Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 và những hệ lụy nghiêm trọng

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 và những hệ lụy nghiêm trọng
7 giờ trướcBài gốc
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0
Chiến tranh thương mại lần thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc được cho đã chính thức bắt đầu khi Trung Quốc tung ra đòn trả đũa việc chính quyền tân Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan với toàn bộ hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ. Trước đó, ông Donald Trump vào ngày 1-2 đã ký sắc lệnh hành pháp áp đặt thuế quan với 3 đối tác thương mại lớn của Mỹ là Canada, Mexico và Trung Quốc kể từ ngày 4-2, song ngay sau đó tuyên bố tạm hoãn trong vòng 1 tháng với Canada và Mexico.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường
Với Trung Quốc, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới của Mỹ (CBP) thông báo, từ 0h01 ngày 4-2 theo giờ bờ Đông nước Mỹ, các gói hàng hóa và bưu kiện được gửi đến nước này bằng đường bưu điện từ Trung Quốc sẽ phải thực hiện thủ tục hải quan chính thức theo mức thuế mới đã được Tổng thống Donald Trump công bố là 10%. Theo thông báo đăng trên Công báo Liên bang, các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả những mặt hàng trước đây đủ điều kiện được miễn thuế tạm thời, sẽ phải chịu mức thuế mới là 10%.
Những gói hàng hóa và bưu kiện được gửi từ Trung Quốc đến Mỹ qua đường bưu điện nằm trong diện bị áp thuế. Vì vậy, CBP đã ban hành hướng dẫn bổ sung cho các đơn vị vận chuyển về cách thức xử lý các kiện hàng theo lệnh hành pháp mới của Tổng thống Donald Trump, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp vận chuyển cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ cơ quan hải quan.
Cho dù mức thuế 10% vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số 60% mà ông Donald Trump từng dọa sẽ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử, song vẫn vấp phải phản ứng khá nhanh và mạnh từ Bắc Kinh. Trong động thái này nhằm đáp trả mức thuế mới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp đặt mức thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhất định của Mỹ từ ngày 10-2. Cơ quan này cùng Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố, sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời áp thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số dòng xe ô tô. Những mức thuế này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10-2.
Cùng với đó, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng thông báo nước này sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản quan trọng như vonfram, tellurium, ruthenium, molypden và các sản phẩm liên quan, viện dẫn lý do bảo vệ lợi ích quốc gia. Trung Quốc cũng đưa hai công ty của Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy.
Bên cạnh việc tung đòn trả đũa, Trung Quốc còn cảnh báo, sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và “sẽ có những biện pháp đối phó tương ứng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình”. Ủy ban Xúc tiến Thương mại quốc tế Trung Quốc chỉ trích, việc tăng thuế quan của Mỹ vi phạm nghiêm trọng quy tắc của WTO, kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác và đối thoại thẳng thắn để giải quyết vấn đề.
Cơ quan hàng đầu về thương mại của Trung Quốc cảnh báo thêm rằng, việc Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa của nước này có thể làm gián đoạn hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc hy vọng, Mỹ nhìn nhận khách quan, xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan fentanyl; đồng thời kêu gọi Mỹ đối thoại thẳng thắn, tăng cường hợp tác, kiểm soát bất đồng trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích quyết định áp thuế của Mỹ, nhấn mạnh không bên nào có thể chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.
Đe dọa làm chậm tăng trưởng toàn cầu
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump (2017-2021), cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng nổ ra vào năm 2018 khi ông Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại song phương. Cuộc chiến thương mại khởi phát dưới thời Tổng thống Donald Trump này đã tiếp tục kéo dài dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Dù ban đầu được định hướng như một chiến lược bảo vệ ngành công nghiệp và việc làm của Mỹ cũng như cân bằng hơn cán cân thương mại song phương, tuy nhiên, cuộc chiến này đã để lại nhiều hệ quả ngoài dự tính. Vượt ra ngoài những tác động về kinh tế - thương mại, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm giảm lợi nhuận của nhiều tập đoàn lớn. Những hệ quả này cho thấy tính chất phức tạp và đôi khi phản tác dụng của sự cạnh tranh địa chính trị trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế, đồng thời là cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc không chỉ dừng lại ở chính sách mà còn lan rộng trong dư luận. Việc mô tả Trung Quốc như một đối thủ kinh tế và mối đe dọa đối với sự thịnh vượng của Mỹ đã tạo ra bầu không khí tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng người gốc Á tại nước này, kích động tâm lý bài ngoại, dẫn đến sự gia tăng các vụ tấn công thù ghét nhắm vào người gốc Á trên khắp nước Mỹ.
Trong khi mục tiêu ban đầu của cuộc chiến thương mại là thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa của Mỹ, thực tế lại cho thấy nhiều kết quả ngược lại. Các mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ, lại khiến chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Theo nghiên cứu của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, cuộc chiến thương mại đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 316 tỷ USD và gần 250.000 việc làm tính đến cuối năm 2022. Trong đó, các ngành phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc như điện tử, ô tô và nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất.
Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường Trung Quốc như Apple, Intel… hay Tesla đã phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và lợi nhuận bị sụt giảm. Thuế quan áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí cao hơn hoặc chuyển phần chi phí đó sang người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh và lợi nhuận.
Hơn nữa, sự bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn. Tâm lý e ngại đầu tư vào các dự án mới hoặc mở rộng hoạt động do môi trường pháp lý thiếu ổn định đã kìm hãm sự đổi mới và tăng trưởng, đặc biệt trong các ngành công nghệ và sản xuất, nơi Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc 2.0 mới bắt đầu, nên khó ai có thể lượng định hệ lụy của nó với hai quốc gia này cũng như nền thương mại và kinh tế toàn cầu nói chung. Song là kinh tế hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ tác động nặng nề tới hai nước này cũng như kinh tế toàn cầu.
Đơn cử, Tax Foundation - một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái - ước tính, mức thuế quan mà ông Trump công bố sẽ dẫn đến mức tăng thuế trung bình là 830 USD cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ. Chính Tổng thống Donald Trump sau khi áp thuế toàn diện đối với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc cũng phải lên tiếng rằng, mức thuế này có thể gây “một chút đau đớn” cho người Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vì thế nếu tiếp diễn và leo thang sẽ mang lại những hệ lụy khôn lường, đe dọa làm chậm tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát tăng trở lại, thậm chí có thể còn vượt ra ngoài phạm vi kinh tế.
HOÀNG HÀ
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-20-va-nhung-he-luy-nghiem-trong-post602702.antd