'Cuộc chơi lớn' của Mark Zuckerberg

'Cuộc chơi lớn' của Mark Zuckerberg
7 giờ trướcBài gốc
Tại hội nghị được Meta tổ chức vào tháng 4, CEO Mark Zuckerberg thừa nhận mô hình AI của công ty hoạt động kém hơn đối thủ. Những tính năng được trông chờ như tương tác giọng nói chưa sẵn sàng, khiến nhiều lập trình viên thất vọng.
Zuckerberg biết, và không chấp nhận việc Meta tụt hậu trong lĩnh vực AI. Trên WhatsApp, ông tạo nhóm với các lãnh đạo gồm Giám đốc Sản phẩm Chris Cox, Giám đốc Công nghệ Andrew Bosworth, thảo luận những việc cần làm.
Kể từ đó, Meta gây chấn động Thung lũng Silicon với loạt động thái quyết liệt. Phó chủ tịch phụ trách AI tạo sinh bị giáng chức, Zuckerberg đầu tư hơn 14 tỷ USD cho startup Scale AI, đồng thời chiêu mộ nhà sáng lập 28 tuổi Alexandr Wang. Meta cũng tiếp cận nhiều startup, bao gồm Perplexity AI về các thỏa thuận tiềm năng.
Cuộc tranh giành quyết liệt
Sau tuyên bố của Zuckerberg, Meta khởi động cuộc tuyển dụng rầm rộ, tiếp cận hơn 45 nhà nghiên cứu tại OpenAI. Một số người đã nhận được lời mời chính thức, trị giá lên đến 100 triệu USD. Ít nhất 4 người chấp nhận đầu quân cho Meta.
Lãnh đạo bộ phận AI tại Meta cũng gây bất ngờ với quyết định giảm đầu tư vào Llama. Đây là mô hình AI nguồn mở do công ty tự phát triển, được chia sẻ công khai để cộng đồng đóng góp. Tuy nhiên, công ty đang cân nhắc khả năng áp dụng mô hình mã nguồn đóng tương tự OpenAI và Anthropic.
Trả lời New York Times, phát ngôn viên Meta nhấn mạnh công ty “vẫn hoàn toàn cam kết phát triển Llama, với kế hoạch ra mắt nhiều nâng cấp trong năm nay”.
Alexandr Wang, nhà sáng lập Scale AI vừa gia nhập Meta. Ảnh: New York Times.
Để duy trì khả năng cạnh tranh, Zuckerberg đang theo đuổi tham vọng lớn mang tên “siêu trí tuệ” (superintelligence), bao gồm AI mạnh mẽ hơn não người. Hiện tại, chỉ một số công ty như OpenAI, Anthropic và Google mới có bí quyết phát triển công nghệ, Zuckerberg muốn Meta cũng nằm trong danh sách.
“Ông ấy giống nhiều CEO tại các công ty công nghệ lớn, những người cho rằng AI là thứ lớn lao nhất cuộc đời, và sẽ tụt hậu nếu không thể lớn mạnh trong lĩnh vực”, Matt Murphy, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Menlo Ventures, cho biết.
Lãnh đạo những công ty lớn cũng tin tưởng vào tương lai theo cách cực đoan. Google, Microsoft và Amazon đầu tư hàng chục tỷ USD vào AI để cạnh tranh lẫn nhau. Cuộc chiến tranh giành nhân tài bùng nổ, khiến các chuyên gia AI được săn đón như ngôi sao.
Sundar Pichai, CEO Google và Satya Nadella, CEO Microsoft, đều trực tiếp tham gia quá trình tuyển dụng. Một số công ty sẵn sàng chi hàng triệu USD mời gọi nhà nghiên cứu làm việc mà không cần phỏng vấn.
“Mức giá mà thị trường đưa ra cho các nhân tài ở mức độ này thực sự đáng kinh ngạc, chưa từng thấy trong sự nghiệp 20 năm của tôi với tư cách giám đốc công nghệ”, Demis Hassabis, Giám đốc Google DeepMind, chia sẻ với CNBC.
Điều khiến Zuckerberg thất vọng
Meta gần như dẫn đầu lĩnh vực AI trong nhiều năm. Hơn một thập kỷ trước, Zuckerberg chiêu mộ Yann LeCun, người được xem là “cha đẻ” AI hiện đại khi đồng sáng lập FAIR (Fundamental AI Research).
Sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT năm 2022, Meta lập tức thành lập nhóm AI tạo sinh để tích hợp lên toàn bộ sản phẩm. Công ty cũng mở mã nguồn mô hình Llama, nhưng nhanh chóng “hụt hơi” khi OpenAI và Google công bố chatbot có thể nghe, nhìn và nói, cùng những mô hình AI lý luận.
Nguồn tin thân cận cho biết lý do tụt hậu đến từ việc Meta thiếu kinh nghiệm trong kỹ thuật “học tăng cường” (reinforcement learning) dùng để xây dựng AI.
Yann LeCun được xem là một trong những nhà tiên phong của AI hiện đại. Ảnh: New York Times.
Cuối năm 2024, startup DeepSeek của Trung Quốc công bố mô hình AI dựa trên Llama, nhưng tiên tiến và tiêu thụ ít tài nguyên hơn. Từng được xem là lợi thế cạnh tranh, chiến lược nguồn mở của Meta dường như phản tác dụng.
Ngay lúc đó, các nhà nghiên cứu AI bên ngoài nhận email từ Zuckerberg, kêu gọi làm việc cho Meta. Đến tháng 4, Meta ra mắt 2 phiên bản Llama mới, tự tuyên bố hoạt động tốt hơn OpenAI và Google. Dù vậy, một số nhà nghiên cứu khẳng định phương pháp benchmark cố tình giúp mô hình của Meta hiệu quả hơn.
Zuckerberg phát hiện đội ngũ AI tại Meta muốn mô hình “trông hoạt động tốt” dù thực tế không phải vậy. CEO Meta được cho đã “thất vọng” do không được thông báo trước về việc này.
Những khó khăn tại Meta
Giải pháp của Meta là tăng cường nhân sự. So với vài trăm người của năm 2023, bộ phận AI tại Meta tăng lên hơn 1.000 người trong năm nay.
Tuy vậy, tăng trưởng quá nhanh dẫn đến đấu đá nội bộ và mâu thuẫn trong cấp quản lý. Một số kỹ sư đã rời bỏ, trong khi lãnh đạo phải ngồi lại bàn bạc hướng đi tiếp theo, bao gồm khả năng giảm đầu tư vào Llama.
Đến tháng 5, Meta tăng cường tuyển dụng nhà nghiên cứu AI cho phòng thí nghiệm siêu trí tuệ. Tiền không phải vấn đề, Zuckerberg tiếp tục gửi email mời gọi ứng viên phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Meta ở California. Những cuộc gặp với CEO Meta thường diễn ra trong phòng hội nghị kín bằng kính, còn gọi là “bể cá”.
Theo New York Times, Meta còn đàm phán mua lại startup Perplexity nhưng không đạt thỏa thuận. Zuckerberg cũng gặp Ilya Sutskever, nhà khoa học từng làm việc tại OpenAI về khả năng gia nhập Meta. Tuy nhiên, ông từ chối lời mời.
Meta từng tiếp cận Ilya Sutskever, từng giữ chức nhà khoa học trưởng tại OpenAI. Ảnh: New York Times.
Một trong những người được Zuckerberg thuyết phục thành công là nhà sáng lập Wang từ Scale AI, công ty chuyên sử dụng dữ liệu đào tạo AI. Cả 2 được bạn bè giới thiệu và kết nối thông qua Elliot Schrage, nhà đầu tư của Scale và từng làm việc tại Meta.
Meta tuyên bố nắm giữ lượng nhỏ cổ phần tại Scale AI, đồng thời chiêu mộ Wang và một số lãnh đạo cho bộ phận nghiên cứu siêu trí tuệ. Công ty cũng đàm phán với Daniel Gross, CEO Safe Superintelligence và đối tác đầu tư Nat Friedman.
Dù tăng cường tuyển dụng nhân tài, Meta vẫn còn nhiều việc cần giải quyết. Một số nhà nghiên cứu khẳng định Zuckerberg chưa nêu rõ sứ mệnh trong lĩnh vực AI ngoài việc tối ưu quảng cáo kỹ thuật số. Những người khác cho rằng Meta không phù hợp xây dựng siêu trí tuệ.
Bất chấp Meta thành công hay không, những người trong cuộc nhấn mạnh cuộc chơi cho nhà nghiên cứu, tài năng công nghệ đã hoàn toàn thay đổi.
“Tại Thung lũng Silicon, bạn nghe rất nhiều về kỹ sư 10x (kỹ sư làm việc hiệu quả hơn người bình thường 10 lần). Hãy xem nhà nghiên cứu AI như các kỹ sư 1.000x. Nếu chỉ cần tuyển một người nhưng có thể thay đổi quỹ đạo toàn công ty, điều đó vẫn xứng đáng”, Amjad Masad, CEO startup Replit AI, khẳng định.
Phúc Thịnh
Nguồn Znews : https://znews.vn/cuoc-choi-lon-cua-mark-zuckerberg-post1556369.html