Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc nhận định rằng đây không còn là một cuộc cạnh tranh ngắn hạn, mà đã trở thành cuộc “chạy marathon” thực sự nhằm thử thách sức bền và khả năng phục hồi lâu dài của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị Trung Quốc cần đẩy mạnh chính sách kích thích kinh tế trong nước để thúc đẩy nhu cầu nội địa – yếu tố then chốt để giúp kinh tế vượt qua giai đoạn đầy biến động này.
Ông Zheng Yongnian, Trưởng khoa Chính sách công tại cơ sở Thâm Quyến của Đại học Trung Hoa Hong Kong, nhận định: “Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh về khả năng phục hồi kinh tế. Chỉ khi xây dựng được một hệ thống công nghiệp có tính thích ứng cao, Trung Quốc mới có thể duy trì vị thế trong cuộc cạnh tranh kéo dài với Mỹ”.
Sau loạt đòn áp thuế qua lại, hiện tại, Washington đã nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%, trong khi mức thuế mới của Bắc Kinh đối với hàng hóa của Mỹ đã tăng lên 84%. Cả hai đều có hiệu lực ngay lập tức.
Mặc dù đáp trả Trung Quốc, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo tạm hoãn áp các mức thuế mới trong 90 ngày với phần lớn các quốc gia khác – quyết định có hiệu lực từ ngày 9/4.
Theo ông Lynn Song, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ngân hàng ING (Hà Lan), cuộc đối đầu hiện nay giống như một bài kiểm tra thực sự về khả năng chịu đựng giữa hai siêu cường kinh tế.
“Các nhà hoạch định chính sách dường như đang đưa lý thuyết kinh tế vào thực tiễn để xem bên nào cảm thấy áp lực trước – từ đó tìm kiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán sắp tới”, ông nói.
Giao dịch đồng USD tại Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Zheng cũng cảnh báo rằng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, nguy cơ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời nhau là điều có thể xảy ra. Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 688,3 tỷ USD – một con số cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn có mối liên kết sâu sắc.
“Khi thuế quan tăng 60 đến 70%, sẽ không khác gì mức 500% – lúc đó việc làm ăn của các doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn và quá trình tách rời hai nền kinh tế này sẽ gần như không thể tránh khỏi,” ông nói thêm.
Ông Yao Yang, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cũng đồng tình với mối quan ngại này và cảnh báo về tác động tức thời đối với nền kinh tế Trung Quốc.
“Cuộc chiến thương mại đang gây ra những áp lực lớn đối với mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc (khoảng 5%) trong năm nay”, ông nói tại một hội thảo trực tuyến vào hôm 9/4. Ông đồng thời nêu lên mối lo ngại về nguy cơ gia tăng thất nghiệp và áp lực lên thị trường lao động. Nhiều ngành xuất khẩu có thể buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa, từ đó khiến cạnh tranh gia tăng và làm tăng nguy cơ giảm phát.
Tuy nhiên, ông Yao cũng bày tỏ niềm tin rằng Chính phủ Trung Quốc vẫn có đủ công cụ để kiểm soát tình hình.
“Chúng ta không cần phải lo ngại những động thái của Tổng tống Trump”, ông Yao nói, đồng thời kêu gọi chính phủ trung ương có những hành động cụ thể hơn nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương đang gặp khó khăn về tài chính và thúc đẩy thị trường bất động sản. “Chỉ đạo hiện nay là đúng hướng”, ông nhấn mạnh.
Về phía Mỹ, ông Zheng cho rằng Mỹ vẫn có ưu thế trong lĩnh vực dịch vụ và tài chính – đặc biệt là nhờ vị thế toàn cầu của đồng USD. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu Mỹ dần tự sản xuất mọi thứ trong nước, vai trò của đồng USD với các nền kinh tế khác có thể bị suy giảm.
“Nếu Mỹ không còn phụ thuộc vào nhập khẩu, các quốc gia khác liệu còn cần đến đồng USD?”, ông đặt câu hỏi.
Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Washington có thể cô lập Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông đưa ra ví dụ về tiêu biểu là Khung kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ từng khởi xướng với mục tiêu đối trọng với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa tạo được ảnh hưởng rõ ràng như kỳ vọng.
Hải Vân/Báo Tin tức