Cụ thể hơn, cuộc cạnh tranh kiểu anh em giữa Facebook và Instagram đã âm ỉ suốt nhiều năm, khiến Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) đau đầu.
Meta Platforms đang vướng vào phiên tòa chống độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khởi kiện, nhằm chia tách đế chế mạng xã hội này. Thương vụ Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD hồi năm 2012 đóng vai trò quan trọng trong vụ kiện của FTC. Cơ quan này cho rằng việc Meta Platforms thâu tóm Instagram và WhatsApp đã vi phạm luật cạnh tranh của Mỹ.
Các email và tài liệu nội bộ từ năm 2018 đến 2022 cho thấy Instagram và Facebook đã phải đấu tranh để cùng tồn tại.
Trong một số email, Mark Zuckerberg bày tỏ lo ngại rằng ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram đã bắt đầu "ăn mòn" Facebook. Theo góc nhìn của tỷ phú sinh năm 1984, Facebook đã góp phần quan trọng vào sự phát triển Instagram nhưng lại phải trả giá bằng chính mức độ tương tác và tầm ảnh hưởng của mình. Ông cho rằng đã đến lúc Instagram phải "đáp lễ".
Dù vậy, Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng ông muốn Instagram "tiếp tục phát triển, ngay cả khi điều đó tự nhiên sẽ làm Facebook bị ảnh hưởng phần nào".
Đây rõ ràng là một tình huống khó xử cho Mark Zuckerberg.
"Những tài liệu cũ và bị tách khỏi bối cảnh về các thương vụ mua lại đã được FTC xem xét từ hơn một thập kỷ trước sẽ không thể che mờ thực tế về môi trường cạnh tranh hiện tại, cũng như không thể củng cố lập luận yếu ớt từ FTC", người phát ngôn của Meta Platforms nói với trang Insider.
Nỗi hối tiếc lớn của Mark Zuckerberg
Nhiều tài liệu từ năm 2018 cho thấy một mối lo lắng thường xuyên của Mark Zuckerberg: Instagram làm lu mờ Facebook.
"Ứng dụng Facebook đã từ lâu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Instagram thông qua các liên kết và bookmark (đánh dấu trang), đồng thời phải gánh phần lớn quảng cáo (số quảng cáo hiển thị cho người dùng - PV). Điều này đã tạo ra lực cản với Facebook khi nó đang dồn phần tương tác sang Instagram", Mark Zuckerberg viết trong một bức thư gửi ban giám đốc công ty năm 2018.
Tháng 5.2018, Mark Zuckerberg viết trong email gửi đến nhiều lãnh đạo Facebook rằng "một trong những sai lầm lớn mà tôi hối tiếc là không sớm giảm sự phân phối không tự nhiên quá mức cho Instagram".
"Nếu chúng ta ngừng quảng bá Instagram một cách mạnh mẽ khi nó đạt 500 triệu người dùng thì nền tảng này vẫn đủ quy mô để phát triển và cạnh tranh ở tính năng Stories mà không gây ra mối lo về tình trạng phân mảnh mạng lưới như hiện nay", ông viết thêm.
Phân mảnh mạng lưới là hiện tượng khi hệ sinh thái hoặc nền tảng ban đầu hoạt động như một mạng thống nhất, nhưng theo thời gian bị chia nhỏ ra thành nhiều phần tách biệt, khiến cho khả năng kết nối, tương tác hoặc chia sẻ giữa các phần đó bị suy giảm.
Cũng trong email đó, Mark Zuckerberg đặt câu hỏi: Liệu Instagram có phải "chỉ đơn giản là sản phẩm tốt hơn" so với Facebook? Thế nhưng, ông không nghĩ vậy.
"Tất cả chỉ số của chúng ta đều cho thấy Instagram là một sản phẩm tốt, nhưng nhìn chung kém hiệu quả hơn và chỉ đang tăng trưởng nhanh như vậy vì chúng ta đã quảng bá nó rất mạnh", Mark Zuckerberg tuyên bố.
Trong khi đó, Facebook phải vật lộn để duy trì sự phù hợp với người dùng khi Instagram ngày càng lớn mạnh.
"Giống khi bạn mua Amazon Echo và dùng nó sau khi đã quen với mua sắm qua Amazon, bạn sẽ cảm thấy Amazon ngày càng quan trọng trong cuộc sống. Song khi dùng Instagram bên cạnh Facebook, bạn lại cảm thấy Facebook trở nên ít liên quan hơn", Mark Zuckerberg viết trong email tháng 5.2018.
Amazon Echo là loa thông minh được tích hợp trợ lý ảo Alexa - hệ thống điều khiển bằng giọng nói sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Mark Zuckerberg khi đó thấy hai lựa chọn để cải thiện mức độ liên quan của Facebook: Đẩy mạnh thương hiệu Facebook mỗi khi người dùng mở Instagram và WhatsApp, hoặc thay đổi tên thương hiệu công ty. Cuối cùng, Mark Zuckerberg đã làm cả hai.
Năm 2019, cụm từ "Instagram from Facebook" được thêm vào ứng dụng. Tháng 10.2021, Facebook chính thức đổi tên thành Meta Platforms.
Song đến năm 2022, vấn đề "mất chất" của Facebook trong đời sống người dùng vẫn tiếp diễn.
"Instagram đang làm rất tốt về mặt văn hóa và mức độ liên quan, còn Facebook thì không, nên tôi tập trung hơn vào việc tìm một hướng đi hợp lý cho Facebook về lâu dài", Mark Zuckerberg viết cho Tom Alison - người đứng đầu Facebook.
Nhiều tài liệu từ năm 2018 cho thấy Mark Zuckerberg lo Instagram làm lu mờ Facebook - Ảnh: Reuters
Cố gắng kiểm soát Instagram
Trong suốt năm 2018, Mark Zuckerberg đã thảo luận một số phương án để bảo vệ Facebook khỏi bị "ăn mòn" bởi Instagram, đồng thời duy trì sự tăng trưởng và vị thế văn hóa của nó.
Dưới đây là vài đề xuất được nhắc đến trong tài liệu phiên tòa:
1. Giảm việc quảng bá Instagram
"Vì lo ngại những ảnh hưởng này, chúng ta đã giảm quảng bá từ Facebook sang Instagram. Đây vẫn là những đòn bẩy quan trọng để thay đổi quỹ đạo tăng trưởng của cả hệ sinh thái trong tương lai. Dù việc giảm kỳ vọng doanh thu và người dùng của Instagram là đau đớn, cũng như phải điều phối lại đội ngũ, việc dừng các đòn bẩy này gần như hoàn toàn là điều hợp lý cho đến khi đạt được sự cân bằng phù hợp", Mark Zuckerberg viết cho các lãnh đạo công ty vào tháng 5.2018.
2. Tăng mức độ quảng cáo trên Instagram
"Chẳng có lý do gì khiến quảng cáo trên Instagram lại thấp hơn trên Facebook, đặc biệt trong khi chúng ta đang gặp vấn đề tương tác trên Facebook. Nếu quản lý công ty một cách đúng đắn, ít nhất chúng ta nên cân bằng lượng quảng cáo trên Instagram và Facebook ngay tuần này hoặc tháng này, không phải đến cuối năm", Mark Zuckerberg viết trong một chuỗi email tháng 1.2018 với các lãnh đạo công ty. Thậm chí việc tách Instagram thành công ty riêng cũng từng được cân nhắc.
Mark Zuckerberg từng đặt ra câu hỏi liệu Facebook (hiện là Meta Platforms) "có nên cân nhắc bước đi cực đoan là tách Instagram thành một công ty riêng không", theo một email gửi các lãnh đạo vào tháng 5.2018. "Tôi hiểu rõ giá trị kinh doanh của việc để Instagram và Facebook cùng vận hành, nên không đưa ra ý tưởng này một cách một cách tùy tiện", ông thổ lộ.
3. Thay đổi lãnh đạo nội bộ
Năm 2018, một đợt cải tổ lớn đã diễn ra trong công ty. Chris Cox được bổ nhiệm phụ trách sản phẩm của toàn bộ "gia đình" ứng dụng, gồm Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger. Adam Mosseri được điều chuyển từ Facebook sang làm Phó chủ tịch sản phẩm của Instagram.
"Lý do chúng ta thử một cấu trúc tổ chức mới là vì tình trạng hiện tại không hiệu quả. Các ứng dụng của chúng ta hiện không hoạt động độc lập, cũng không có sự trao đổi giá trị hợp lý. Thay vào đó, chúng ta đang rút dần người dùng, tài nguyên hoặc tương tác khỏi ứng dụng Facebook để tạo sự tăng trưởng không tự nhiên cho Instagram và Messenger", Mark Zuckerberg nói.
4. Phân biệt rõ vai trò của Instagram và Facebook
Mark Zuckerberg muốn Instagram tập trung nhiều hơn vào người nổi tiếng (chẳng hạn những người có sức ảnh hưởng) và video, cũng như hướng đến cạnh tranh nghiêm túc với YouTube, theo cuộc trao đổi giữa ông và Adam Mosseri năm 2018.
Bốn năm sau, Mark Zuckerberg có cuộc trò chuyện tương tự với Tom Alison. "Việc phân biệt rõ giữa Instagram và Facebook là quan trọng, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần chiến lược không khiến một dịch vụ phải 'nhặt nhạnh phần thừa' từ cái còn lại, hoặc tự hạn chế không cần thiết", Mark Zuckerberg viết trong chuỗi email năm 2022 gửi Tom Alison.
Không chỉ là căng thẳng giữa các ứng dụng
Tài liệu tại tòa cũng tiết lộ căng thẳng ngày càng tăng giữa Mark Zuckerberg với hai nhà đồng sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger trong những tháng trước khi họ rời khỏi Facebook.
Email của Mark Zuckerberg gửi các lãnh đạo tháng 5.2018 cho thấy những lo ngại xung quanh việc giữ chân Kevin Systrom và Mike Krieger tại Facebook.
"Với cách thảo luận hiện tại, mà chúng ta phải cực kỳ cẩn trọng khi nói đến bất kỳ rủi ro nào trong việc tiếp tục thúc đẩy Instagram, tôi không chắc chúng ta sẽ giải thích thế nào với Kevin Systrom về những quyết định tôi đang đề xuất ở đây", Mark Zuckerberg viết.
Trong email, Mark Zuckerberg mô tả Kevin Systrom là "nhà lãnh đạo sản phẩm xuất sắc đã tạo ra một thứ cực kỳ thành công (Instagram) và là một thành viên phối hợp tốt trong đội ngũ".
"Nhưng chính vì việc Kevin Systrom đấu tranh rất mạnh mẽ cho điều mình tin là đúng, và bởi chúng ta muốn giữ ông ở lại, nên chúng ta đã chấp nhận nhân nhượng nhiều hơn mức bình thường với bất kỳ lãnh đạo nào khác. Về lâu dài, những sự nhượng bộ đó tích tụ và tạo ra sự mất cân bằng lớn trong luồng giá trị giữa các ứng dụng", Mark Zuckerberg viết.
Vài tháng sau, Adam Mosseri và Mark Zuckerberg tiếp tục trao đổi về Kevin Systrom.
"Tôi có gặp Kevin tối qua, nhưng thật khó để hiểu rõ tình hình vì mối quan hệ đang khá căng thẳng", Adam Mosseri viết trong một email gửi Mark Zuckerberg vào tháng 6.2018, liên quan đến việc điều chỉnh các ưu tiên của Instagram.
Đến tháng 8.2018, Adam Mosseri nói với Mark Zuckerberg rằng Kevin Systrom và Mike Krieger "có vẻ đang không thoải mái với tất cả những điều này".
Tháng 9.2018, cả Kevin Systrom và Mike Krieger đều rời khỏi Instagram. Adam Mosseri chính thức đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Instagram.
Sơn Vân