Cuộc chiến căng thẳng trong 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Donald Trump

Cuộc chiến căng thẳng trong 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Donald Trump
7 giờ trướcBài gốc
Chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai hôm 20-1, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp.
130 sắc lệnh hành pháp
Đánh dấu tròn 100 ngày trở lại Nhà Trắng, tổng thống thứ 47 nước Mỹ đã ban hành hơn 130 sắc lệnh hành pháp, nhiều bản ghi nhớ, tuyên bố 8 trường hợp khẩn cấp quốc gia, công khai đối đầu với tòa án trong nhiều vụ việc…
130 sắc lệnh hành pháp trong 100 ngày là con số cao hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong 88 năm trở lại đây, theo đài ABC News.
Các chuyên gia pháp lý và hiến pháp cảnh báo điều này "chưa từng có tiền lệ", làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng hiến pháp, sự xói mòn nguyên tắc phân quyền và nền dân chủ Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã có 100 ngày lãnh đạo nước Mỹ ở nhiệm kỳ thứ hai. Ảnh: AP
"Tổng thống Donald Trump đang cố gắng điều hành chính phủ bằng sắc lệnh hành pháp " – ABC News dẫn nhận định từ giáo sư luật David Schultz, thêm rằng ông chủ Nhà Trắng đã bỏ qua vai trò của quốc hội Mỹ để tự thực hiện chương trình nghị sự.
"Đây là sự vượt quá thẩm quyền chưa từng có" – chuyên gia Elizabeth Goitein, giám đốc cấp cao của Chương trình Tự do và An ninh Quốc gia thuộc Trung tâm Brennan, nói với ABC News. Bà lưu ý rằng "sự phân chia quyền lực có lẽ là biện pháp bảo vệ quan trọng nhất để chống lại việc tổng thống trở thành vua".
Gần như mỗi ngày kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đều ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục. Ông cũng viện dẫn nhiều đạo luật khẩn cấp để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, sa thải nhân sự hàng loạt, đe dọa xóa bỏ Bộ Giáo dục, tìm cách xóa bỏ các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) trên toàn chính quyền liên bang.
Lãnh đạo Nhà Trắng cũng bị cáo buộc sử dụng quyền lực để trả thù đối thủ chính trị và xem nhẹ phán quyết tư pháp.
Đối đầu với tòa án
Phản ứng trước các hành động của Tổng thống Donald Trump thời gian qua không phải từ cơ quan lập pháp (quốc hội) mà đến từ tòa án.
Đảng Cộng hòa đang nắm đa số tại lưỡng viện Mỹ và họ dường như không muốn làm mất lòng Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích các thẩm phán ra phán quyết chống lại quyết định của ông là "cánh tả cấp tiến" và kêu gọi luận tội Thẩm phán James Boasberg.
Ông và Phó Tổng thống JD Vance đã công khai không tuân thủ các phán quyết của tòa án cấp dưới.
"Người cứu đất nước mình không vi phạm bất kỳ luật nào" – Tổng thống Donald Trump Trump viết trên trang cá nhân, dù sau đó nói rằng họ sẽ tuân thủ các quyết định từ Tòa án Tối cao.
Chánh án John Roberts đã đưa ra một tuyên bố hiếm hoi để phản bác lại lời lẽ ấy, mặc dù ông không nhắc đến tên Tổng thống Donald Trump.
Động thái leo thang lớn giữa chính quyền với tòa án là vào tuần trước, khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ Thẩm phán Hannah Dugan của TP Milwaukee bang Wisconsin.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt thậm chí để ngỏ khả năng Bộ Tư pháp sẽ có hành động nhiều hơn đối với các thẩm phán liên bang hoặc thậm chí là các thẩm phán Tòa án Tối cao nếu họ cản trở việc bắt giữ bất kỳ ai bị nghi ngờ nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ.
Các quyết định của Tổng thống Donald Trump được thúc đẩy bởi học thuyết pháp lý được những người bảo thủ ủng hộ rằng "Hiến pháp Mỹ trao cho tổng thống quyền kiểm soát gần như không thể chối cãi đối với chính quyền liên bang".
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng và bản thân Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định ông chỉ đang nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự mà người Mỹ đã bỏ phiếu vào tháng 11-2024.
Tổng thống Donald Trump quả quyết ông không cố gắng mở rộng quyền lực như chỉ trích. "Tôi không thấy mình đang vượt quá giới hạn nào cả. Tôi chỉ đang sử dụng đúng quyền hạn mà chức vụ tổng thống cho phép" - ông nói.
Hải Hưng
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/cuoc-chien-cang-thang-trong-100-ngay-cam-quyen-cua-tong-thong-donald-trump-196250430110609805.htm