Cuộc chiến trường kỳ và khát vọng thống nhất: Tất cả cho tiền tuyến

Cuộc chiến trường kỳ và khát vọng thống nhất: Tất cả cho tiền tuyến
3 giờ trướcBài gốc
Từ hậu phương miền Bắc, từng hạt gạo, khẩu súng, viên đạn, từng tiếng hát, lời ru đều hướng về tuyến lửa miền Nam bằng tất cả niềm tin và khát vọng thống nhất. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm gian khổ, nhờ hậu phương miền Bắc vững vàng mà tiền tuyến miền Nam thêm sức mạnh, biến gian khó thành niềm tin, biến đau thương thành hành động và biến thách thức thành sức mạnh đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Đường Hồ Chí Minh ra đời
Sau năm 1954, miền Nam bước vào cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Đặc biệt, sau cao trào Đồng Khởi năm 1960, cách mạng miền Nam có sự chuyển biến mau lẹ, miền Nam muốn đánh lớn, mở những chiến dịch quy mô lớn chống lại các cuộc càn quét, lấn chiếm của Mỹ - ngụy. Nhưng lúc này, miền Nam thiếu vũ khí trầm trọng, những vũ khí lớn như xe tăng, súng pháo hạng nặng lại càng khan hiếm. Vấn đề đặt ra là cần phải đưa lực lượng, vũ khí, trang bị và phương tiện chiến tranh chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Nhưng đưa vào bằng cách nào, làm thế nào để vượt qua sự kiểm soát, đánh phá ác liệt của địch? Đó là bài toán cần gấp rút tìm ra lời giải. Trước tình hình đó, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ và Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời. Đây là con đường chi viện chiến lược cho miền Nam, cũng là biểu trưng cho tinh thần, ý chí và khát vọng thống nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong những năm tháng gian khó ấy, những con người như Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh là những chàng trai tuổi 18, đôi mươi mang trong mình khí thế: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: “Năm 1965, tôi vào bộ đội, thực hiện cuộc hành quân xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, để vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chính lời thề và cuộc hành quân đó mà trong 20 năm chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh nối liền cầu Hiền Lương giữa Bắc và Nam”.
Thiếu tướng Hoàng Kiền lúc bấy giờ cũng đang ở tuổi xuân phơi phới: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lời kêu gọi của Bác Hồ cùng với tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, tôi đi vào Trường Sơn chẳng nghĩ gì nhiều. Đi vào Trường Sơn khổ lắm, có người đi 2 tháng, có người đi 6 tháng mới vào tới chiến trường. Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Không có lời động viên, không có lòng yêu nước thì không ai đi được. Tôi là giáo viên cấp 2, Tiểu đoàn tôi có 500 thầy giáo. Bạn tôi là người Nam Định, đi được một tuần anh ấy không đi được nữa vì yếu quá. Chúng tôi đề nghị đưa anh vào trạm giao liên để cho về. Anh ấy kiên quyết không về. Thế là chúng tôi phải chia đồ trong ba lô của anh ấy ra cho người khác mang. Tôi dắt anh ấy chống gậy đi 2 tháng mới vào Trường Sơn”.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Mỹ không thể ngăn được sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam
Với mưu đồ ngăn chặn bằng mọi giá nguồn chi viện từ hậu phương miền Bắc, đế quốc Mỹ đã thực hiện cuộc chiến tranh đánh phá tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn và con đường vận chuyển trên biển bằng tất cả những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Quân đội Mỹ đã huy động hàng nghìn lượt máy bay ném bom mỗi ngày, sử dụng B-52 rải thảm, máy bay F-105, F-4 đánh phá liên tục trên toàn tuyến. Không dừng lại ở bom đạn thông thường, Mỹ còn rải hàng triệu lít chất độc hóa học nhằm phá rừng, triệt lá, hủy diệt môi trường sống, làm mất lớp ngụy trang tự nhiên của tuyến đường.
Cùng với đó là việc sử dụng bom từ trường, bom bi, bom nổ chậm, bom điều khiển bằng cảm biến địa chấn và âm thanh. Đây là những thứ vũ khí rình mò chết chóc, nhằm sát thương lực lượng của ta. Mỹ còn triển khai hệ thống do thám hiện đại như máy bay trinh sát, thiết bị nghe lén, cảm biến điện tử, kết hợp với biệt kích, thổ phỉ, gián điệp để phá hoại từ bên trong. Không dừng lại ở đó, Mỹ còn leo thang đánh phá hậu phương miền Bắc, nhằm triệt phá hoàn toàn nguồn chi viện chiến lược cho miền Nam. Thế nhưng, dù bom đạn xương tan, thịt nát, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn vẫn không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
Nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị đã quyết định mở đường Trường Sơn, xây dựng tuyến giao thông vận tải quân sự nối liền hai miền Nam Bắc. Ảnh TTXVN
Cho đến bây giờ, cựu thanh niên xung phong Vũ Thị Vịnh vẫn còn cảm nhận được những vết chai sạn trong lòng bàn tay, do phải liên tục cầm cuốc, xẻng phá đá, mở đường trên tuyến đường Trường Sơn. “Tôi nghe qua đài nói là giặc đánh phá đường, trường học, công xưởng, chợ,… làm cho hoạt giao thông bị tắc. Thế nên phải có lực lượng thanh niên xung phong tham gia mở đường, ngoài đường 1 còn phải mở đường 15A, 15B ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Rồi tiếp tục vào đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là phá núi, mở đường, bắc cầu chỉ bằng những dụng cụ thô sơ”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, dù đã tung vào cuộc chiến tất cả vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhưng với ý chí sắt đá, tinh thần vượt mọi gian khổ, bộ đội Trường Sơn vẫn bền gan, vững chí, giữ vững mạch máu chiến lược xuyên rừng núi, xuyên đại dương, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Lực lượng không quân bố trí lại các trận địa, bám sát các mục tiêu bảo vệ. Bộ đội công binh xây dựng công sự bám trụ ở ngay trọng điểm và thực hiện phương án: địch càng đánh thì mặt đường càng rộng, xe càng qua nhanh. Bộ đội lái xe vận tải chuyển sang tổ chức thành đội hình nhiều thể đội, quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn. Tất cả nhằm giữ vững được tuyến đường vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam” - Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhớ lại.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.
Đế quốc Mỹ không thể hình dung được rằng, dù đã tiến hành một cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô tàn khốc nhất trong lịch sử, nhưng Đường Hồ Chí Minh chẳng những không bị chặn cắt, không bị ngưng trệ mà còn phát triển thành một hệ thống giao thông phức hợp. Tổng chiều dài Đường Hồ Chí Minh trên bộ lên tới 17 nghìn km, gồm nhiều trục dọc ngang, trở thành trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Còn đường Hồ Chí Minh trên biển tuy không dài nhưng những các con tàu không số đã phải đi quãng đường gấp 185 lần vòng quanh trái đất. Tuy nhiên, điều làm nên tính chất huyền thoại của con đường Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở những con số, mà hơn thế, con đường này đã trở thành biểu tượng của ý chí, quyết tâm và khát vọng tự do, thống nhất Tổ quốc của quân và dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.
Tiến sĩ Sử học Hoàng Thị Hồng Nga cho rằng, thực tiễn lịch sử cho thấy, thống nhất đất nước và thống nhất Tổ quốc là một quy luật tất yếu, cũng là một nguyện vọng thiêng liêng của toàn thể dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khẳng định: Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam - Bắc một nhà. Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta.
Tiến sĩ Sử học Hoàng Thị Hồng Nga.
Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, hậu phương cũng là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi. Không có hậu phương vững mạnh thì tiền tuyến không thể chiến thắng kẻ thù, nhất là khi kẻ thù là đế quốc Mỹ có sức mạnh quân sự vượt trội. Theo số liệu thống kê khi tổng kết 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc: Có trên 80% quân số, 81% vũ khí, 60% nhiên liệu, 65% thuốc và dụng cụ y tế, 85% phương tiện vận tải đáp ứng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 được huy động từ miền Bắc. Điều đó đã khẳng định vai trò quyết định của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Không những nhận được sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân miền Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn từ bạn bè quốc tế và loài người tiến bộ. Cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ đã vấp phải sự phản đối, phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ và lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Đó là sức mạnh của lương tri, của lẽ phải và của cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Trường Giang/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/cuoc-chien-truong-ky-va-khat-vong-thong-nhat-tat-ca-cho-tien-tuyen-post1193028.vov