Bài cuối:
TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CÓ ĐÁNG SỢ?
BPO - Các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo liên tục thay đổi thủ đoạn, tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra hệ thống lừa đảo tinh vi và giống thật khiến người dân khó nhận diện. Tội phạm công nghệ cao có đáng sợ? Cần làm gì để không trở thành “miếng mồi” của loại tội phạm này?
Biến hóa khôn lường
“Dự án “Sân bay Long Thành” thực chất là trang web giả mạo được một công ty lừa đảo tại Campuchia lập ra. Khi làm việc tại công ty lừa đảo, họ đưa cho tôi các kịch bản để học và làm theo. Đặc biệt cho tìm hiểu sâu về dự án và cách thức mời gọi, thuyết phục, làm sao để khách rơi vào bẫy…”. Đây là lời khai của Nguyễn Minh Thế, 28 tuổi, trú phường Đông Hồ, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang bị lực lượng công an bắt giữ khi tham gia đường dây mạo danh Công ty ACV mời gọi đầu tư vào dự án Sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Cán bộ công an làm việc với Nguyễn Minh Thế - đối tượng tham gia đường dây mạo danh Công ty ACV mời gọi đầu tư vào dự án Sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) - Ảnh: Minh Chính
Tháng 3-2023, Thế sang Campuchia làm việc cho một công ty lừa đảo với nhiệm vụ sử dụng tài khoản vào các hội, nhóm facebook kết bạn làm quen, thậm chí sẵn sàng làm “người yêu”, sau đó dụ dỗ các “con mồi” chuyển tiền đầu tư vào dự án trên app của công ty, với mức lương 800 USD/tháng và 8% tổng số tiền của “khách hàng” đầu tư. Đối tượng này đã tham gia đường dây lừa đảo chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng của chị N.T.L ngụ ấp 6, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài như đã phản ánh ở số báo trước.
Đối tượng Nguyễn Minh Thế khai: Dự án “Sân bay Long Thành” do công ty lừa đảo thiết kế một trang web giả mạo giống y hệt Công ty ACV. Khi người dùng tải app về thì các dự án như thật hiện ra, cùng với đó họ có đội ngũ theo dõi để liên tục cập nhật thông tin mới nhất của Công ty ACV vào app lừa đảo. Vì vậy, nhiều người dù tìm hiểu kỹ, rất cảnh giác nhưng vẫn sa bẫy.
Đây chỉ là một trong số ít các vụ lừa đảo bị sa lưới vì quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Theo cơ quan công an, thời gian qua, có nhiều người Việt Nam sang Campuchia tham gia các đường dây lừa đảo trên không gian mạng với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”. Đa phần trong số đó là những người trẻ, tuổi đời còn ít, học vấn thấp dẫn đến dễ bị sa ngã. Nguồn “nhân công” này đã giúp sức cho các đối tượng lừa đảo xây dựng kịch bản lừa người dân trong nước.
Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã xử lý 22 vụ, 48 đối tượng liên quan, trong đó có vụ việc thiệt hại tài sản lên đến vài chục tỷ đồng.
Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho rằng: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm đặt trụ sở ở nước ngoài, móc nối giữa nhiều nhóm tội phạm, đối tượng trong và ngoài nước, điều hành qua trung gian nên khó xác định vai trò, vị trí của đối tượng. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông, mạng xã hội, thương mại điện tử, thanh toán và sử dụng tài khoản ngân hàng vẫn còn nhiều kẽ hở, tạo cơ hội cho tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhiều loại hình tội phạm mới liên tục xuất hiện, các đối tượng lợi dụng công nghệ như AI, Deepfake, công cụ ẩn danh… để hoạt động phạm tội và che giấu danh tính gây khó khăn trong truy vết, điều tra.
Ngăn chặn từ sớm, từ xa
Từ các vụ việc người dân trình báo cho thấy, phần lớn các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân vì những khoản tiền hứa hẹn và lợi lộc có được từ “bẫy” mà chúng đặt ra.
Khi vụ việc xảy ra, tôi cảm thấy rất xấu hổ, xót của và sợ người thân biết. Có những ngày tôi chuyển liên tục với số tiền lớn cho các đối tượng lừa đảo mà không chút nghi ngờ gì, cũng chẳng chia sẻ với ai về dự án mình đang đầu tư. Cho đến khi mọi chuyện vỡ lở, không còn khả năng vay mượn nữa thì tôi mới tỉnh ra. Mất số tiền lớn, đối tượng cũng đã bị bắt và tòa xét xử yêu cầu trả lại số tiền đã lừa đảo nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận lại được đồng nào. Tôi biết để lấy lại số tiền đã mất rất khó, thậm chí là không thể.
Chị N.T.L ở ấp 6, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài (nạn nhân vụ lừa đảo đầu tư Sân bay Long Thành)
Phần đông bị hại trong các vụ lừa đảo qua mạng mà chúng tôi đã đề cập thường chọn cách im lặng che giấu thông tin, khi hậu quả ngày càng nghiêm trọng thì mới đến cơ quan công an trình báo. Vì vậy, để ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh đã có phương án, kế hoạch phòng, chống cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Trung tá Nguyễn Minh Hiếu khuyến cáo người dân trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết khi tham gia trên môi trường số, đó là “5 không”: không nghe (điện thoại từ số lạ chào mời vào các nhóm trên mạng, rủ đầu tư… hoặc những lời cáo buộc, đe dọa liên quan vụ án, vụ việc); không nói (mật mã OTP, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân cho người lạ); không hoa mắt (các món quà miễn phí, lời chào việc nhẹ, lương cao, đầu tư lợi nhuận cao, vay vốn lãi suất thấp trên mạng…); không sợ hãi (trước lời đe dọa liên quan đến vụ án của người tự xưng là công an, tòa án, viện kiểm sát; cảnh giác trước tin báo người nhà gặp nạn…) và không làm theo yêu cầu của người lạ (không cài đặt ứng dụng theo hướng dẫn của người lạ qua điện thoại, dù là ứng dụng thuế, VNeID…, không chuyển khoản khi chưa rõ thông tin; không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội).
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết “5 không”, “2 phải” đối phó với tội phạm công nghệ
Bên cạnh đó, thực hiện “2 phải”: phải thường xuyên cảnh giác và phải tố giác ngay với cơ quan công an khi có nghi ngờ đối tượng lừa đảo. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao được đăng tải trên các phương tiện báo chí truyền thông, trang thông tin điện tử của cơ quan công an… để cảnh giác phòng ngừa.
Tội phạm sử dụng công nghệ không đáng sợ khi mỗi người dân tham gia các hoạt động trên môi trường số chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng và đặc biệt phải luôn tỉnh táo, nói không trước những lời mời chào, chiêu thức dẫn dụ, kịch bản lừa đảo tinh vi mà chúng đã dọn sẵn. Đồng thời, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng, chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội để tội phạm sử dụng công nghệ cao không còn “đất diễn”.
Ngân Hà