CEO của Nvidia , ông Jensen Huang đã có mặt tại Trung Quốc vào ngày 17/4 để trấn an những người chủ nhà về cam kết từ công ty chip của ông đối với lĩnh vực AI của Trung Quốc. Ảnh: X
Theo trang Asia Times, hai ngày sau khi chính quyền Tổng thống Trump hạn chế doanh số bán hàng của Nvidia cho Trung Quốc, CEO của “người khổng lồ chip” này, ông Jensen Huang đã có mặt tại Bắc Kinh vào ngày 17/4 để cứu vãn thị trường mà ông coi là rất quan trọng.
Ông Huang đã được Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tiếp đón tại Đại lễ đường Nhân dân, và cũng đã gặp Nhâm Hồng Bân, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) và Lương Văn Phong, nhà sáng lập kiêm CEO của DeepSeek.
Ông Nhâm Hồng Bân cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh nhiều công ty Mỹ hơn, bao gồm cả Nvidia, tăng cường sự hiện diện tại thị trường Trung Quốc và tận dụng thế mạnh của họ tại đây để giành lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu".
Đáp lại, ông Huang nói: "Chúng tôi mong muốn tăng cường sự hiện diện của mình tại Trung Quốc và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ địa phương".
Truyền thông Trung Quốc cũng trích dẫn lời ông Huang nói rằng: "Nvidia sẽ tiếp tục nỗ lực tối ưu hóa dòng sản phẩm của mình theo các yêu cầu của quy định và sẽ kiên định phục vụ thị trường Trung Quốc".
Trong một cuộc họp với Lương Văn Phong, ông Jensen Huang được cho là đã nói về cách Nvidia có thể cung cấp cho DeepSeek các bộ xử lý AI đáp ứng cả nhu cầu của công ty và các quy định. Nhưng đây không phải là những cuộc họp bình thường. Công ty hiện đang ở trung tâm của các tranh chấp thương mại và công nghệ ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuần biến động với Nvidia
Đó là một tuần đầy biến động đối với Nvidia. Vào tối ngày 15/4, Nvidia thông báo rằng việc xuất khẩu bộ xử lý AI H20 và các thiết bị tương tự sang Trung Quốc và một số quốc gia “đáng quan ngại” hiện sẽ cần có giấy phép từ chính phủ Mỹ - một quy định nhằm “giải quyết rủi ro các sản phẩm này có thể được sử dụng trong, hoặc chuyển hướng đến, các siêu máy tính ở Trung Quốc.”
Trong phiên giao dịch ngoài giờ, giá cổ phiếu của Nvidia đã giảm 6,3%, xuống còn 105,10 USD. Tính đến phiên đóng cửa ngày 17/4 (thị trường nghỉ lễ vào thứ Sáu, 18/4), cổ phiếu tiếp tục giảm xuống còn 101,42 USD, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay lên 26,7%.
Do khả năng được cấp phép gần như không có, Nvidia cho biết kết quả tài chính trong quý hiện tại (kết thúc vào ngày 27/4) “dự kiến sẽ bao gồm khoản chi phí lên tới khoảng 5,5 tỷ USD liên quan đến các sản phẩm H20, bao gồm tồn kho, cam kết mua hàng và các khoản dự phòng liên quan”.
Cổ phiếu của AMD, công ty có bộ tăng tốc AI MI308 nằm trong hạn chế mới, cũng giảm 7,1% trong giao dịch ngoài giờ vào 15/4 và kết thúc tuần giảm 27,5% kể từ đầu năm. AMD dự kiến sẽ công bố các khoản chi phí đặc biệt lên tới 800 triệu USD.
Bộ xử lý Gaudi 3 của Intel cũng bị ảnh hưởng. Vì lý do tương tự và các lý do khác, giá cổ phiếu của Intel đã giảm 27% trong tháng tính đến 17/4.
Đây là lần thứ ba kể từ tháng 10/2022, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã đặt ra mức trần cho hiệu suất của bộ xử lý AI có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc và sau đó, sau khi Nvidia, AMD và Intel thiết kế các phiên bản chip mới, kém hiệu quả hơn, BIS lại hạ mức trần xuống.
Cụ thể, tháng 10/2022: Chính quyền Tổng thống Biden đã chặn xuất khẩu GPU A100 và H100 của Nvidia, khi đó là bộ xử lý AI tiên tiến nhất của công ty; Tháng 11/2022: Nvidia ra mắt A800 đã được hạ cấp, đáp ứng các yêu cầu của BIS để bán tại Trung Quốc; Tháng 3/2023: Nvidia ra mắt H800, phiên bản hiệu suất thấp của H100; Tháng 11/2023: BIS chặn xuất khẩu GPU A800 và H800; Tháng 3/2024: Nvidia ra mắt H20, đáp ứng các yêu cầu mới, chặt chẽ hơn của BIS; Tháng 4/2025: Chính quyền Tổng thống Trump lại chặn xuất khẩu GPU H20.
Lý do cho chuỗi sự kiện này là, thứ nhất, nhu cầu của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ ngay cả khi hiệu suất của các chip có sẵn giảm, và thứ hai, khả năng AI của Trung Quốc tiếp tục phát triển bất chấp các hạn chế.
Ngoài việc tiết lộ sự kém cỏi trong phân tích và phản ứng của chính phủ Mỹ, chuỗi sự kiện trên còn chứng minh rằng, trong trường hợp chất bán dẫn, bất cứ thứ gì Trung Quốc muốn mua, Mỹ sẽ từ chối bán, trong khi vẫn phàn nàn về thâm hụt thương mại của mình với Trung Quốc.
Xây nhà máy tại Mỹ, Nvidia làm hài lòng Tổng thống Trump
Thành công đáng kinh ngạc của mô hình AI DeepSeek của Trung Quốc, được đào tạo bằng chip Nvidia H800, đã làm dấy lên một làn sóng lo ngại trong các chính trị gia Mỹ. DeepSeek đã xây dựng một chatbot rẻ hơn, cạnh tranh hơn với ít chip máy tính cao cấp hơn so với những gã khổng lồ của Mỹ như Google và OpenAI, điều đó cho thấy giới hạn của việc kiểm soát xuất khẩu chip.
Trong khi đó, một ủy ban đặc biệt của hạ viện Mỹ về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đã công bố một báo cáo gọi DeepSeek là "mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng đối với Mỹ".
Trong bối cảnh đó, vào ngày 14/4, Nvidia đã công bố kế hoạch sản xuất siêu máy tính và cơ sở hạ tầng AI khác trị giá tới 500 tỷ USD tại Mỹ trong 4 năm tới. Tổng giám đốc điều hành Huang cho biết: "Động cơ của cơ sở hạ tầng AI trên thế giới đang được xây dựng tại Mỹ lần đầu tiên. Việc bổ sung thêm hoạt động sản xuất tại Mỹ giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về chip AI và siêu máy tính, củng cố chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng phục hồi của chúng tôi".
Đó chính xác là điều Tổng thống Trump muốn nghe. "Đó là Hiệu ứng Trump đang diễn ra", một thông cáo báo chí từ Nhà Trắng cho biết.
Nvidia thiệt hại nặng khi bị chặn ở thị trường Trung Quốc
Việc xây dựng siêu máy tính AI tại Mỹ sẽ không hề rẻ và có thể mất nhiều thời gian hơn Nvidia hy vọng, nhưng với rất nhiều công ty hàng đầu tham gia, cuối cùng thì việc này cũng sẽ được thực hiện.
Vào cuối tháng 3, nhà sản xuất máy chủ Trung Quốc H3C đã báo cáo rằng họ đang thiếu bộ xử lý Nvidia H20, loại có vẻ như đã gần hết hàng tại Trung Quốc. Alibaba, Tencent, ByteDance và các khách hàng khác của Nvidia cũng sẽ bị ảnh hưởng, cho thấy các hạn chế mới của BIS có khả năng làm gián đoạn ngành điện toán AI của Trung Quốc như dự kiến.
Các hạn chế này cũng có thể khiến Nvidia mất tới 15 tỷ USD doanh thu hàng năm, chưa kể 5,5 tỷ USD chi phí đặc biệt dự kiến (như hàng tồn kho không thể bán do lệnh cấm, các sản phẩm liên quan không còn giá trị sử dụng...). Và khoản lỗ đó sẽ chuyển thành lợi nhuận cho các nhà thiết kế chip AI của Trung Quốc là Huawei và Cambricon, và H3C, công ty đang phát triển giải pháp riêng của mình.
DeepSeek hiện đang sử dụng bộ xử lý AI Ascend 910C mới của Huawei, giải pháp thay thế tiên tiến nhất của Trung Quốc cho Nvidia.
Còn Cambricon, được thành lập vào năm 2016, nhỏ hơn nhiều so với Huawei nhưng đã trở thành công ty được yêu thích trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, tăng khoảng 5 lần trong năm qua.
Thu Hằng/Báo Tin tức