Hàng loạt nhóm phiến quân với mục tiêu và chiến lược khác nhau đã lao vào cuộc chiến nhằm kiểm soát các vùng lãnh thổ chiến lược, trong khi sự can thiệp từ các cường quốc khu vực và quốc tế càng làm tình hình trở nên rối ren.
Nổi bật nhất trong số các lực lượng đối lập là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo từng là chi nhánh chính thức của al-Qaeda tại Syria, ban đầu mang tên Mặt trận Nusra. Nhóm này nhanh chóng trở thành một trong những thế lực mạnh nhất, tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn tại Damascus trong giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy. Năm 2016, lãnh đạo HTS - ông Ahmed al-Sharaa (hay Abu Mohammed al-Golani), tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda nhằm tránh các cuộc tấn công của Mỹ và Nga. Sự thay đổi chiến lược này giúp HTS củng cố quyền kiểm soát tại vùng Idlib, nơi họ thành lập chính quyền lâm thời mang tên "Chính phủ Cứu quốc Syria". Tuy nhiên, dù cố gắng xây dựng hình ảnh ôn hòa, nhóm này vẫn bị Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, khiến mục tiêu dài hạn của họ bị đặt nhiều nghi vấn.
Xem video ghi lại hoạt động của lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tại khu vực al-Rashideen. Nguồn: Reuters.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu kiềm chế sự trỗi dậy của lực lượng người Kurd, đã thành lập Quân đội Quốc gia Syria (SNA) từ các nhóm phiến quân nhỏ hơn. Không trực thuộc HTS nhưng SNA đã phối hợp chặt chẽ với nhóm này trong các chiến dịch gần đây. Được hỗ trợ trực tiếp về tài chính và quân sự, SNA duy trì quyền kiểm soát các khu vực chiến lược dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Gần đây, SNA cùng HTS tham gia vào các cuộc tấn công nhằm lật đổ các lực lượng trung thành với ông Assad và đối đầu với các đơn vị do người Kurd lãnh đạo ở phía đông bắc Syria.
Bên cạnh HTS và SNA, nhóm Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đóng vai trò không kém phần quan trọng trong cuộc xung đột. Dưới sự lãnh đạo của các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), SDF kiểm soát phần lớn khu vực phía đông sông Euphrates, bao gồm cả thành phố Raqqa và các mỏ dầu lớn. Được Mỹ và liên minh quốc tế hậu thuẫn, SDF không chỉ là rào cản lớn đối với các lực lượng trung thành với chính quyền cũ mà còn đối đầu quyết liệt với SNA và các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Những cuộc giao tranh ác liệt gần đây tại thành phố Manbij giữa SDF và SNA là minh chứng rõ nét cho sự phức tạp của cuộc xung đột.
Xem video ghi lại các loại xe của Quân đội Quốc gia Syria cùng xe bán tải trang bị súng phòng không di chuyển dọc theo khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Nguồn: Reuters.
Cuộc chiến quyền lực tại Syria không chỉ mang tính nội bộ mà còn là sự cạnh tranh lợi ích giữa các cường quốc. Thổ Nhĩ Kỳ với mối lo ngại về an ninh quốc gia, đã triển khai quân đội và vũ khí nhằm duy trì ảnh hưởng tại các vùng lãnh thổ do SNA kiểm soát. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ cho SDF, coi đây là đối tác quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực. Các lực lượng trung thành với ông Assad - được Nga và Iran hậu thuẫn - vẫn là một phần quan trọng trong ván cờ địa chính trị này khiến mọi tính toán trở nên phức tạp hơn.
Hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến Syria mà còn tác động sâu sắc tới toàn bộ khu vực Trung Đông. Cuộc xung đột kéo dài đã dẫn đến làn sóng di cư lớn và khiến hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, trong khi các nỗ lực tái thiết vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Việc các nhóm phiến quân không đạt được sự đồng thuận, cùng với sự can thiệp từ bên ngoài, khiến tình trạng hỗn loạn tiếp tục kéo dài.
Syria, từ một quốc gia giàu lịch sử và văn hóa trong lòng Trung Đông, giờ đây trở thành chiến trường khốc liệt của các cuộc đấu tranh quyền lực và lợi ích quốc tế. Với khoảng trống quyền lực chưa được định hình rõ ràng, đất nước này tiếp tục đối mặt với nguy cơ bất ổn kéo dài, nơi mỗi động thái nhỏ đều có thể kích hoạt những xung đột mới, làm trầm trọng thêm nỗi đau của người dân và gia tăng sự phức tạp trong bức tranh địa chính trị khu vực.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo Reuters, NYT, ABC)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-chien-lap-day-khoang-trong-quyen-luc-sau-khi-chinh-quyen-assad-sup-do-20241220151442243.htm