Theo WSJ, Apple đang có sự đối đầu với tỷ phú Elon Musk trong nỗ lực loại bỏ các "điểm mù" về sóng di động bằng công nghệ vệ tinh.
Cụ thể, nhà sản xuất iPhone đang đầu tư mạnh vào hệ thống liên lạc vệ tinh để duy trì kết nối cho người dùng ở những nơi mà tín hiệu không dây truyền thống không khả dụng. Trong khi đó, SpaceX của Musk đã phóng hơn 550 vệ tinh cung cấp kết nối di động thông qua dịch vụ Starlink.
Để tăng cường tầm ảnh hưởng, hai công ty đang cạnh tranh giành quyền sử dụng các băng tần vô tuyến để truyền tín hiệu, vốn có nguồn cung hạn chế.
Cuộc đua vệ tinh
WSJ dẫn nguồn tin thân cận cho biết việc Táo khuyết đầu tư vào lĩnh vực không gian vũ trụ đã khiến Musk không hài lòng. Đáp trả lại, SpaceX đã thúc đẩy các nhà quản lý liên bang trì hoãn nỗ lực mở rộng vệ tinh do Apple tài trợ.
Năm 2024, Apple đã bỏ ra 1,5 tỷ USD để mua lại 20% cổ phần của GlobalStar, công ty có phạm vi phủ sóng ở Mỹ, châu Âu, Australia và một số khu vực ở Nam Mỹ để tích hợp tính năng kết nối vệ tinh trên iPhone.
Tính năng nhắn tin khẩn cấp trên iPhone 14 có thể tạo ra trào lưu mới trong năm 2023. Ảnh: Apple.
Thông qua sự hợp tác này, dịch vụ của Apple cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản, gọi hỗ trợ khẩn cấp và tìm kiếm sự trợ giúp bên đường ở những khu vực không có sóng di động. Trong số các nhà sản xuất smartphone, Apple là công ty đầu tiên ra mắt tính năng nhắn tin vệ tinh trên dòng iPhone 14.
Đây dường như là bước tiến tiếp theo của lĩnh vực smartphone khi sử dụng vệ tinh để hỗ trợ mạng di động và giữ liên lạc.
Ngay cả khi phần lớn người sử dụng sẽ không bao giờ gặp tình trạng nguy hiểm, tính năng này vẫn hoạt động như một mạng lưới an toàn, giúp người dùng có thể được hỗ trợ nếu muốn đi những chuyến du lịch xa.
Một số người dùng iPhone 14 được cho đã được cứu nhờ tính năng tin nhắn khẩn cấp. "Công nghệ này đã giúp cứu sống nhiều người. Các tính năng vệ tinh này được thiết kế để bổ sung cho các dịch vụ của nhà mạng, mang đến cho người dùng nhiều cách hơn để duy trì kết nối", phía Apple cho biết.
Tuy nhiên, WSJ tiết lộ các tài liệu cho thấy SpaceX đã yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bác bỏ đơn xin phép sử dụng một số phổ tần nhất định cho mạng lưới vệ tinh mới do Apple tài trợ của Globalstar.
Công ty vệ tinh của tỷ phú Elon Musk gọi các sóng vô tuyến mà họ sử dụng để truyền tín hiệu khẩn cấp đến người dùng Apple là một nguồn tài nguyên chưa được khai thác hết.
Chiếm lĩnh không gian
Thực tế, SpaceX đã tham gia vào lĩnh vực này từ tháng 8/2022 thông qua hợp tác với T-Mobile về kế hoạch cung cấp dịch vụ nhắn tin mọi lúc mọi nơi ở các khu vực vùng sâu vùng xa.
Hình ảnh minh họa các vệ tinh Starlink trên quỹ đạo. Ảnh: University College of London.
Starlink là dự án phủ sóng Internet trên toàn cầu bằng vệ tinh của công ty khai phá không gian SpaceX, do Elon Musk sáng lập. Dịch vụ này tạo nên một mạng lưới gồm hàng nghìn vệ tinh xung quanh Trái Đất, giúp cung cấp Internet tốc độ cao từ quỹ đạo thấp đến các vùng xa xôi, hẻo lánh trên Trái Đất.
Kể từ lần đầu được vận hành vào tháng 10/2020, Starlink cho biết hiện tại, công ty có 400.000 người đăng ký dùng trải dài trên 36 quốc gia công ty đang kinh doanh. Gần như mọi ông lớn hoạt động ở các lĩnh vực vận tải như du thuyền hạng sang, hàng không đều muốn trở thành đối tác của dịch vụ Internet này.
Trích lời từ nguồn tin nội bộ, WSJ cho biết một số nhân viên Apple tin rằng thông báo của SpaceX về thỏa thuận với T-Mobile đã được lên kế hoạch để đi trước thông báo được tiết lộ ngay sau đó về việc Táo khuyết sẽ cung cấp dịch vụ nhắn tin khẩn cấp qua vệ tinh trên một số mẫu iPhone.
Đây cũng không phải lần đầu mà người giàu nhất thế giới đối đầu công ty có giá trị lớn nhất toàn cầu. Tesla của Musk và Apple từ lâu đã cạnh tranh về nhân tài để phát triển xe tự lái.
Ngoài ra, hai bên cũng từng có những tranh cãi liên quan đến X (trước đây là Twitter). Các nguồn tin thân cận cho biết, Musk đôi khi đã cân nhắc việc tự xây dựng một chiếc smartphone vì thất vọng với cách Táo khuyết kiểm soát việc phân phối các ứng dụng của bên thứ ba như X.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc thâm nhập một thị trường bị thống trị bởi Apple và Samsung, vốn chiếm khoảng 40% thị trường smartphone toàn cầu sẽ rất khó khăn.
Apple từng sử dụng tên lửa SpaceX để phóng vệ tinh vào không gian. Ảnh: SpaceX.
SpaceX, thông qua dự án Starlink của mình, có quyền truy cập vào số lượng vệ tinh lớn hơn nhiều so với Apple. Điều này dẫn đến nghịch lý khi các lãnh đạo trong ngành tin rằng chỉ riêng Globalstar sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất iPhone.
Để không phụ thuộc vào đối thủ, Apple đã tổ chức các cuộc đàm phán với nhiều nhà cung cấp vệ tinh khác trong những năm qua để đảm bảo có thêm phổ tần. Gần đây nhất, WSJ tiết lộ Táo khuyết đã xem xét đầu tư vào nhà khai thác vệ tinh EchoStar có trụ sở tại Colorado để cung cấp thêm vệ tinh và phổ tần hỗ trợ kết nối iPhone.
Theo các lãnh đạo trong giới vệ tinh, cách tiếp cận của cả Apple có lợi thế riêng. Với các đối tác tiềm năng mà Apple đã tiếp cận, đây là cơ hội bù đắp cho cơ sở hạ tầng cũ kỹ bằng các quyền sử dụng phổ tần khu vực và toàn cầu mà họ đã dành nhiều năm để tìm cách kiếm tiền.
Anh Tuấn