Cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi Phật giáo Nga như thế nào

Cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi Phật giáo Nga như thế nào
3 giờ trướcBài gốc
Tác giả: Alexey Voloshinov
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://goodmenproject.com
Bài viết này của chuyên gia về các tiến trình chính trị trong không gian hậu Xô Viết và chính trị nước Nga với kinh nghiệm làm việc với các cơ quan truyền thông độc lập hàng đầu của Nga, nhà sản xuất truyền thông, tác giả Alexey Voloshinov, đăng trên mạng Nga 7 x 7.
Ban biên tập Global Voices dịch sang tiếng Anh, hiệu đính cho dễ hiểu và được tác giả cho phổ biến tự do. Bản tiếng Việt dịch theo bản tiếng Anh đăng ngày 29/08/2024 trên trang “The Good Men Project.”
Cộng đồng Phật giáo Nga - phần lớn cư ngụ ở ba khu vực tại Nga: Buryatia, Tuva và Kalmykia, cộng đồng này đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến của Nga với Ukraine.
Lệnh động viên quân nhân và nỗi kinh hoàng của chiến tranh đã gây ra rạn nứt trong cộng đồng Phật giáo. Có một số người đưa ra những tuyên bố phản chiến và di cư ra nước ngoài. Những người khác đang ra tuyến đầu để chiến đấu, bất kể các giá trị Phật giáo.
Ảnh: goodmenproject.com
Tôn giáo phản chiến nhất trong thời chiến
Chính phủ nước Cộng hòa Buryatia và Cộng hòa Kalmykia, hai trong ba vùng của Nga có nhiều người theo đạo Phật, đã tiến hành lệnh động viên nhập ngũ khẩn cấp hồi năm 2022 một cách đặc biệt khắc nghiệt. Theo các nhà hoạt động Buryat, trong ba ngày kể từ ngày 21/9/2022, khoảng 7.000 người đàn ông đã bị đưa tới các văn phòng tuyển quân ở Buryatia, với kế hoạch động viên của Bộ Quốc phòng là 300.000 người trên toàn bộ nước Nga.
Cộng hòa Kalmykia trở thành một trong số ít khu vực của Nga nơi vượt quá chỉ tiêu huy động. Thay vì 1% theo yêu cầu, họ đã triệu tập được từ 2 đến 3% quân dự bị, theo nhiều báo cáo khác nhau.
Đồng thời, theo một phân tích chung của Mediazona ( tiếng Nga: Медиазона) là một kênh truyền thông độc lập của Nga và BBC, ít nhất khoảng 1.500 cư dân Buryatia - với dân số khu vực là 972.000 người - đã tử trận trong cuộc chiến ở Ukraine. Ở Tuva, với dân số 338.000 người, có ít nhất 618 chiến binh đã thiệt mạng.
Ngày 22/9/2022, một ngày sau khi lệnh nhập ngũ khẩn cấp bắt đầu, nhiều nhân chứng đã bắt đầu đăng tải video về cảnh xếp hàng dài (để rời lãnh thổ Nga) ở biên giới Nga-Mông Cổ.
Những người đầu tiên đến là cư dân của các khu định cư biên giới ở Buryatia và Tuva, các khu vực giáp ranh với Mông Cổ. Sau đó, Ulaanbaatar, thủ đô và thành phố lớn nhất của Mông Cổ cũng trở thành điểm đến ưa chuộng của người Kalmyk. Bên cạnh vị trí địa lý, lý do nằm ở thực tế là người Kalmyk, Buryat, Tuva và những người khác là một phần của sắc dân Mông Cổ đang sống ở Nga. Ở Mông Cổ, họ được coi là "riêng của chúng ta" và được chào đón như ở nhà, theo lời người dân địa phương giải thích.
Thật khó để đánh giá quy mô của cuộc di cư Phật giáo ra khỏi Nga trong bối cảnh chiến tranh. Theo dữ liệu rời rạc do nhà nước cung cấp, con số có thể là hàng nghìn người. Theo chính quyền Mông Cổ, trong 10 ngày sau thông báo động viên, 6.200 người Nga đã nhập cảnh vào Mông Cổ. Đồng thời, phía Nga báo cáo rằng vào năm 2022, người Nga đã phá vỡ kỷ lục trong 5 năm về số lượng người nhập cảnh vào Mông Cổ và một số quốc gia láng giềng khác.
Các vị Lạt Ma chiến đấu: Các nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine như thế nào?
Trong vùng chiến sự ở Ukraine, Phật giáo không chỉ được đại diện bởi các phật tử nhập ngũ trong đợt động viên quân nhân.
Ví dụ, trong mùa hè năm 2023, truyền thông nhà nước Nga bắt đầu tích cực đưa tin về "Lạt Ma quân nhân" duy nhất ở Nga, người đã đến mặt trận để hỗ trợ binh lính. Điều này chỉ tới một thành viên của hội đồng công chúng thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Lạt Ma Bair Batomunkuev đến từ Buryatia.
Bộ Quốc phòng mô tả công việc của Lạt Ma Bair Batomunkuev ở tiền tuyến trong thông cáo báo chí như sau: “Ngài giúp quân nhân củng cố tín ngưỡng, trả lời những câu hỏi tâm linh phức tạp và động viên tinh thần khi nói về các nhiệm vụ bảo vệ quê hương”.
Trong mùa đông năm 2023, truyền thông đã đưa tin về việc mở 2 nơi thờ phượng dã chiến trong "khu vực hoạt động quân sự đặc biệt" (đây là cách chính phủ Nga cho phép tham chiếu đến cuộc chiến ở Ukraine): một nhà thờ Chính thống giáo và một ngôi chùa Phật giáo. Pháp Chủ của Tăng đoàn Phật giáo Truyền thống Nga, Pandito Khambo Lama Damba Ayusheev cho biết: “Người Buryat không chạy trốn khỏi chiến trường nếu vẫn còn một chiếc lều được biến thành dugan (ngôi chùa)”.
Chủ tịch của Ban Quản lý Tâm linh Trung ương của Phật tử, Geshe Yonten (Sergey Kirishov), đã chúc mừng Tổng Thống Nga Vladimir Putin sau cuộc bầu cử tháng 3/2024.
Pháp Chủ của Tăng đoàn Phật giáo Truyền thống Nga, Pandito Khambo Lama Damba Ayusheev không trực tiếp ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine nhưng rất vui mừng vì nhà nước Nga trong những năm gần đây đã “đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn và củng cố các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của chúng ta”. (Ý thức hệ nhà nước Nga về “bảo tồn các giá trị truyền thống” đóng vai trò chính trong việc chính phủ biện minh cho cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc đàn áp nội bộ).
Trong cuộc chia sẻ với ấn phẩm People of Baikal, một người lính gốc từ Buryatia đã nhớ lại cảnh các linh mục Chính thống giáo và Lạt Ma Phật giáo đến thăm trại dã chiến của anh ở vùng chiến sự trước các trận đánh.
Đầu tiên tôi đến gặp các vị Linh mục, rồi đến gặp các vị Lạt ma. Bởi vì ở tiền tuyến, bạn tin vào mọi thứ, thành thật mà nói như thế. Các vị Lạt ma của chúng tôi đọc kinh cầu nguyện và bảo chúng tôi đi đến kẻ thù mà đừng sân hận và hung hăng. Vâng, kiểu như bạn bắn vào một người lính Ukraine và không vui mừng nếu bạn bắn trúng anh ta, nhưng hãy cảm thấy từ bi, thương xót cho anh ta. Bởi vì đó là cách của Phật giáo.”
Trong cùng bài viết, báo People of Baikal trích dẫn Lama Oleg Namzhilov từ Buryatia:
Bây giờ chúng ta, những Phật tử bình thường, thấy mình trong tình huống không quyết định được điều gì cả. Những người của chúng ta đã ra trận vì cần thiết. Nhiệm vụ của chúng ta là hỗ trợ họ. Nếu chúng ta quay lưng lại với họ, nói rằng họ là bọn phản bội và cặn bã, thì sau đó chúng ta là ai?”
Thầy Baldan Bazarov, cựu trụ trì của Chùa Kuren Datsan (Иволгинский Дацан) ở Buryatia, người đã rời Nga để đến Hoa Kỳ vào mùa hè năm 2022 vì niềm tin phản chiến của mình, tin rằng quan điểm của các lạt ma Phật giáo ảnh hưởng đến thái độ của Phật tử Nga đối với chiến tranh. Theo quan điểm của vị này, những người ủng hộ hành động quân sự được hưởng lợi theo một cách nào đó. Trong một cuộc trò chuyện với Tạp Chí 7×7, Bazarov cho biết:
Giả sử Lạt ma Khambo không thể yêu cầu bất cứ điều gì cá nhân (các nhà sư Phật giáo bị cấm sử dụng tiền), nhưng, ví dụ, Ngài đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Đại Cung điện Kremlin (Большой Кремлёвский дворец) xây dựng một tu viện Phật giáo ở Moscow, điều mà bản thân những người theo đạo Phật không thể làm được kể từ thiên niên kỷ trước. Một số vị Lạt ma đã đến chiến tranh ở Ukraine để hỗ trợ đồng bào của họ. Họ (các vị Lạt ma) được cấp tiền cho chuyến đi, vì vậy họ có thể đi đến đó và quay lại, ở trong một khách sạn ở Moscow - đây cũng là ‘quyền lợi’ dành cho họ. Họ cho thấy rằng họ quan tâm đến nhà nước, và sau đó, họ có thể yêu cầu một cái gì đó cho tu viện Phật giáo của họ.”
Phật tử phản chiến nhận định: ‘Giúp các chiến binh là nghiệp bất thiện’
Bản thân thầy Baldan Bazarov, cựu trụ trì của Chùa Kuren Datsan, đã lên kế hoạch chuyển đến không phải Hoa Kỳ, mà là Ukraine, để “giúp người Ukraine bảo vệ quê hương, con cái và những người thân yêu của họ”. Vị Lạt ma này nói, “Tôi muốn đến Ukraine để nói sự thật với những người đồng hương của tôi - người Buryat và người Mông Cổ - những người tin vào tuyên truyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.”
Thầy Baldan Bazarov tin rằng không có mâu thuẫn nào giữa tinh thần phản chiến của Phật giáo và ước muốn đến một trong những quốc gia đang có chiến tranh:
“Chiến tranh là hiển lộ của luân hồi (thế giới của đau khổ, đam mê và thiếu tự do, gắn liền không thể tách rời với chu kỳ sinh tử lặp đi lặp lại trong Phật giáo). Đức Phật giải thích rằng người ta phải tránh xa mọi biểu hiện của luân hồi. Nhưng đồng thời, nếu có ai đó đến giết bạn trong nhà bạn, bạn phải bảo vệ gia đình, những người thân yêu của mình… Nhưng trong trường hợp của chúng ta, những người thân của chúng ta đã ra trận để tìm giết, và chúng ta phải ủng hộ điều này vì lợi ích của một trạng thái phù du nào đó. Điều này là sai.
Tuy nhiên, Thầy Baldan Bazarov khẳng định rằng việc giúp đỡ chiến binh Nga không phù hợp với các nguyên tắc của Phật giáo: “Người ta đến Ukraine để giết người, và bất kỳ sự giúp đỡ nào cho họ đều là nghiệp bất thiện.”
Có lẽ tuyên bố phản chiến nổi bật nhất trong Phật giáo Nga được đưa ra bởi chủ tịch Hiệp hội Phật tử Kalmykia (Association of Buddhists of Kalmykia), ngài Telo Tulku Rinpoche, vị lãnh đạo Phật giáo tối cao của Kalmykia (Erdeni-Basan Ombadykov). Vị này đã nói vào tháng 9/2022 trong một cuộc phỏng vấn với kênh YouTube “Alchemy of the Soul”.
Tất nhiên, Phía Ukraine có chính nghĩa. Họ đang bảo vệ quốc gia họ, đất của họ, sự thật của họ, Hiến pháp của họ, người dân của họ.”

Vài tháng sau, chính quyền Nga đã ghi thêm tên vị Rinpoche này vào danh sách các điệp viên nước ngoài (vị này là công dân Hoa Kỳ), và ông đã từ chức Lạt ma tối cao của Kalmykia. Ombadykov, bình luận về việc từ chức của Ngài, cho biết:
“Đối với người dân Kalmykia và tất cả những người theo đạo Phật trong thời điểm khó khăn này, tôi cầu chúc họ có lòng can đảm, khả năng phục hồi và quyết tâm tu học lý tưởng từ bi, tình yêu thương và bất bạo động, những nền tảng mà lời đức Phật đã dạy.”
Bộ Nội vụ Kalmykia (Министерство внутренних дел по Республике Калмыкия) là cơ quan thực thi pháp luật chính của Kalmykia đã thu hồi giấy phép cư trú của Lạt ma tối cao tại Nga.
Tháng 2/2023, Thầy Tenzin Choedak, trụ trì của ngôi chùa Phật giáo chính của nước cộng hòa, đã được bổ nhiệm làm Lạt ma tối cao mới của Kalmykia. Hiện chưa có các thông tin gì về quan điểm chính trị của Ngài.
Tác giả: Alexey Voloshinov
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://goodmenproject.com
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cuoc-chien-o-ukraine-da-thay-doi-phat-giao-nga-nhu-the-nao.html