'Cuộc chiến' thêm ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

'Cuộc chiến' thêm ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
3 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN của Mỹ mới đây, Liên hợp quốc (LHQ) đã từ lâu trở thành biểu tượng cho nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, trật tự quyền lực bên trong tổ chức này, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an (HĐBA), vẫn còn mang dấu ấn đậm nét của thời kỳ thuộc địa.
Hội đồng Bảo an được chi phối bởi năm thành viên thường trực (P5) gồm Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Pháp và Vương quốc Anh, những quốc gia có quyền phủ quyết và giữ vai trò then chốt trong các quyết định quốc tế. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia từ Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh, và Caribe – nơi có nhiều xung đột và cần hỗ trợ quốc tế – lại không có tiếng nói mạnh mẽ trong việc định hình các chính sách của LHQ.
Sau Thế chiến II, khi phần lớn thế giới vẫn còn nằm dưới sự cai trị của các cường quốc thực dân, HĐBA LHQ được thành lập với năm thành viên thường trực. Quyền phủ quyết mà các quốc gia này nắm giữ cho phép họ ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào, từ việc triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình đến việc áp đặt lệnh trừng phạt, để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Trật tự quyền lực này đã kéo dài gần 8 thập kỷ mà không có thay đổi lớn, bất chấp sự phát triển của thế giới và sự độc lập của hàng loạt quốc gia. Các nước châu Phi, Trung Đông, và Mỹ Latinh hiện nay vẫn phải chấp nhận vai trò thụ động, không có quyền phủ quyết và thiếu khả năng quyết định về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến khu vực của mình.
Những nỗ lực cải cách
Trong bối cảnh này, một cuộc chiến mới nhằm cải cách trật tự thế giới thời kỳ thuộc địa đã được khởi động. Tại Đại hội đồng LHQ tháng 9/2024, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio đã tái khẳng định yêu cầu lâu nay của châu Phi về việc cải tổ HĐBA. Ông đề xuất rằng các quốc gia châu Phi nên có ít nhất hai suất thành viên thường trực mới, có quyền phủ quyết, nhằm đảm bảo tiếng nói của lục địa này được lắng nghe và tôn trọng trong các quyết định quốc tế.
Những đề xuất này xuất phát từ thực tế rằng châu Phi chiếm gần một phần tư số thành viên của LHQ và gần 50% hoạt động thường nhật của HĐBA liên quan đến các vấn đề hòa bình và an ninh trên lục địa này. Tuy nhiên, hiện tại châu Phi chỉ có ba ghế không thường trực trong HĐBA, không có quyền phủ quyết, và điều này không phản ánh đúng vai trò to lớn của "lục địa đen" trong các quyết định quan trọng.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy cải cách HĐBA là nhu cầu giải quyết "bất công lịch sử đối với châu Phi". Các quốc gia trong nhóm châu Phi đã nhấn mạnh rằng HĐBA cần phải dân chủ hóa hơn nữa để phản ánh sự phát triển của thế giới. Điều này cũng phù hợp với những cuộc tranh luận đã kéo dài hàng thập kỷ về việc mở rộng HĐBA để đại diện công bằng hơn cho các khu vực khác nhau trên thế giới.
Các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ Latinh và Caribe, cũng có cùng quan điểm. Năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ ủng hộ việc tăng ghế thường trực cho các khu vực này. Dù các cải cách chưa thể thực hiện ngay lập tức, nhưng các nhà ngoại giao hy vọng rằng cuộc tranh luận sắp tới có thể tạo ra một lộ trình rõ ràng cho việc mở rộng và cải tổ HĐBA.
Tuy nhiên, cải cách HĐBA không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên thường trực, đặc biệt là giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, đã gây bế tắc trong việc giải quyết những vấn đề lớn như xung đột ở Ukraine, bạo lực ở Gaza, và biến đổi khí hậu. Các thành viên thường trực thường sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình hoặc bảo vệ các đồng minh thân cận, dẫn đến sự thất vọng ngày càng tăng về tính hiệu quả của HĐBA.
Một ví dụ rõ ràng là Nga và Mỹ thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ các đồng minh hoặc đối tác của mình như Israel hoặc Syria, khiến HĐBA gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận về các giải pháp cho các vấn đề quốc tế.
Ngoài ra, các quốc gia như Brazil và Ấn Độ mong muốn có ghế thường trực, nhưng lại vấp phải sự phản đối từ các đối thủ trong khu vực như Pakistan hay Trung Quốc. Việc đạt được đồng thuận giữa các thành viên LHQ về việc quốc gia nào sẽ được bổ sung vào HĐBA, quy mô mở rộng và quyền hạn của các thành viên mới vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Tuy vậy, đã có những bước tiến trong việc tìm kiếm các giải pháp cải cách. Chẳng hạn, năm 2022, Liechtenstein đã đệ trình một sáng kiến yêu cầu bất kỳ trường hợp phủ quyết nào của P5 đều phải được tranh luận tại Đại hội đồng LHQ, nhằm tăng cường tính minh bạch và làm giảm tác động chính trị của quyền phủ quyết.
Cuộc chiến nhằm cải cách trật tự thế giới thời kỳ thuộc địa của LHQ vẫn đang tiếp diễn. Dù có những bước tiến quan trọng, như sự thừa nhận của các thành viên LHQ về nhu cầu thay đổi và những sáng kiến cải cách đã được đưa ra, nhưng việc thực hiện những thay đổi này vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-chien-them-ghe-thuong-truc-tai-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-20240904143113942.htm