Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại khu nghỉ dưỡng ở Turnberry (Scotland), ngày 27/7/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Thời điểm cuối tháng 7 này, hàng chục nền kinh tế trên khắp thế giới đang đứng trước một cuộc chạy đua nước rút. Hạn chót ngày 1/8, được Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra, đang cận kề và các quốc gia đang dồn mọi nỗ lực để đạt được thỏa thuận thương mại với Washington, nhằm tránh kịch bản bị áp mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Đây là một trong những động thái quyết liệt của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, nhằm định hình lại các mối quan hệ thương mại của Mỹ với cả các đồng minh lẫn đối thủ. Chính sách này không chỉ áp dụng mức thuế "có đi có lại" mà còn nhắm vào từng quốc gia, từng lĩnh vực cụ thể, tạo ra một làn sóng căng thẳng thương mại chưa từng có.
Chính sách thuế quan "có đi có lại" được ông Trump áp dụng dựa trên các quyền hạn khẩn cấp gây tranh cãi về mặt pháp lý. Ngoài mức thuế cơ bản 10%, mức thuế đối ứng cũng được đưa ra đối với hàng chục nền kinh tế, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan, được công bố vào tháng 4 vừa qua và đã được gia hạn hai lần. Tuy nhiên, trước thời hạn ngày 1/8 năm nay, nhiều quốc gia có nguy cơ phải đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể. Chẳng hạn, Ấn Độ có thể phải chịu mức thuế 26%, trong khi Hàn Quốc có thể bị áp mức thuế 25% đối với hàng hóa xuất khẩu.
Đáng chú ý, một số quốc gia ban đầu không nằm trong danh sách chịu thuế "có đi có lại" cao hơn, như Brazil, cũng đã bị ông Trump nhắm tới với mức thuế đe dọa lên tới 50% đối với một số loại hàng hóa như ngũ cốc, cao hơn nhiều mức 10% được đưa ra hồi đầu tháng 4. Động thái gây bất ngờ, khi Brazil nằm trong số ít quốc gia mà Mỹ không bị thâm hụt thương mại, yếu tố ông Trump vốn dựa vào để xem xét mức thuế quan.
Động thái này được cho là có yếu tố chính trị khi ông Trump dường như muốn gây sức ép kinh tế, chính trị lên giới chức Brazil để bảo vệ đồng minh là cựu tổng thống Jair Bolsonaro.
Trong khi đó, một số nền kinh tế đã thành công đạt được thỏa thuận ban đầu với Washington để tránh mức thuế cao, bao gồm EU, Anh, Nhật Bản, Indonesia và Philippines. Cụ thể, EU đã đạt được thỏa thuận áp mức thuế 15%, giảm đáng kể so với mức 30% ban đầu mà ông Trump đe dọa.
Vấn đề thuế quan của Canada, Mexico và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Ngoài chính sách thuế quan toàn cầu, ông Trump cũng nhắm đến từng đối tác thương mại cụ thể. Với hai nước láng giềng Canada và Mexico, hàng hóa của họ đã phải chịu mức thuế 25% ngay sau khi ông Trump trở lại nắm quyền, với lý do nhập cư bất hợp pháp và buôn bán fentanyl. Trước thời hạn 1/8, mức thuế này được đe dọa tăng lên 35% đối với Canada và 30% đối với Mexico. Các sản phẩm thuộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (USMCA) được miễn trừ, ngoại trừ một số mặt hàng như năng lượng và kali của Canada vẫn phải chịu thuế.
Trung Quốc là một trong những mục tiêu đặc biệt của chính quyền Trump. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã lao vào một cuộc chiến thuế quan leo thang. Mức thuế "ba chữ số" đã từng được áp đặt, được mô tả như một lệnh cấm vận thương mại. Sau các cuộc đàm phán cấp cao, Washington đã tạm thời giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuống 30%, còn Bắc Kinh giảm xuống 10%. Tuy nhiên, lệnh tạm dừng này sẽ hết hạn vào ngày 12/8, và các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Tại vòng đàm phán thương mại diễn ra ở Stockholm (Thụy Điển) bắt đầu từ ngày 28/7, Trung Quốc và Mỹ được cho là sẽ gia hạn thỏa thuận tạm dừng áp thuế thêm 90 ngày. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai bên, trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết.
Động thái nhắm vào từng lĩnh vực và thách thức pháp lý
Chính sách thuế của ông Trump không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia mà còn đi sâu vào từng lĩnh vực kinh doanh. Chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, sau đó tăng gấp đôi lên 50%. Các mặt hàng như đồng, ô tô và phụ tùng ô tô cũng nằm trong tầm ngắm. Từ ngày 1/8, kế hoạch áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu và 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ được tiến hành.
Những quyết định áp thuế dựa trên quyền khẩn cấp này đang phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý. Một phán quyết của Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ vào tháng 5 vừa qua cho rằng tổng thống đã vượt quá thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, một tòa phúc thẩm liên bang đã cho phép các mức thuế này được duy trì trong khi vụ việc tiếp tục được xem xét. Nếu cuối cùng những mức thuế quan này bị phán quyết là bất hợp pháp, các công ty có thể yêu cầu hoàn tiền, tạo ra một hệ lụy pháp lý và kinh tế lớn.
Trong bối cảnh áp lực đè nặng, các nền kinh tế đang gấp rút đàm phán. Hàn Quốc đang trong "giai đoạn đàm phán cuối cùng và quan trọng nhất" để tránh mức thuế 25%, thậm chí cân nhắc đề xuất khoản đầu tư hơn 100 tỷ USD từ các tập đoàn lớn. Ấn Độ, dù Bộ trưởng Thương mại nước này tỏ ra lạc quan về việc đạt được thỏa thuận, nhưng truyền thông địa phương lại cho rằng triển vọng này đang mờ nhạt. Đài Loan cũng đang "nỗ lực" đàm phán, với nhóm đàm phán "làm việc gần như 24 giờ một ngày" để bảo vệ lợi ích của mình.
Cuộc chạy đua thương mại của các quốc gia đang đến hồi gay cấn. Liệu những thỏa thuận vào phút chót có thể cứu vãn tình hình, hay nhiều nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một cơn bão thuế quan mới từ Washington? Thời hạn 1/8 sẽ là câu trả lời.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo AFP/france24.com)