Cuộc chiến 12 ngày Israel - Iran mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh tâm lý

Cuộc chiến 12 ngày Israel - Iran mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh tâm lý
8 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh AI tạo ra được đăng tải trên Instagram của ông Mehdi Mohammadi - cố vấn chiến lược của Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad-Bagher Ghalibaf - mô phỏng hai đám mây hình nấm khổng lồ bốc lên từ lãnh thổ Israel. Ảnh chụp màn hình
Trong cuộc chiến giữa Israel và Iran hồi tháng trước, hai quốc gia này đã biến mạng xã hội thành một chiến trường số, sử dụng các thủ đoạn thông tin giả thông qua công nghệ nhằm định hình kết quả xung đột.
Theo tờ New York Times, chỉ vài giờ trước khi lực lượng Israel ném bom nhà tù Evin ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 23/6, các bài đăng bằng tiếng Ba Tư đã xuất hiện trên mạng xã hội, báo trước cuộc tấn công và kêu gọi người dân Iran đến giải cứu các tù nhân.
Ngay sau khi các quả bom dội xuống, một đoạn video xuất hiện trên X và Telegram, được cho là ghi lại cảnh nổ ở một lối vào nhà tù - nơi nổi tiếng với việc giam giữ các tù nhân chính trị. Một bài đăng trên mạng X còn kèm theo hashtag bằng tiếng Ba Tư có nghĩa là “#freeevin” (giải phóng Evin).
Cuộc tấn công vào nhà tù là có thật, nhưng các bài đăng và đoạn video thì không như những gì chúng thể hiện. Theo các nhà nghiên cứu theo dõi chiến dịch này, đây là một phần của mưu kế do Israel dàn dựng.
Đây không phải là chiêu trò duy nhất trong cuộc xung đột. Trong suốt 12 ngày giao tranh, Israel và Iran đã biến mạng xã hội thành chiến trường số, dùng thủ đoạn và thông tin giả nhằm tác động tới kết quả, ngay cả khi họ liên tục bắn tên lửa vào nhau, khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm chấn động vùng Trung Đông vốn đã đầy bất ổn.
Theo các nhà nghiên cứu, những bài đăng này thể hiện mức độ cao hơn của cuộc chiến thông tin, nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Chiến tranh thông tin - còn được gọi là chiến dịch tâm lý - xưa nay vẫn là một phần của chiến tranh. Nhưng các chuyên gia cho rằng cuộc đối đầu giữa Israel và Iran lần này dữ dội và có mục tiêu rõ ràng hơn bất kỳ điều gì từng thấy trước đó, và được hàng triệu người chứng kiến khi đang lướt điện thoại tìm tin tức, trong khi bom đạn vẫn nổ rền.
Nguyên nhân là vì công nghệ hiện nay - sự phổ biến của mạng xã hội và sự xuất hiện của AI tạo sinh (generative AI) - đã làm thay đổi hoàn toàn khả năng phản ứng của các quốc gia, cho phép họ trực tiếp truyền tải thông điệp đến người dân và cộng đồng quốc tế trong thời gian thực, với mức độ thuyết phục chưa từng có.
Các đoạn video bằng tiếng Ba Tư, với người dẫn chương trình là một phụ nữ do AI tạo ra, được cho là do Israel tung ra như một phần trong âm mưu làm suy giảm niềm tin vào chính phủ Iran. Người dẫn chương trình này đã đưa ra những thông tin sai lệch, miêu tả tình hình ở Tehran vẫn bình thường, với người dân sinh hoạt như thường lệ. Trên thực tế, thành phố vào thời điểm đó phần lớn đã được sơ tán.
“Đây rõ ràng là một kỷ nguyên mới của chiến tranh ảnh hưởng”, James J.F. Forest, giáo sư nghiên cứu an ninh tại Đại học Massachusetts Lowell, nhận định. “Chưa từng có tiền lệ nào trong lịch sử cho thấy ta có thể mở rộng quy mô tuyên truyền như thế này".
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến chiến dịch tâm lý. Một quan chức trong phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc ở New York cũng không đưa ra bình luận.
Làn sóng tuyên truyền và đánh lừa dư luận này là lời cảnh báo sớm cho những gì Mỹ hoặc các quốc gia khác gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt nếu chiến tranh nổ ra. Khi cựu Tổng thống Trump ra lệnh tấn công các cơ sở hạt nhân được chôn sâu của Iran, nhiều hình ảnh giả mạo cho thấy máy bay ném bom tàng hình B-2 bị phá hủy đã lan truyền trên mạng.
Một số người đặt câu hỏi liệu Mỹ đã sẵn sàng đối phó hay chưa, đặc biệt khi chính quyền ông Trump từng cắt giảm các chương trình chống lại chiến dịch ảnh hưởng từ nước ngoài. Chiến lược quân sự của Mỹ có bao gồm hoạt động thông tin nhưng các hoạt động này thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ thứ yếu.
“Tôi nghĩ phần lớn mọi người sẽ thừa nhận rằng quân đội chúng ta chưa được chuẩn bị để đối phó với kiểu chiến tranh thông tin hoặc chiến tranh tâm lý có thể sẽ trở thành xu hướng chính trong thế kỷ này”, ông David Millar, cựu sĩ quan tình báo và gần đây là giảng viên tại Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu.
Ảnh cắt từ video giả về nhà tù Evin ở thủ đô Tehran bị Israel đánh bom, kêu gọi người dân tới giải phóng tù nhân, trong khi trên thực tế địa điểm này chưa bị tấn công.
Một bức ảnh giả từ nguồn Iran, trong đó viết sai tên Cơ quan tình báo quốc gia của Israel (Mossad).
Cả Israel và Iran đều cố gắng định hình dư luận cả trong nước lẫn quốc tế, nhưng giờ đây họ còn có khả năng tích hợp các công cụ trí tuệ nhân tạo phổ biến rộng rãi vào chiến dịch của mình.
“Nếu bạn nhìn lại giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Ukraine, ta thấy các chiến dịch tin giả vẫn còn khá sơ khai nếu so với những gì ta thấy trong những ngày đầu của cuộc xung đột ở Gaza và không là gì nếu so với những gì chúng ta chứng kiến ở Iran”, Hany Farid, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết.
Cả hai phía trong cuộc xung đột đã tung ra tràn ngập internet những bức ảnh và video bị chỉnh sửa hoặc dựng mới, nhằm làm suy sụp tinh thần và bôi xấu đối phương.
Nội dung này bao gồm hình ảnh từ các cuộc xung đột trước đây và những sản phẩm giả mạo rõ ràng liên quan đến lãnh tụ tối cao Iran và thủ tướng Israel. Một số sản phẩm tinh vi hơn, như video về nhà tù Evin, thậm chí ban đầu còn được một số cơ quan truyền thông - bao gồm cả The New York Times - đưa tin như thể thật.
Giáo sư Farid đã so sánh chiến tranh thông tin ngày nay với các hoạt động trong Thế chiến II, khi các quốc gia tham chiến phát thông điệp qua truyền đơn thả từ máy bay hoặc qua đài phát thanh.
“Với đài phát thanh, bạn chỉ có một thông điệp và bạn phát ra”, ông nói. “Còn giờ đây, bạn có một triệu thông điệp gửi đến một triệu người. Rõ ràng, đó là một điều hoàn toàn khác biệt.”
Tác động của chiến tranh thông tin trong cuộc xung đột hiện nay rất khó đo lường một cách chắc chắn. Người dân thường đoàn kết quanh lãnh đạo của họ khi chiến tranh nổ ra, và họ có xu hướng nhìn nhận các hình thức tuyên truyền rõ ràng với sự hoài nghi hoặc mỉa mai. Ngay cả khi chiến tranh tâm lý không làm thay đổi kết cục của một cuộc xung đột, các nhà phân tích cho rằng nó vẫn có thể định hình cách công chúng nhìn nhận về cuộc chiến đó.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo NYT)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-chien-12-ngay-israel-iran-mo-ra-ky-nguyen-moi-cua-chien-tranh-tam-ly-20250715192153725.htm