Cuộc cạnh tranh đảm bảo nguồn cung đất hiếm và khoáng sản chiến lược. Ảnh: TL
Áp lực lên chuỗi cung ứng vẫn chưa lắng dịu
Hồi giữa tháng 6-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng công bố về một thỏa thuận khung với Trung Quốc. Theo đó Bắc Kinh đồng ý cung cấp “đầy đủ nam châm và bất kỳ đất hiếm cần thiết nào” cho Mỹ, đổi lại Washington sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ và hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung Quốc.
Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng tích cực ban đầu, các diễn biến gần đây phản ánh bức tranh phức tạp hơn nhiều. Gần hai tuần kể từ khi nội dung thỏa thuận được công bố, nhiều công ty Mỹ vẫn đang chờ Trung Quốc chấp thuận giấy phép xuất khẩu đất hiếm. Sự chậm trễ khiến một loạt lĩnh vực công nghiệp của Mỹ đối mặt với khó khăn.
Trước đó, các dữ liệu mới công bố cho thấy tổng lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 23% so với tháng 4, đạt mức cao nhất trong một năm là 5.864,6 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu nam châm đất hiếm - thành phần quan trọng trong nhiều ứng dụng công nghệ cao, lại giảm gần 53% so với tháng 4 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020. Đặc biệt, lượng xuất khẩu cho thị trường Mỹ giảm tới 80%.
Sự sụt giảm mạnh này là hệ quả trực tiếp từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Trung Quốc áp đặt vào tháng 4-2025 đối với bảy loại đất hiếm quan trọng trong sản xuất nam châm hiệu suất cao dùng cho xe điện, tuabine gió và các ứng dụng quốc phòng, nhằm đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ.
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu đã khiến nhiều nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở Mỹ và châu Âu buộc phải ngừng sản xuất, trong khi các công ty bán dẫn cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Bởi lẽ, Trung Quốc hiện gần như độc quyền trong lĩnh vực này, thống trị toàn bộ chuỗi cung ứng từ khai thác đất hiếm đến chế biến và sản xuất nam châm vĩnh cửu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), với lợi thế về công nghệ, tài nguyên và chi phí hợp lý, quốc gia châu Á này hiện chiếm khoảng 61% sản lượng khai thác đất hiếm và 92% sản lượng tinh chế toàn cầu.
Trước những lo ngại về chuỗi cung ứng, Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ “tiếp tục tăng cường việc xem xét và phê duyệt” các đơn xin giấy phép xuất khẩu, đồng thời “sẵn sàng tăng cường giao tiếp và đối thoại” về kiểm soát xuất khẩu.
Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành cho biết giới chức hải quan Trung Quốc đã trở nên thận trọng hơn trong việc xử lý các lô hàng đất hiếm, đặc biệt là đối với nam châm đất hiếm.
Phương Tây đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo nguồn cung và giảm phụ thuộc
Để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các nước phương Tây đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm đa dạng hóa nguồn cung. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Canada, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc hợp tác cùng nhau để nhanh chóng phát triển các chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược toàn cầu.
Kế hoạch tập trung vào việc dự đoán tình trạng thiếu hụt nguồn cung, phối hợp ứng phó với các gián đoạn thị trường có chủ đích, và đa dạng hóa cũng như đưa hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất và tái chế về các nước thành viên. Các nước cũng sẽ tăng cường tài chính cho các mỏ khai thác, cơ sở chế biến và cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển thân thiện, bằng nguồn vốn từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu và các tổ chức đa phương.
Liên minh châu Âu (EU) trước đó đã công bố danh sách 47 dự án chiến lược nhằm tăng cường khai thác, chế biến và tái chế nội khối đối với 14 trong số 17 nguyên liệu mà EU coi là thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng và an ninh. Các dự án này là một bước quan trọng trong việc thực hiện Đạo luật Nguyên liệu thô thiết yếu (CRMA), đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ khai thác 10% lượng tiêu thụ hàng năm của EU, chế biến 40% và tái chế 25% các nguyên liệu thiết yếu này. Trong số 47 dự án, có 25 dự án liên quan đến khai thác, 24 dự án tập trung vào chế biến và 10 dự án dành cho tái chế, trong đó, một số dự án bao gồm nhiều chức năng.
Trước đó, Nhật Bản, quốc gia từng bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào năm 2010 do vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để giảm sự phụ thuộc. Tokyo đã đặt mục tiêu đảm bảo ít nhất 60% nhu cầu đất hiếm từ các nguồn ngoài Trung Quốc trong vòng bốn năm, thông qua các thỏa thuận với Ấn Độ và tài trợ cho một mỏ đất hiếm ở Úc cùng nhà máy chế biến ở Malaysia do Lynas Corp của Úc xây dựng. Nhờ những nỗ lực này, sự phụ thuộc tổng thể của Nhật Bản vào đất hiếm Trung Quốc đã giảm từ mức hơn 90% tại thời điểm xảy ra sự cố vào năm 2010 xuống còn dưới 60%.
Tại Mỹ, Quỹ Đầu tư Chính phủ đã cấp 5,1 triệu đô la cho REEcycle nhằm trích xuất nguyên tố hiếm từ phế liệu, đồng thời chấp thuận dự án khai mỏ Dateline Resources ở California để thúc đẩy sản xuất đất hiếm trong nước. Công ty Mỹ Niron Magnetics cũng đang thử nghiệm quy trình biến hạt nano sắt thành nitride sắt để sản xuất nam châm có độ bền cao.
Nhiều kỳ vọng cũng được đặt vào mỏ Mountain Pass ở California - nơi từng đóng góp gần như toàn bộ sản lượng europium và hơn 90% tổng sản lượng đất hiếm toàn cầu trong giai đoạn 1950-1980, trước khi phải đóng cửa vào năm 2002. Công ty MP Materials, chủ sở hữu mỏ, đang nỗ lực khôi phục khả năng chế biến để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng, với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các nguồn cung thay thế tiềm năng
Thế giới đang để mắt tới các nước ngoài Trung Quốc để xây dựng nguồn cung chiến lược. Brazil sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới và đã khởi động dự án khai thác nổi bật của Serra Verde Group tại mỏ đất sét, có khả năng sản xuất dysprosium và terbium - hai nguyên tố hiếm và đặc biệt khó tách chiết. Dự án này không chỉ khai thác quặng mà còn xây dựng quy trình sơ chế ban đầu để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở tinh chế ở nước ngoài hoặc liên doanh trong tương lai.
Úc từ lâu đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế nhờ mỏ Mount Weld, hiện do Lynas Rare Earths vận hành, và là một trong số ít nguồn quặng hiếm khai thác ngoài Trung Quốc. Mới đây, nhà máy tinh chế Kuantan tại Malaysia của Lynas đã sản xuất lô dysprosium đầu tiên và dự kiến ra mắt lô terbium trong thời gian tới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tách chiết nguyên tố nặng phía ngoài Trung Quốc.
Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về trữ lượng đất hiếm với khoảng 6,9 triệu tấn, trong đó khoáng sản bờ biển chiếm gần 35% trữ lượng toàn cầu. Chính phủ đã chỉ đạo công ty India Rare Earths Limited (IREL) tạm dừng xuất khẩu để ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng trong nước và phê duyệt kế hoạch sản xuất 450 tấn neodymium tinh khiết vào năm 2026, với mục tiêu tăng gấp đôi công suất vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, IREL đang tìm kiếm đối tác chiến lược cho khâu tinh chế và sản xuất nam châm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho bốn mỏ mới ở các bang Odisha và Kerala.
Ảrập Saudi cũng đang tận dụng trữ lượng khoáng sản chiến lược thuộc tốp đầu khu vực Trung Đông để đa dạng hóa kinh tế. Maaden, công ty khai khoáng quốc gia của nước này, đã ký biên bản ghi nhớ với MP Materials (Mỹ) nhằm thiết lập chuỗi cung ứng đất hiếm từ khâu khai thác đến tinh chế trong nước.
Ngoài ra, một số địa điểm tiềm năng khác có thể kể đến Greenland - nơi chứa khoảng 18% trữ lượng đất hiếm toàn cầu nhưng đến nay chưa có mỏ nào hoạt động thương mại do điều kiện khí hậu và địa chất phức tạp. Một số quốc gia châu Phi như Nam Phi, Namibia, Uganda và Malawi cũng nằm trong tốp 10 quốc gia có dự án thăm dò đất hiếm hàng đầu thế giới, nhưng hiện mới chỉ dừng ở giai đoạn đánh giá trữ lượng.
Nhìn chung, mỗi lựa chọn thay thế đều có ưu thế riêng về trữ lượng hoặc vị trí địa - chính trị, nhưng đều phải đối mặt với rào cản về công nghệ, hạ tầng và rủi ro đầu tư dài hạn. Chỉ khi vượt qua được các thách thức đó, những lựa chọn này mới thực sự trở thành nguồn cung ổn định, thay thế đáng kể vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị đất hiếm và khoáng sản chiến lược toàn cầu.
Theo Time, Politico, Nikkei Asia, Asia Times, Bloomberg, CNBC, Reuters, SCMP, Euranet Plus, Oil Price, The Globe and Mail
Lạc Diệp