Trên không gian mạng, không ít luận điệu của các thế lực thù địch hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và sự gắn kết “Ý Đảng, lòng dân”
Đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển mạnh mẽ.
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - nhất là trong bộ máy nhà nước và đơn vị hành chính đã trở thành một nhiệm vụ đặc biệt cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia. Đây không chỉ là một bước cải cách hành chính mang tính kỹ thuật mà còn là một cuộc cách mạng mới, thể hiện quyết tâm chính trị sâu sắc, phản ánh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong lãnh đạo đất nước.
Ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 127-KL/TW về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những bài viết chỉ đạo, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Kết luận 127 thể hiện rõ tinh thần quyết liệt, quyết tâm chính trị rất cao trong việc thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy với mục tiêu, yêu cầu, lộ trình rõ ràng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị lại nhân cơ hội này để xuyên tạc, chống phá. Trên không gian mạng, chúng kích động tư tưởng kỳ thị, phân biệt vùng miền, rắp tâm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự gắn kết “Ý Đảng, lòng dân”. Sâu xa hơn, chúng muốn phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây rối an ninh, trật tự xã hội, làm nhiễu loạn thông tin, gây mất ổn định xã hội, khiến lòng dân hoang mang. Chúng tung tin thất thiệt như việc tỉnh này, tỉnh kia “mất tên trên bản đồ” là do không có lãnh đạo cấp cao; xuyên tạc rằng chủ trương bỏ cấp trung gian (quận, huyện, thành phố thuộc tình) là “đấu đá phe cánh”, là “âm mưu thanh trừng nội bộ”, “tạo điều kiện cho chạy chức, chạy quyền”…
Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng, giảm lãng phí nguồn lực và ngân sách. Đợt sáp nhập các đơn vị hành chính lần này có nhiều điểm mới: được tiến hành đồng thời ở cả cấp tỉnh và cấp xã, giảm cấp chính quyền địa phương xuống còn hai cấp. Việc sáp nhập không chỉ căn cứ vào các tiêu chí dân số, diện tích như trước đây mà còn tính đến quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, địa phương; gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển dựa trên 6 vùng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nghiên cứu, xác định mô hình tổ chức chính quyền cấp xã phù hợp với từng vùng đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo trên cơ sở các yếu tố dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo. Các cơ quan của cấp ủy đảng, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ được sắp xếp đồng bộ trên địa bàn cấp xã sau sáp nhập. Qua đó, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao chất lượng bộ máy mới, đồng thời giải quyết chính sách đối với những người bị ảnh hưởng bởi việc tinh gọn. Sáu điểm đổi mới nêu trên thể hiện tính hệ thống, toàn diện, đồng bộ của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và là điều kiện bảo đảm sự thành công, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Nhân dân ta hiểu rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính không đồng nghĩa với mất quê hương. Làng xóm, đất đai, truyền thống, đặc sản vẫn còn đó. Không những không mất đi mà còn được quảng bá rộng rãi hơn, tạo điều kiện để các giá trị văn hóa địa phương vươn xa.
Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ thành công. Từ đó, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, hiệu lực vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
LÊ QUÝ HOÀNG