Cuộc cải tổ kinh tế của Tổng thống Argentina

Cuộc cải tổ kinh tế của Tổng thống Argentina
4 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Argentina Javier Milei - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Argentina Javier Milei bắt đầu mở tung cánh cửa nền kinh tế đã nhiều năm đi theo con đường chủ nghĩa bảo hộ của Argentina, bằng cách mạnh tay hạ thuế quan nhằm kéo giá cả xuống ở mọi loại hàng hóa, từ nồi chiên không dầu cho tới thiết bị điện tử. Nỗ lực cải tổ của ông Milei nhận được những ý kiến trái chiều, dù đã mang tới những tín hiệu tích cực ở quốc gia Nam Mỹ này.
Theo tờ báo Financial Times, người dân Argentina gần đây bắt đầu làm một việc mà từ trước đến nay họ chưa từng làm là đặt mua hàng hóa từ trang thương mại điện tử Amazon của Mỹ. Các siêu thị ở nước này bắt đầu xếp lên kệ những mặt hàng mới như bột giặt Tide và cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ Ecuador.
Những chuyển biến mới này diễn ra khi ông Milei - nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do - xóa bỏ một mạng lưới các loại thuế quan và quy định hành chính từng khiến việc nhập khẩu nhiều mặt hàng vào Argentina cho tới gần đây gần như là điều không thể.
Theo niêm yết giá của các nhà bán lẻ trực tuyến, một chiếc nồi chiên không dầu hiệu Black & Decker có giá 100 USD ở Mỹ được bán với giá 289 USD ở Argentina. Một chiếc váy lụa Zara có giá 25 USD ở Mỹ được bán với giá 67 USD ở Argentina. Một chiếc iPhone 15 đang được bán hạ giá 799 USD ở Mỹ có giá 2.800 USD ở Argentina. Trong khi đó, tiền lương bình quân của người Argentina chỉ bằng 1/4 so với mức lương của người Mỹ.
Từ lâu, người Argentina phàn nàn rằng ngay cả các sản phẩm điện tử, quần áo và hàng hóa khác sản xuất trong nước - nơi các nhà sản xuất được bảo vệ khỏi cạnh tranh, đồng thời phải chịu gánh nặng thuế khóa lớn - đều có giá quá cao.
“Cái gì cũng đắt đỏ… và sự khác biệt về chất lượng thực sự rõ ràng. Tôi ủng hộ ngành sản xuất của Argentina, nhưng không phải bằng bất kỳ giá nào”, ông Matias, một công chức ở Buenos Aires chia sẻ với phóng viên Financial Times.
HẠ THUẾ QUAN
Nhằm mục đích kéo giá tiêu dùng xuống và đẩy nhanh tiến trình giảm lạm phát của Argentina từ mức ba con số hàng năm, Chính phủ của ông Milei đã cắt giảm mạnh thuế quan đối với hàng chục sản phẩm, từ kem trị mụn trứng cá cho tới hũ đựng di cốt người quá cố.
Chính phủ cũng xóa bỏ những thủ tục hành chính phức tạp tại cơ quan hải quan, bao gồm một quy định trong đó các nhà sản xuất địa phương có quyền phê chuẩn việc nhập khẩu một số sản phẩm từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Ngoài ra, giá trị hàng hóa sử dụng cá nhân mà người dân Argentina được mua từ nước ngoài hàng năm tăng gấp hơn 3 lần lên 3.000 USD/người, trong đó 400 USD đầu tiên được miễn thuế quan. Từ tháng 11/2024, Amazon bắt đầu cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí một số sản phẩm từ gian hàng của hãng ở Mỹ tới Argentina.
“Chúng tôi đang tiến hành hạ thuế quan, vốn là công cụ hậu thuẫn cho việc thay thế hàng hóa nhập khẩu bằng hàng sản xuất trong nước. Thuế quan đã giống như một sự trừng phạt đối với toàn thể xã hội vì khiến mọi người phải mua hàng hóa, dịch vụ có chất lượng kém hơn ở mức giá cao hơn và chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người hưởng đặc quyền”, ông Milei phát biểu tại một sự kiện của giới doanh nghiệp Argentina hồi tháng 10/2024.
Ngày 22/12/2024, Chính phủ Argentina ngừng việc áp thuế quan phủ khắp 7,5% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và 30% đối với việc người dân mua hàng hóa ở nước ngoài bằng thẻ. Động thái này đưa Argentina theo một hướng đi ngược lại với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong những năm gần đây, các nước châu Âu và Mỹ đã dựng lên những hàng rào thương mại mới để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khỏi hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và một số nước khác.
MỐI LO CỦA NHÀ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC
Các công ty sản xuất của Argentina đã cảnh báo về sự xuất hiện của một làn sóng hàng hóa nhập khẩu có thể làm chao đảo lĩnh vực sản xuất đang sử dụng khoảng 1/5 tổng số lao động ở Argentina và vốn dĩ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên. Hoạt động sản xuất của Argentina giảm 13,7% trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.
“Nhập khẩu tăng, nhu cầu giảm và chi phí của chúng tôi tăng lên”, Giám đốc Pablo Yeramian của Công ty dệt may Norfabril phàn nàn “Công ty đã phải sa thải 15% trong số 280 công nhân. “Chúng tôi đang cố gắng cầm cự, nhưng chắc là sẽ phải sa thải thêm”, ông Yeramian cho biết.
Một số công ty cho rằng chính quyền Milei chưa giải quyết được vấn đề thuế cao và thị trường lao động cứng nhắc - những yếu tố khiến cho Argentina có một trong những môi trường kinh doanh đắt đỏ nhất ở khu vực Mỹ Latinh.
“Họ muốn xóa bỏ trở ngại cho các công ty nước ngoài, nhưng họ lại không dỡ bỏ các rào cản đối với tôi. Chúng tôi đang ở trong một sân chơi không bình đẳng”, ông Yeramian phát biểu.
“CON LẮC” KINH TẾ
Các cải cách của ông Milei là một cuộc thay đổi lớn nữa theo kiểu dao động con lắc của nền kinh tế Argentina. Các chính phủ tiền nhiệm của phong trào Peronist khuynh tả thân công đoàn đã thực thi mạnh chính sách thuế quan và trợ cấp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Trước đó, các chính phủ cánh hữu ở nước này vào thập niên 1970 và 1990 xóa bỏ các hạn chế, dẫn tới một làn sóng đóng cửa các cơ sở công nghiệp ở nước này.
Tổng thống Milei cho biết ông muốn giải phóng các lực lượng thị trường để định hướng lại nền kinh tế Argentina theo hướng những lĩnh vực ngành nghề mà nước này có lợi thế cạnh tranh gồm nông nghiệp, khai quặng, năng lượng và công nghệ. Gộp chung, các lĩnh vực này hiện chỉ đang sử dụng 12% lao động ở Argentina.
Cựu Tổng thống Cristina Ferrnandez de Kirchner của Argentina, thủ lĩnh của đảng Peronist (chính đảng lớn nhất của Argentina) hồi tháng 11/2024 đã chia sẻ: “Ông Milei muốn đưa chúng ta trở lại thành một thuộc địa đơn giản khai thác nguyên vật liệu thô”.
Dưới thời cựu Tổng thống Alberto Fernandez, người tiền nhiệm của ông Milei và là một nhân vật của đảng Peronis, nền kinh tế Argentina trở nên đóng kín hơn so với những thập kỷ trước đó. Ông Fernandez đã tìm cách bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối eo hẹp của quốc gia bằng cách hạn chế khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán cho các nhà cung ứng hàng hóa nhập khẩu và các hạn chế này đã gây ra những gián đoạn nghiêm trọng đối với cả các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước, dẫn tới khan hiếm nhiều hàng hóa như lốp xe.
“Cách duy nhất để nhập khẩu một mặt hàng gì đó là quen biết một ai đó trong chính phủ để nhờ họ giúp mình không phải chờ đợi trong hàng dài”, CEO Ricardo Martinoglio của chuỗi bán lẻ thiết bị Lusqtoff nhớ lại.
Chính phủ Milei đã giải quyết vấn đề này trong năm 2024, xóa bỏ tình trạng chờ đợi kéo dài đối với việc thanh toán và tạo ra một loại trái phiếu USD để giúp các công ty thanh toán các khoản nợ mà họ nợ bên cung ứng.
Ông Martinoglio cho biết giờ đây việc Chính phủ giảm thuế quan sẽ cho phép ông ngừng tăng giá bán sản phẩm, cho dù tốc độ lạm phát hàng tháng ở Argentina vẫn cao 2,4%.
“Máy khoan tôi bán sẽ không tăng giá trong 2 tháng, trong khi tiền lương vẫn tăng”, ông Martinoglio, đề cập đến việc giới chủ sử dụng lao động ở Argentina thường xuyên điều chỉnh tăng lương cho phù hợp với lạm phát.
Ông Manuel Sanchez Gomez, Giám đốc Công ty bán lẻ điện tử lớn nhất Argentina Frávega, cho biết việc ông Milei mở cửa lại nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp triển vọng kinh doanh cải thiện nhiều. “Khung thời gian của kế hoạch kinh doanh tại công ty chúng tôi đã tăng từ khoảng 2 tháng lên 3 năm”, ông Gomez cho biết.
Ông Miguel Guerendiain, chủ một cơ sở kinh doanh gia đình về mặt hàng quần áo, cho biết ông lo ngại những thay đổi này diễn ra quá nhanh. “Mới một năm trước, chúng tôi không thể mua được khóa kéo vì có quá nhiều vấn đề. Để đi từ đó đến một nền kinh tế hoàn toàn mở sẽ là một sai lầm”.
Ông Guerendiain cho biết thuế chiếm 40% giá bán sản phẩm mà cơ sở kinh doanh của ông sản xuất ra, lập luận rằng mức thuế quan 35% hiện tại đối với quần áo là cần thiết để tạo ra một sân chơi bình đẳng. Hiện chưa rõ Argentina có giảm thuế quan đối với quần áo nhập khẩu hay không.
Nhà kinh tế Julio Rodriguez Rabellini của Phòng Thương mại Argentina, cho biết vai trò của ngành sản xuất trong nền kinh tế “có thể sẽ giảm” dưới thời Tổng thống Milei. Tuy nhiên, ông cho biết Chính phủ đang triển khai các cải cách “khá cẩn thận” và lưu ý rằng Chính phủ chỉ giảm chứ không xóa bỏ thuế quan.
Dư địa hành động của ông Milei bị hạn chế bởi tư cách thành viên của Argentina trong Khối thương mại Nam Mỹ Mercosur với quy định áp dụng mức thuế quan chung lên tới 20% đối với hàng hóa bên ngoài khối và chỉ cho phép các quốc gia thành viên được miễn trừ một số ít trường hợp. Tại hội nghị thượng đỉnh của Khối vào tháng 11, ông Milei gọi Mercosur là một “nhà tù”.
Một quan chức trong Ban thư ký Công nghiệp và Thương mại Argentina cho biết Chính phủ sẽ chỉ cắt giảm thuế nội địa nếu việc cắt giảm đó “không phá vỡ cân bằng tài khóa” - điều vốn giữ vai trò là xương sống trong chương trình cải cách kinh tế của ông Milei. Vị này cho biết thêm rằng một số loại thuế đối với các nhà sản xuất là thuế của các tỉnh đặt ra.
RỦI RO TỶ GIÁ VÀ LẠM PHÁT
Ông Marcelo Figueiras, Chủ tịch Công ty sản xuất thuốc Richmond Laboratories của Argentina cho biết Milei đã “làm tốt” để ổn định nền kinh tế đất nước trong năm qua, nhưng vẫn chưa đưa ra được một “chiến lược rõ ràng” cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
“Tôi không mong đợi trợ cấp hoặc các lợi ích khác, nhưng đang xảy ra một tình trạng kiểu như bán phá giá. Có rất nhiều công ty có khả năng cạnh tranh đã sống sót qua được những đợt dao động của nền kinh tế Argentina, nhưng Chính phủ bây giờ nên đưa ra các quy định rõ ràng, hợp lý để ngăn chặn sự dao động tiếp diễn và để tất cả chúng ta phát triển”, ông Figueiras cho biết.
Khi cử tri Argentina đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 10/2023, tốc độ lạm phát hàng tháng ở nước này là khoảng 8%. Lạm phát cao khiến cử tri bất mãn với các chính đảng lâu năm và lo lắng về tương lai, đây là một vấn đề mà ông Milei khai thác triệt để nhằm đi tới chiến thắng. Sau khi ông Milei đắc cử, lạm phát hàng tháng ở Argentina tăng vọt lên 25%, rồi giảm dần về dưới ngưỡng 3% vào cuối năm 2024.
Dù đã có một số cải thiện trong nền kinh tế, Tổng thống Milei đang đối mặt với một thách thức là khoản vay 44 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã gần cạn, khiến Chính phủ của ông phải tìm kiếm các nguồn quỹ bổ sung để nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát tiền tệ mà không dẫn tới việc đồng nội tệ peso bị bán tháo. Nếu đồng peso bị bán ồ ạt, lạm phát ở Argentina có thể bùng phát trở lại, đẩy tỷ lệ ủng hộ ông Milei giảm xuống thấp.
Dù hoan nghênh nỗ lực giảm chi tiêu và đơn giản hóa bộ máy nhà nước của ông Milei, IMF vẫn lo ngại về việc ông sử dụng nguồn vốn vay USD để hỗ trợ tỷ giá peso - chiến thuật mà Argentina từng sử dụng trước đây. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2018, Argentina đã phụ thuộc vào các gói giải cứu của IMF và tiền vay từ Trung Quốc, trở thành nước nhận lượng vốn vay thương mại lớn nhất từ Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh.
An Huy
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/cuoc-cai-to-kinh-te-cua-tong-thong-argentina.htm