Cuộc chiến phim hài Tết chiếu mạng

Cuộc chiến phim hài Tết chiếu mạng
một ngày trướcBài gốc
Mùa phim Tết Ất Tỵ 2025 chào đón sự góp mặt của hàng loạt tác phẩm đa dạng thể loại. Tại điện ảnh là cuộc đua giữa Bộ tứ báo thủ, Yêu nhầm bạn thânNụ hôn bạc tỷ, bắt đầu từ ngày 29/1. Trong khi đó, thị trường phim hài Tết chiếu mạng (web drama) đã sôi động động với những cái tên quen thuộc như Thu Trang, Minh Dự, Huỳnh Lập hay Trần Bình Trọng.
Số lượng tác phẩm chiếu mạng năm nay tương đối nhiều, nhưng chưa thực sự nổi bật về chất lượng khi đa số là hậu truyện, tiếp nối các phần phim trước. Dẫu vậy, các nghệ sĩ ít nhiều cho thấy sự nỗ lực về nội dung, mang đến món ăn tinh thần thú vị cho khán giả dịp Tết đến xuân về.
Đường đua sôi động
Nhiều năm qua, phim hài Tết chiếu mạng duy trì thói quen ra mắt sớm bởi một số dự án chia thành nhiều tập, số khác tránh việc cạnh tranh truyền thông với phim điện ảnh. Ở góc độ khác, khi các tác phẩm lên sóng đồng nghĩa với tiếng chuông báo hiệu mùa phim Tết.
Khởi đầu là Chuyện nhà Tí: Hoa lệ do Minh Dự sản xuất, xoay quanh những tình huống dở khóc, dở cười trong gia đình cậu bé Tí. Phần 4 của series tập trung vào chuyện tình trắc trở giữa cha Tí và một người phụ nữ góa chồng. Ngoài ra, phim có những khoảnh khắc sâu lắng qua điểm nhìn từ người bán hoa Tết. Bối cảnh chính tại chợ Tết cũng được khắc họa chân thực, người buôn kẻ bán tấp nập, hối hả.
Một tác phẩm khác thu hút sự quan tâm là Cậu Út cậu con Cúc của nghệ sĩ Huỳnh Lập trở lại với phần 4. Chuyện phim vẫn diễn ra tại nhà dì Hai cùng cậu em Út khờ khạo. Bên cạnh dàn diễn viên gắn bó với series, còn có Lâm Vỹ Dạ trong vai bà chị dâu lắm chiêu hứa hẹn mang đến những giây phút giải trí cho người xem.
Nhiều nghệ sĩ cho ra mắt sản phẩm hài Tết chiếu mạng ở mùa phim năm nay.
Ngoài dự án điện ảnh Nụ hôn bạc tỷ, Thu Trang năng suất khi tiếp tục cho ra mắt phần 8 trong series Tết đến rồi về nhà thôi. Phim vẫn từ cốt truyện gia đình người con ở thành phố về ăn Tết với mẹ già ở quê, nhưng màu sắc phần 8 rất thú vị với màn “xuyên không” đi ngược thời gian. Ở đó, cả nhà tất tả đi tìm tờ vé số trúng độc đắc nhưng rồi họ nhận ra, tình thân là quý giá nhất.
Xét về thâm niên phim hài Tết phải kể đến Đại gia chân đất 15Làng ế vợ 10 do đạo diễn Trần Bình Trọng sản xuất. Đều là thương hiệu quen thuộc, bộ đôi tác phẩm không chỉ có sự dí dỏm, châm biếm mà còn cài cắm những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và giá trị truyền thống.
Trong khi đó, Về quê có gì vui của Duy Khánh và Ông già tao của Quách Ngọc Tuyên là điểm mới hiếm hoi trên thị trường. Lấy tình cảm gia đình làm giá trị cốt lõi, các tác phẩm có sự đan xen mảng miếng hài hước tạo sự thú vị.
Chẳng hạn, Về quê có gì vui là câu chuyện của Thu (Duy Khánh), du học sinh Hàn Quốc về quê hương đón tết sau nhiều năm xa cách. Trong phim, Thu khiến người xem bật cười vì chật vật thích nghi với cuộc sống thiếu thốn ở vùng nông thôn. Sau cùng, cậu nhận ra cuộc sống bộn bề tới đâu, ta vẫn được bao bọc, yêu thương khi trở về vòng tay gia đình.
Thiếu tác phẩm đột phá
Khảo sát sơ lược cho thấy mâm tiệc phim hài Tết chiếu mạng thịnh soạn với hàng loạt dự án trải dài từ Bắc tới Nam, khai thác nhiều câu chuyện, tiếp cận đa chiều. Thế nhưng, đa số tác phẩm là hậu truyện, kế tiếp những bộ phim đã có thương hiệu, được khán giả quan tâm. Có những series đã sản xuất tới phần thứ 8, 10 và 15.
Một mặt, biến động kinh tế ít nhiều ảnh hưởng tới các nhà sản xuất. Kinh phí cho bối cảnh, nhân lực, hậu kỳ leo thang khiến họ phải toan tính cẩn thận trước khi bắt tay thực hiện. Đơn cử, Minh Dự làm phim với mong muốn tạo dấu ấn cá nhân khi lợi nhuận thu về không đáng kể.
Mặt khác, phim hài Tết vẫn dậm chân tại chỗ. Theo đó, nghệ sĩ, nhà sản xuất chọn làm hậu truyện, bám trụ series qua từng năm thay vì ra khỏi vùng an toàn.
Phim hài Tết chiếu mạng có thể lên tới cả chục tác phẩm trong một series.
Nhằm tạo bầu không khí vui tươi, ấm cúng, phim hài Tết chủ yếu xoay quanh nhóm nội dung quen thuộc như gia đình sum vầy, xa quê về đón Tết hay tổng kết sự kiện nổi bật trong năm. Bên cạnh đó, các series nỗ lực chế biến món ăn tinh thần hấp dẫn bằng âm nhạc, trích dẫn câu nói hoặc tái hiện khoảnh khắc viral. Một công chức dễ làm với nhà sản xuất, dễ xem với khán giả.
Nhiều năm qua, việc ra mắt phim hài Tết trên mạng xã hội được ưa chuộng. Tối ưu chi phí phát hành, tiếp cận khán giả mọi lúc, mọi nơi cùng sự hậu thuẫn từ thuật toán của các nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất. Một số nền tảng như YouTube, TikTok trở thành kênh truyền chủ lực, riêng YouTube có thêm chức năng kiếm tiền trên nội dung đăng tải.
Thực tế, thị trường phim hài Tết chiếu mạng năm nay sở hữu nhiều tác phẩm, song kém đột phá khi chiếm đa số là thương hiệu quen thuộc, một số thuộc dạng "hết nạc vạc đến xương". Song, nhiều tác phẩm vẫn được khán giả đón nhận bởi năng lượng tích cực, vui tươi, truyền tải thông điệp ấm áp về gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nhật Long
Nguồn Znews : https://znews.vn/cuoc-chien-phim-hai-tet-chieu-mang-post1527405.html