Cuộc chiến thương mại điện tử: Temu đổ bộ Việt Nam

Cuộc chiến thương mại điện tử: Temu đổ bộ Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Theo Báo cáo mới nhất của YouNet ECI - công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỉ đồng để mua sắm trên bốn sàn thương mại điện tử chính trong quý 2/2024.
Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4%. Tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9%. Các sàn nội địa như Tiki, Chiaki, Sendo, Websosanh… cùng với các tên tuổi lớn như Amazon Global, Alibaba hay Shein cạnh tranh đầy ngột ngạt trong không gian thị phần chưa đầy 1% còn lại.
Những nền tảng như Temu giúp người tiêu dùng Việt có thêm kênh mua hàng "made in China" tận xưởng với giá rẻ
Từ cuối tháng 9 vừa qua, Temu đã khai trương trang bán hàng tại với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn, cộng thêm các mã giảm giá và cả miễn cước phí vận chuyển hàng đến tận các địa điểm khắp Việt Nam.
Đây là thị trường thứ 5 của sàn thương mại điện tử giá rẻ tại Đông Nam Á. Theo South China Morning Post - nhật báo bằng tiếng Anh lâu đời và uy tín của Hồng Kông, Việt Nam và Brunei là hai thị trường mới nhất khu vực, sau Thái Lan hồi tháng 6 và Philippines, Malaysia vào năm 2023.
Trang Temu Việt Nam hiện có giao diện đơn giản, chỉ hiển thị bằng tiếng Anh, trừ giá tiền bằng tiền đồng (VND) và chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, không dùng ví điện tử.
Trong thời gian khai trương Grand Opening, ngoài giảm giá đến 90%, khách hàng còn được các mã giảm thêm 70.000, 170.000 và 250.000 đồng cho các đơn hàng có giá từ 750.000-1.850.000 đồng. Tức là người mua được giảm thêm 7-13% nữa.
Hai đơn vị cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam cho Temu là Ninja Van và Best Express. Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ là 4 - 7 ngày do lợi thế về khoảng cách địa lý và kết nối đường bộ. Trong khi đó, hàng giao đến Philippines hay Malaysia là 5 - 20 ngày.
Temu chính thức đổ bộ Việt Nam
Sự xuất hiện của Temu trong thị trường cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam đặt ra câu hỏi rất lớn. Liệu Temu có “chiêu thức hay sở trường” nào để cạnh tranh với những tay chơi đang có mặt? Tuyên bố giảm giá 90% và miễn cước vận chuyển liệu có đủ sức nặng để thu hút người tiêu dùng?
Có lẽ cần thêm thời gian để Temu làm quen và bắt nhịp với thị trường thương mại điện tử sôi động của Việt Nam. Tuy nhiên, không phải không có căn cứ khi cho rằng tay chơi mới có thể sẽ thay đổi cục diện thương mại điện tử.
Hiện Temu đã hiện diện tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường trong hai năm nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn cầu hiện nay.
Chỉ trong ba tháng cuối năm 2022, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Temu chỉ mới 290 triệu đô la nhưng đến cuối năm 2023 đạt 14 tỉ đô la, tăng gần 50 lần chỉ sau một năm, theo ECDB - hãng dữ liệu thương mại điện tử. Dự kiến, quy mô GMV trên sàn thương mại điện tử Temu sẽ đạt 29,5 tỉ đô trong năm nay và 41 tỉ đô trong năm 2025.
Giao diện của sàn thương mại điện tử giá rẻ Temu trong những ngày đầu tại Việt Nam
Temu chính thức chào sân đã nối dài cuộc đổ bộ của các sàn thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới đến Việt Nam thời gian qua. Trước đó, từ năm 2018, người Việt có thể mua hàng trực tiếp trên AliExpress của Alibaba.
Năm ngoái, gã khổng lồ "thời trang siêu nhanh" Shein cũng tiếp cận thị trường Việt Nam.
Bên cạnh AliExpress, Temu và Shein, một số sàn nội địa Trung Quốc như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD đang tạo điều kiện cho người Việt nhập hàng trực tiếp. Một hãng chuyển phát lớn gần đây được cho là đang nghiên cứu thử nghiệm mua hộ, giao hàng xuyên biên giới cho các nền tảng này.
Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện những ứng dụng trung gian, cho phép người Việt tìm sản phẩm, đặt hàng, thậm chí có tính năng trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) gợi ý sản phẩm đang bán chạy và lợi nhuận dự kiến trên các kênh.
Ngọc Châm
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/cuoc-chien-thuong-mai-dien-tu--temu-do-bo-viet-nam-128474.htm