Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bế tắc, kinh tế hai bên đều bị ảnh hưởng

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bế tắc, kinh tế hai bên đều bị ảnh hưởng
7 giờ trướcBài gốc
Hai nước Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa thể đàm phán về thương mại và thuế quan. Ảnh: NYTimes.
Tờ New York Times ngày 6/5 đã đăng bài viết phân tích về tình trạng đối đầu thương mại, thuế quan hiện nay giữa hai nước và những ảnh hưởng.
Hai bên chưa hề tiến hành đàm phán về thuế quan
Theo bài viết, tại cuộc họp báo kinh tế của Nhà Trắng tuần trước, khi được hỏi về tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện cho ông, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã né tránh trả lời. Mặc dù các quan chức kinh tế cấp cao thường được thông báo về các cuộc gọi cấp cao như vậy, Bessent khẳng định ông không phụ trách ghi lại các cuộc điện đàm của tổng thống.
Ông Bessent nói đùa: "Tôi có rất nhiều công việc trong Nhà Trắng, nhưng nhận điện thoại không phải là một trong số đó".
Nhưng sự im lặng rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc lại là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường đang theo dõi chặt chẽ xem liệu các cuộc đàm phán hậu trường giữa Mỹ và Trung Quốc có diễn ra hay không. Mặc dù hai nước chưa hoàn toàn cắt đứt quan hệ, nhưng các cuộc thảo luận về thuế quan dường như đã im ắng.
“Trung Quốc và Mỹ chưa hề tổ chức tham vấn hay đàm phán về vấn đề thuế quan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn hôm 25/4 cho hay. "Mỹ không nên gây nhầm lẫn cho công chúng".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Reuters/Zaobao.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 2/5 nói rằng họ đang cân nhắc đàm phán với chính quyền Trump sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ nhiều lần nỗ lực thúc đẩy đàm phán. Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận về việc liệu các cuộc tiếp xúc có diễn ra như Trung Quốc nói hay không.
Vào lúc có sự bế tắc về việc liệu Washington và Bắc Kinh có nên tổ chức các cuộc đàm phán kinh tế hay không và khi nào diễn ra, chính quyền Trump lại đang gấp rút đạt được các thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia có thể phải đối mặt với mức thuế quan cao. Ngày 2/4, ông Trump đã áp đặt cái gọi là “thuế quan đối ứng” đối với các quốc gia mà ông cho là có hoạt động thương mại không công bằng và các rào cản kinh tế. Thuế quan đã khiến thị trường tài chính toàn cầu lao dốc, và chính quyền Trump hiện đã đình chỉ thuế quan đối ứng trong 90 ngày để các quốc gia đó có thời gian đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, nhưng cơ bản vẫn chưa được thực hiện. Trung Quốc cho biết họ không mấy quan tâm đến việc thảo luận về một thỏa thuận mới trừ khi Mỹ rút lại những gì họ coi là một loạt các biện pháp thương mại hung hăng và không công bằng.
Thuế quan làm giảm dự báo tăng trưởng 2025 toàn cầu của IMF. Ảnh: Fx168news.
Tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc đều bị chậm lại
Theo New York times, cả hai bên Mỹ và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan hiện nay: Tháng trước, Trump đã tăng mức thuế tối thiểu đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145% nhằm buộc Trung Quốc phải mở các cuộc đàm phán thương mại. Các quan chức Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với các sản phẩm của Mỹ và hạn chế xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản và nam châm quan trọng, vốn rất cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp.
Cái giá phải trả của cuộc đối đầu ăn miếng trả miếng giữa hai bên đã bắt đầu hiển hiện. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, Mỹ và nền kinh tế toàn cầu, cảnh báo rằng thuế quan làm tăng khả năng suy thoái. Dữ liệu của chính phủ công bố tuần trước cũng cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc chậm lại vào tháng 4 và tăng trưởng trong quý đầu tiên của Mỹ cũng giảm đi.
Tại cuộc họp Nội các ở Nhà Trắng hôm 30/4, ông Trump thừa nhận rằng trẻ em Mỹ có thể "có ít búp bê hơn" và chúng có thể trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng ông nhấn mạnh rằng ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho một "thỏa thuận công bằng" với Trung Quốc, quốc gia mà ông gọi là "kẻ bóc lột thương mại số một".
Chính quyền Trump đang tập trung đàm phán các thỏa thuận với khoảng 18 đối tác thương mại lớn của Mỹ đang phải chịu thuế quan đối ứng. Ông Bessant cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ được tiến hành riêng biệt với các cuộc đàm phán khác.
Bộ trưởng Tài chính dự kiến sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán với Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick sẽ phụ trách các cuộc đàm phán với các nước khác. Tuy nhiên, ông Trump chưa chính thức bổ nhiệm hoặc ủy quyền cho bất kỳ quan chức Mỹ nào thay mặt ông đàm phán với Trung Quốc, khiến các quan chức Trung Quốc cho rằng chính quyền Trump chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán thương mại hoặc thiếu thành ý.
Ông Bessent, người đã có cuộc gọi đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc vào tháng 2, cho biết ông đã có những cuộc trao đổi không chính thức với các quan chức Trung Quốc về các vấn đề bao gồm ổn định tài chính trong các cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần trước. Ông cho biết hai bên chủ yếu trao đổi về các vấn đề "thông thường", nhưng không đề cập liệu các vấn đề thương mại có được thảo luận hay không. Bộ Tài chính Mỹ cũng không công bố biên bản cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau năm 2017. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy một cuộc gặp tương lai của họ. Ảnh: NYTimes.
Liệu Mỹ sẽ xuống thang trước?
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Jamison Greer cho biết ông đã có một cuộc trao đổi trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc trong hơn một giờ trước ngày 2/4, nhưng kể từ khi ông Trump tuyên bố mức thuế "Ngày giải phóng" (2/4), hai bên đã không nói chuyện.
Ông Trump từng ám chỉ rằng ông Tập Cận Bình nên đích thân gọi điện cho ông để bắt đầu đàm phán và nhấn mạnh rằng hai bên có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Nhưng đây không phải là cách Trung Quốc thường xử lý các vấn đề kinh tế lớn. Mỹ và Trung Quốc theo truyền thống giải quyết những khác biệt về kinh tế thông qua các cuộc đối thoại có cấu trúc, tức là các cuộc tham vấn do các quan chức kinh tế cấp cao của cả hai bên chủ trì thông qua các cuộc họp chính thức và làm việc nhóm.
Craig Allen, thành viên của Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nói: "Ông Trump muốn đàm phán trực tiếp với ông Tập, và phương thức mang tính cá nhân cao của ông hoàn toàn không phù hợp với thể chế của Trung Quốc". "Trong thể chế Trung Quốc, những vấn đề như vậy cần phải được đàm phán cẩn thận trước, báo cáo qua nhiều kênh và toàn bộ quá trình được kiểm soát và sắp xếp chặt chẽ. Khi đến cấp lãnh đạo, mọi thứ đã được hoàn chỉnh cẩn thận".
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, ban đầu ông đã giao cho Bộ trưởng Tài chính khi đó là Steven Mnuchin dẫn đầu phái đoàn thương mại tới Trung Quốc. Sau đó, ông bổ nhiệm Robert Lighthizer, một đại diện thương mại cứng rắn hơn, dẫn đầu các cuộc đàm phán.
Tờ New York Times nhận định: Những người kỳ cựu trong cuộc chiến thương mại tin rằng tình trạng bế tắc hiện tại có thể kéo dài hơn vì mức thuế quan lần này cao hơn và cả hai bên đều tin rằng họ đang chiếm ưu thế. Nếu tăng trưởng kinh tế của Mỹ tiếp tục chậm lại và giá cả bắt đầu tăng, điều này có thể làm tăng tính cấp bách khiến ông Trump phải bắt đầu các cuộc đàm phán thực chất với Trung Quốc.
Theo New York Times
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-be-tac-kinh-te-hai-ben-deu-bi-anh-huong-post185275.html