Họa sĩ Trần Nhật Thăng - con trai NSND Trần Văn Thủy và KTS Tùng Lê bắt tay thực hiện một cuộc triển lãm độc đáo kết hợp hội họa và điêu khắc mang tên T.h.ờ.i g.i.a.n.
Họa sĩ Trần Nhật Thăng và KTS Tùng Lê cùng tác phẩm sắp được triển lãm.
Triển lãm khai mạc ngày 20/12/2024 tại Green Palm Gallery, Hà Nội, đánh dấu 30 năm cầm cọ của Trần Nhật Thăng. Anh cho biết định làm triển lãm cá nhân lần thứ 17 vào tháng 9 vừa qua nhưng quyết định hoãn bởi chứng kiến những đau thương mất mát của đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi.
Trần Nhật Thăng mất 6 tháng để chuẩn bị cho T.h.ờ.i g.i.a.n nhưng với KTS Tùng Lê là 1 năm bởi khối lượng công việc quá lớn. Tùng Lê phải hoàn thiện những khung tranh được chạm khắc độc đáo từ cột nhà cũ, có cái đã 200 năm tuổi sao cho trở thành một tác phẩm điêu khắc ấn tượng ăn nhập với tranh của Trần Nhật Thăng.
Cột nhà cũ biến thành tác phẩm điêu khắc để sắp đặt bức tranh.
T.h.ờ.i g.i.a.n gồm 80 tác phẩm trừu tượng diễn đạt thế giới tinh thần của Trần Nhật Thăng ở hiện tại, tự do và thả lỏng, nhìn vào lòng mình mà vẽ. Những cảm kích và được mất của cuộc đời được họa sĩ nhìn bằng đôi mắt bình thản và tự tại, để hiểu rằng thời gian luôn bao dung và là nơi an trú không phán xét với mọi kiếp người, với mọi giấc mơ dù điên cuồng hay bé nhỏ.
Bệ đỡ cho chuỗi tác phẩm của Trần Nhật Thăng là các di sản còn sót lại từ những ngôi nhà xưa của các dân tộc Việt mà KTS Tùng Lê đã sưu tầm suốt thời gian dài. Đó có thể là bộ cột, hệ kết cấu quá giang câu đầu trong kiến trúc truyền thống, những đồ mộc gia dụng có tuổi đời lên đến 200 năm - được tái tạo và thiết kế lại thành bộ khung tranh độc đáo mang đậm đặc tính điêu khắc của KTS Tùng Lê.
Trần Nhật Thăng sáng tác trên những khung tranh độc đáo.
Hệ khung từ gỗ xưa và đồng với các nét chạm đục thủ công hoa văn mây cổ của người Việt - chính là “bệ đỡ thời gian” tĩnh tại và bền vững, để những giấc mơ phóng khoáng của Trần Nhật Thăng được nhẹ bỗng và mơ màng bay lên.
Tại sao lại là "thời gian"? KTS Tùng Lê lý giải: "Thời gian không có quá khứ, hiện tại hay tương lai. Bản thân thời gian sẽ luôn cuộn chảy như vậy. Tất cả những gì tôi và anh Thăng đang làm chỉ là một trong những thứ được lựa chọn để làm vào khoảng thời gian này. Khi anh Thăng nói về những ước mơ đang nghĩ đến, tôi thấy chúng ta luôn cần một nơi trú ngụ vững chãi ước mơ mới bay lên được. Tôi là một người làm nhà nên nghĩ tới việc làm những bệ đỡ vững chãi cho các tác phẩm của anh Thăng. Chính vì thế hai anh em kết hợp với nhau và triển lãm T.h.ờ.i g.i.a.n đã ra đời như vậy".
Khi hội họa kết hợp điêu khắc.
VietNamNet đặt câu hỏi: Làm thế nào 2 anh dung hòa cá tính của mình trong triển lãm lần này, để khi kết hợp tranh của Trần Nhật Thăng và tác phẩm điêu khắc của Tùng Lê sẽ tạo nên một ngôn ngữ thống nhất? Họa sĩ Trần Nhật Thăng nói: "Tôi biết rõ công việc của Tùng và thấy hợp nên khi đề đạt Tùng đồng ý ngay và vào việc ổn. Chúng tôi muốn làm những khung tranh tạo ra một khái niệm khác. Nó không còn là khung tranh thông thường nữa mà là một tác phẩm điêu khắc, bộ kết cấu đi kèm với hội họa".
KTS Tùng Lê chia sẻ đã chơi với Trần Nhật Thăng đủ lâu nên khi đàn anh đưa tranh của mình và nói ý tưởng là đồng ý ngay. Tùng Lê đã sưu tập kết cấu nhà cổ từ lâu, nếu nhìn thấy điều gì đó đủ "điên dại" sẽ mang bộ sưu tập ra "chơi". Tuy nhiên, nói thì dễ, kết hợp như thế nào là cả một vấn đề bởi anh phải sáng tạo trên những chất liệu đó để làm sao tạo ra những chiếc khung đặc biệt ăn nhập với tranh của Trần Nhật Thăng, để chúng không "đánh nhau" mà đẩy bức tranh lên.
KTS Tùng Lê cho biết Trần Nhật Thăng đưa bộ tranh cho mình và được toàn quyền quyết định việc thực hiện khung tranh cho phù hợp.
Hai nghệ sĩ đang gấp rút chuẩn bị cho triển lãm chung ngày 20/12 tới tại Hà Nội cũng như định giá cho mỗi tác phẩm. Dù đã tổ chức 17 triển lãm cá nhân nhưng Trần Nhật Thăng nói anh vẫn run rẩy mỗi khi gặp khách hàng muốn hỏi mua tranh của mình. Bên cạnh những vị khách "rất oách" cũng có những người cò kè từng đồng khi mua tranh. Họa sĩ cho biết trước đây anh chủ yếu bán tranh cho người nước ngoài nhưng giờ đa phần khách hàng là người Việt.
“T.h.ờ.i g.i.a.n c.ủ.a T.h.ă.n.g Ba mươi năm, mười ngàn không trăm chín mươi lăm nhịp đi của mặt trời, có thể tạo nên một hành trình nhưng chưa chắc để lại một con đường với những dấu chân trần hạnh đầu đà sáng tạo; Thăng vừa đi vừa xóa. Đó là hành vi ứng xử được Thăng an trú trên đầu cây cọ và sắc màu; lớp này chồng lên lớp khác, để lựa chọn, sàng lọc hay dỡ bỏ khỏi tục lụy hay giản dị như một phép b.u.ô.n.g. Mười bảy lần bày tranh cá nhân và hàng trăm cuộc triển lãm chung cùng anh em, bằng hữu cũng là phép sửa mình, tu thân bằng màu sắc, hình khối, đường nét, bố cục biểu hiện sát na b.ấ.t.c.h.ợ.t.T.h.ă.n.g. mà thành tác phẩm. Abtracstion (phép trừu tượng) - Metaphysic (tính ẩn dụ) trong đời sống được trình bày bằng quang phổ; đó là những ý niệm vụt hiện trong mỗi xung động giữa nhục cảm và nghiệm sinh của bản thể; đó là dấu ấn của Thăng, một họa sĩ kể câu chuyện của cá nhân mình bằng tư thế của một k.ẻ.h.i.ể.u.c.h.u.y.ệ.n. thế gian.
Một thiền sư an nhiên tự tại trên độc mộc bát nhã, bất giác khỏa tay xuống dòng thời gian và xòe ra để đáo ngộ những gì của riêng mình được nhận; một hành khất bước chân này chồng lên bước khác, lớp màu này kéo vụt vào lớp màu khác, một cuộc rượt đuổi vô tiền khoáng hậu đầy bản năng nhưng vô cùng nghiêm túc của một người đàn ông ý thức được hạnh ngộ nhân gian.
N.h.ữ.n.g.ẩ.n.h.i.ệ.n.t.i.ế.p.d.i.ễ.n. là vấn đề của Thăng; hành trình vô cực như thời gian, như dòng sông bất tận của sự trở về trong ý niệm thiên di.
Không thể không nhắc đến những hỉ nộ ái ố nhân gian đã được Thăng hòa trộn và bố quang tinh tế như thế nào để biểu hiện sắc thái trong tranh.
Ba mươi năm, không cần ngoảnh lại khi qua sông, trước mặt luôn là bến bờ, là nơi Thăng muốn và sẽ đến. Bạn luôn bước đi một mình nhưng không hề đơn độc vì luôn có những ánh dõi theo, Trần Nhật Thăng nhé"
Phan Huyền Thư viết lời tựa cho cuốn sách nhân ra mắt triển lãm T.h.ờ.i g.i.a.n của Trần Nhật Thăng